Trà Vinh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025

Gia đình chị Sơn Thị Út (ấp Thanh Trì B, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành) thoát nghèo nhờ được nhà nước hỗ trợ vốn vay ưu đãi để xây nhà và được hỗ trợ sinh kế. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN
Gia đình chị Sơn Thị Út (ấp Thanh Trì B, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành) thoát nghèo nhờ được nhà nước hỗ trợ vốn vay ưu đãi để xây nhà và được hỗ trợ sinh kế. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

UBND tỉnh Trà Vinh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, với tổng mức vốn thực hiện dự kiến gần 32.314 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 398 tỷ đồng, ngân sách tỉnh trên 597 tỷ đồng, số tiền còn lại là các nguồn vốn lồng ghép, tín dụng, doanh nghiệp, nguồn huy động đóng góp tự nguyện từ người dân và cộng đồng.

Trà Vinh phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025 ảnh 1Gia đình chị Sơn Thị Út (ấp Thanh Trì B, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) thoát nghèo nhờ được nhà nước hỗ trợ vốn vay ưu đãi để xây nhà và được hỗ trợ sinh kế. Ảnh: Thanh Hòa- TTXVN

Tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trước năm 2025. Cụ thể, năm 2022, có 3 xã cuối cùng của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (85/85 xã), 10 xã nông thôn mới nâng cao, 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (Cầu Ngang và Duyên Hải). Năm 2023, huyện cuối cùng của tỉnh là Trà Cú đạt chuẩn nông thôn mới (9/9 đơn vị cấp huyện), huyện Cầu Kè đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2024, tỉnh phấn đấu có thêm huyện Tiểu Cần đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh phấn đấu có thêm huyện Càng Long đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đồng thời phấn đấu có thêm 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để thực hiện đạt mục tiêu trên, tỉnh Trà Vinh tập trung nhiều giải pháp, huy động các nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn để hỗ trợ các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tăng cường vận động các tổ chức kinh tế hỗ trợ, người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới theo tinh thần tự nguyện.

Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới, các sở, ngành liên quan, các địa phương thường xuyên rà soát, cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế, hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ việc xây dựng nông thôn mới đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế. Các địa phương chủ động ban hành cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của Chương trình theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và bền vững.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang, Phó trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia và Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh, Trà Vinh hiện có 82/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Để tăng thu nhập cho người dân nông thôn, tỉnh Trà Vinh đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững. Tỉnh xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo mô hình liên kết, ưu tiên hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn và du lịch nông thôn… Đồng thời, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản địa phương…

Thanh Hòa

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm