Những thành lũy xanh nơi biên cương Xứ Lạng

Những thành lũy xanh nơi biên cương Xứ Lạng

Tháng 9/2022, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn triển khai thí điểm mô hình “Lũy tre biên giới Việt” dọc tuyến biên giới Đồn Biên phòng Ba Sơn bảo vệ, quản lý. Đến nay, mô hình đã lan tỏa ở hầu khắp các đơn vị đồn biên phòng.

Những thành lũy xanh, hàng rào mềm nơi biên giới Lạng Sơn đã và đang sinh sôi mạnh mẽ bằng chính sức mạnh đoàn kết của quân và dân địa phương. Không chỉ tạo sinh kế cho nhân dân thôn giáp biên, mà hơn hết, đó còn thể hiện niềm tin, ý chí gắn bó với quê hương, gắn bó với biên giới, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng quốc gia của đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên.

Những thành lũy xanh nơi biên cương Xứ Lạng ảnh 1Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) tặng cây tre Bát Độ cho người dân các thôn bản giáp biên. Ảnh: nhandan.vn

Ông Triệu Văn Bâu, năm nay đã ngoài 70 tuổi, và cũng từng ấy năm gắn bó với mảnh đất vùng biên xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng. Theo lời ông Bâu kể lại, gia đình đã ngụ cư ở vùng đất biên giới sương mù, nắng gắt, khí hậu khắc nghiệt này qua nhiều thế hệ. Để sinh sống, gia đình gắn bó với việc trồng rừng gồm các loại cây thông, keo, lát, cây ăn quả dọc biên giới.

Tin tưởng Bộ đội Biên phòng và cũng xuất phát từ niềm tự hào, phấn khởi trong lòng, ông Bâu đã quyết định trồng thêm cây tre, theo mô hình “Lũy tre biên giới Việt”. Ông Bâu chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi vì đã được trồng tre ở biên giới; đây là loại cây mới, bà con ít trồng ở địa phương, nhất là ở khu vực giáp biên. Đã có công trồng và chăm sóc, tôi cũng mong những cây tre sống khỏe, để thành những vành đai xanh khẳng định chủ quyền lãnh thổ”.

Việc làm của ông Bâu cũng là một trong rất nhiều cá nhân, tổ chức tham gia lan tỏa mô hình “Lũy tre biên giới Việt”. Ngay từ khi triển khai mô hình, khu vực biên giới quản lý của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đã trồng được 1.200 cây tre trên tuyến biên giới dài hơn 1.500 mét.

Trung tá Hà Thọ Lộc - Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn) cho hay, đạt được kết quả trên là nhờ sự trách nhiệm, đồng lòng của cấp ủy chính quyền và nhân dân thị trấn trong huy động nhân lực, vật lực để triển khai mô hình. Đơn vị luôn tích cực tuyên truyền cùng với nhân dân chăm sóc, bảo vệ những cây tre đã trồng.

Trở lại nơi đầu tiên triển khai mô hình “Lũy tre biên giới Việt” của lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, những cây tre được trồng từ năm 2022 đến nay sinh trưởng phát triển rất tốt vì ngoài việc phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu, cây tre còn được quân và dân địa phương thường xuyên chăm bón. Trên điểm cao khu vực mốc 1193 và 1194, những cây tre đã vươn mình tươi tốt như chính nghị lực của người dân nơi đây.

Ông Triệu Sáng Tắc - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Cương (xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc) cho hay, cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng và nhân dân đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã cùng kết hợp trồng cây tre ở dọc biên giới. Tại những vị trí khó, chúng tôi vẫn cố gắng ươm trồng. Cây phát triển tốt nên bà con rất vui, tôi cũng thường xuyên tuyên truyền cho bà con phải chăm sóc, bảo vệ thật tốt.

Theo Thiếu tá Trần Quang Đam - Phó Đồn trưởng, Đồn Biên phòng Ba Sơn (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn), đồn quản lý, bảo vệ trên 41 km đường biên giới quốc gia và phụ trách địa bàn 3 xã: Cao Lâu, Xuất Lễ và Mẫu Sơn của huyện Cao Lộc. Ban Chỉ huy Đồn đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn, bồi dưỡng về kinh nghiệm trồng tre cho nhân dân khu vực biên giới, qua đó giúp bà con hiểu được tác dụng việc trồng tre khu vực biên giới, cách chăm sóc đối với những cây tre, hiệu quả của cây tre mang lại đối với đời sống.

Mô hình “Lũy tre biên giới Việt” của Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn là mô hình cụ thể hóa Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Đến nay, đã có hơn 14.700 cây tre được trồng trên chiều dài hơn 11km dọc theo đường biên giới của tỉnh Lạng Sơn.

Đại tá Trịnh Hữu Tăng - Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết, đơn vị sẽ chỉ đạo các đồn biên phòng tiếp tục phối hợp với cấp ủy chính quyền các xã thị trấn biên giới huy động người dân triển khai nhân rộng mô hình này. Qua đó góp phần xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện.

Ở nơi biên cương còn nhiều khó khăn vất vả, quân và dân Xứ Lạng đã và đang tạo dựng nên những thành lũy xanh, những hàng rào mềm từ mô hình “Lũy tre biên giới Việt”. Những thành lũy xanh ấy sẽ còn nối dài, mãi vươn cao, tượng trưng cho truyền thống tre xanh đất Việt.

Nguyễn Quang Duy

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm