Nước sạch - Điểm nghẽn trong xây dựng nông thôn mới nơi miền núi xứ Thanh

Nước sạch - Điểm nghẽn trong xây dựng nông thôn mới nơi miền núi xứ Thanh

Được sự quan tâm của Nhà nước cùng với đóng góp tích cực của nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi xứ Thanh đã và đang có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết các xã miền núi hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu nước sạch tập trung.

Nước sạch - Điểm nghẽn trong xây dựng nông thôn mới nơi miền núi xứ Thanh ảnh 1Nhiều xã ở huyện miền Tây xứ Thanh "lỡ hẹn" với "đích" Nông thôn mới vì chưa có nước sạch. Ảnh: baothanhhoa.vn

Xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh là xã miền núi có xuất phát điểm thấp về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Phượng Nghi, đến cuối năm 2021 xã Phượng Nghi được công nhận hoàn thành 17/19 tiêu chí.

Thế nhưng, căn cứ Quyết định số 318/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, qua rà soát đến nay xã Phượng Nghi mới đạt 13/19 tiêu chí. Các tiêu chí còn lại địa phương đã xây dựng kế hoạch và nỗ lực để hoàn thành, tuy nhiên đối với tiêu chí số 17.1 về nước sạch hiện vẫn đang là khó khăn và rào cản đối với quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Theo đó, để hoàn thành tiêu chí số 17.1, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn ở địa phương phải đạt từ 45% trở lên; trong đó, có hơn 20% từ hệ thống cấp nước tập trung. Nhưng Phượng Nghi là xã miền núi còn nhiều khó khăn, địa hình rộng, dân cư thưa thớt; địa phương chưa có nhà máy nước sạch tập trung nên để hoàn thành tiêu chí về nước sạch rất khó thực hiện được trong năm 2022.

Ông Trương Văn Dự, xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh cho biết, gia đình hiện đang sử dụng nước từ giếng khoan, mặc dù đã qua bể lọc và máy lọc nước nhưng cũng không yên tâm, vì nước lẫn nhiều tạp chất, ô nhiễm. Vì vậy, người dân vẫn rất mong muốn được sử dụng nước sạch tập trung để đảm bảo sức khoẻ của người dân, nhất là trẻ em.

Theo ông Lê Viết Hương, Chủ tịch UBND xã Phượng Nghi, huyện Như Thanh, Phượng Nghi là xã miền núi, dân cư sống không tập trung, nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tập trung nằm ngoài khả năng của xã. Bên cạnh đó, việc vận động, kêu gọi các nguồn lực đầu tư để xây dựng công trình nước sạch tập trung rất nan giải. Xã cách nhà máy nước huyện Triệu Sơn 20 km, cách trung tâm huyện Như Thanh 20 km, việc làm hệ thống ống dẫn nước kinh phí rất lớn. Vì vậy, để đạt chỉ tiêu này và về đích nông thôn mới đúng kế hoạch đề ra, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan và sự chung tay của cộng đồng.

Là xã khó khăn ở xã vùng sâu, vùng xa của huyện Như Thanh, Xuân Thái cũng bắt đầu xây dựng nông thôn mới với xuất phát thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, kết cấu hạ tầng kém đồng bộ. Phát huy nội lực của nhân dân, sau hơn 10 năm triển khai, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Xuân Thái đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống người dân đang từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, theo kế hoạch, năm 2023 Xuân Thái sẽ về đích nông thôn mới nhưng đến nay địa phương mới đạt 14/19 tiêu chí; trong đó, tiêu chí về nước sạch được xem là tiêu chí khó thực hiện và có thể sẽ khiến xã lỡ hẹn với đích nông thôn mới như kế hoạch đã đề ra…

Ông Nguyễn Khắc Đại, Chủ tịch UBND xã Xuân Thái, huyện Như Thanh chia sẻ, theo kế hoạch còn hơn 1 năm nữa Xuân Thái sẽ về đích nông thôn mới. Trong số 5 tiêu chí còn lại xã chưa thực hiện được, tiêu chí về nước sạch hiện vẫn đang là điểm nghẽn, chưa có phương án để hoàn thành.

Bởi Xuân Thái là xã xa trung tâm, nhiều đồi núi, dân cư thưa thớt, hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số nên rất khó thực hiện. Vì vậy, hi vọng thời gian tới, huyện, tỉnh có phương án để tạo điều kiện cho các xã đã đăng ký về đích nông thôn mới có tiềm năng để hoàn thiện hạ tầng theo đúng kế hoạch…

Theo báo cáo, giai đoạn 2021-2025, khu vực miền núi Thanh Hóa có 53 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, riêng trong năm 2022 có 14 xã sẽ về đích. Qua khảo sát cho thấy, từ việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt phục vụ nhu cầu của người dân ở miền núi được đầu tư xây dựng.

Nhưng các công trình cấp nước sinh hoạt này đa phần chỉ đáp ứng về nước hợp vệ sinh, còn tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch rất thấp. Hiện nay, 11 huyện miền núi mới chỉ có 6 huyện có nhà máy nước sạch (Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Như Xuân). Trong khi đó, các nhà máy nước mới chỉ cung cấp nước cho các hộ dân ở thị trấn và một bộ phận nhỏ hộ dân ở vùng lân cận thị trấn.

Vì vậy, khi triển khai xây dựng nông thôn mới ở nhiều xã ở khu vực miền núi gặp khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu về nước sạch tập trung. Bên cạnh đó, tại 14 xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2022 vẫn chưa có hệ thống nước sạch tập trung.

Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, để chỉ tiêu nước sạch không trở thành rào cản trong quá trình xây dựng nông thôn mới, ngoài sự cố gắng của từng địa phương, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành liên quan, các huyện, nhất là trong việc bố trí nguồn vốn kịp thời để xây dựng, hoàn thiện các trạm cấp nước đạt tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các xã cần chủ động thực hiện xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch, không chỉ trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên. Ngoài ra, các huyện miền núi cũng cần chủ động kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy nước sạch, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn miền Tây xứ Thanh.

Khiếu Tư

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm