Một nông dân vượt khó làm giàu

Một nông dân vượt khó làm giàu
Giữa sân là cả một lớp tiêu được phơi và một máy xay tiêu cùng vài công nhân đang miệt mài làm việc. Từ sân nhà, phóng tầm mắt ra phía trước một khoảng rộng là một rừng cây xanh ngắt của gia đình ông. Được chủ nhà dẫn đi thăm vườn cây bạt ngàn dưới cái nắng gay gắt của Tây Nguyên tháng 3 mùa khô, thấy được cái mênh mông của vườn cây mà khâm phục ý chí vượt khó làm giàu của một nông dân thứ thiệt.

Trong ký ức của ông Châu, đến nay ông vẫn không quên được khoảnh khắc cùng gia đình từ Đak Lak qua Gia Lai lập nghiệp. Khi mới đặt chân tới mảnh đất này (làng Bông, thôn Thống Nhất, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê), trước mặt ông là cả một rừng núi bạt ngàn, cây cỏ um tùm, thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt. Những gia đình đến trước cũng đã khai hoang một số vùng trồng cà phê và một số loại cây khác. Nhưng sau những vụ cà phê thất bát ai cũng chê vùng đất này xấu. Rồi nhiều người lần lượt bỏ đất, bỏ làng lang bạt làm thuê kiếm sống khắp nơi.
Ông Châu hướng dẫn nhân công tưới những trụ tiêu mới trồng.
Ông Châu hướng dẫn nhân công tưới những trụ tiêu mới trồng.
Nhưng với ông Châu thì “Đất tốt hay đất xấu là do bàn tay mình”. Vốn là bộ đội xuất ngũ từ năm 1989, mang trong mình bản chất của người lính Cụ Hồ chịu thương chịu khó lúc nào cũng sẵn sàng chấp nhận thử thách và tìm cách vượt qua. Cùng với đó là sự từng trải trước những khó khăn trong suốt 10 năm làm thuê ở Đak Lak đã tạo cho ông sự cứng cáp, rắn rỏi chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên nhiên và cái đói của đời thường để tiếp tục bám đất bám làng làm ra hạt gạo.

Ngay từ những ngày đầu lập nghiệp, ông Châu cùng vợ làm thuê đủ nghề để kiếm sống như phun thuốc, tưới nước thuê, xới đất thuê, bửa củi và chở củi đi bán. Nhưng không dừng lại ở đó, với bàn tay hay lam hay làm cùng với cái đầu luôn nghĩ, ông Châu đã bàn với vợ làm một việc hết sức mạnh dạn, đó là vay vốn mua đất sản xuất mặc dù lúc đó đất còn xấu và lắm cỏ dại. Nghĩ là làm, với việc bán tài sản gần 3 sào cà phê và 400 m2 đất được anh chị cho lúc lập gia đình cùng với việc vay thêm 45 triệu đồng, ông đã mua được 6 ha đất sản xuất. Có đất sản xuất ông vui và cùng vợ bắt tay ngay vào sản xuất, sáng dậy sớm đi làm, tối người ta về vợ chồng ông vẫn cặm cụi làm nốt những phần việc lở dở.

Bao nhiêu công sức mồ hôi đã đổ, vất vả là thế nhưng trời lại phụ lòng người, khi sức trẻ cùng với ý chí vượt khó làm giàu của họ không được đền đáp. Sự chất phác và lam lũ của những nông dân thứ thiệt đã không thắng nổi những khắc nghiệt của thiên nhiên. Những bước đi trong làm ăn của họ đều gặp những khó khăn vất vả khi những vụ mùa cà phê liên tục rớt giá, khiến cho nông dân thêm phần điêu đứng. Trước hoàn cảnh đó, một số chủ đất sản xuất đến từ Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi bỏ dần việc đầu tư chăm sóc vườn cây, rồi nhiều người bỏ đất không sản xuất nhưng ông Châu thì không nản. Ngoài việc tiếp tục chăm sóc 6 ha cà phê, cho người đào ao thả cá, ông Châu còn tiếp cận để mua đất của một số hộ không còn mặn mà với những mảnh đất trên.

Nhưng để có tiền mua đất lúc đó quả không phải chuyện dễ, trong khi đó muốn có hiệu quả kinh tế nhanh phải thuê nhân công làm. Với 15 triệu đồng vay được từ ngân hàng lúc đó cũng không đủ trang trải. Thế là ông bắt đầu tính chuyện mua đất trả góp, cũng may người bán cũng đồng tình. Người ta cho ông trả lãi trước, gốc sau nên ông cũng dễ bề xoay xở. Nhờ vậy, việc lấy ngắn nuôi dài này, ông dần dần chinh phục thiên nhiên, trồng nên những vườn cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng năm 2011 gia đình ông đã thu về 1,7 tỷ đồng từ vườn cây cà phê. Trong khi gần 3.000 trụ tiêu mới trồng và 1.300 cây cao su xen canh giữa vườn cà phê hứa hẹn mùa bội thu.

Nhờ những cố gắng, nỗ lực hết sức mình mà ông Nguyễn Năng Châu đã biến vùng đất khó thành cơm, giúp gia đình thoát khỏi sự luẩn quẩn của đói nghèo. Những món nợ dần dần cũng được thanh toán, góp phần mang lại màu xanh cho vùng đất đầy nắng và gió này. Đặc biệt sự giàu có về đất sản xuất của ông đang góp phần tạo công ăn việc làm cho trên 40 người khi vào vụ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng hành cùng chúng tôi trong suốt buổi sáng đến thăm gia đình ông Châu, anh Nguyễn Văn Thoại- Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Tiêm cho biết: “Ông Châu là một trong những hội viên Hội Nông dân xã Ia Tiêm được tỉnh, huyện, xã tặng bằng khen, giấy khen về thành tích tốt trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, và ông cũng luôn năng nổ đi đầu trong mọi công việc của thôn làng, đóng góp nhiều cho xã trong bước đầu xây dựng xã nông thôn mới”.

Là chủ nhân của 9 ha cà phê, 3 ha tiêu, 1.300 cây cao su xen canh cà phê, cùng 2 ao cá, 1 chiếc ô tô bán tải (gần 700 triệu đồng) và rất nhiều những máy móc phục vụ sản xuất, ông Châu đang là một đại gia có tiếng tại thủ phủ hồ tiêu Chư Sê này. Nhưng đi lên từ trong gian khó, từ bàn chân trần mà không phải bước đi từ trên nhung lụa nên ông Châu luôn hiểu được những vất vả của một nông dân thứ thiệt. Dù đủ thừa đất sản xuất để con cái có thể nối nghiệp nhưng với ông Châu nhìn thấy con cái được học hành, thành tài là điều ông vẫn tâm đắc nhất “để con cái không phải vất vả như mình”.
 
Báo Điện tử Gia Lai

Có thể bạn quan tâm