Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023: Đề thi Ngữ văn có ý nghĩa với lứa tuổi sắp vào đời

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023: Đề thi Ngữ văn có ý nghĩa với lứa tuổi sắp vào đời

Sáng 28/6, các thí sinh bước vào môn thi đầu tiên – môn Ngữ văn. Đây là môn duy nhất thi với hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút. Đề thi Ngữ văn luôn là tâm điểm chú ý của dư luận trong mỗi kỳ thi. Nhận xét của các giáo viên về đề thi năm nay cho thấy, đề giữ nguyên cấu trúc của đề thi minh họa cũng như đề thi chính thức các năm trước.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023: Đề thi Ngữ văn có ý nghĩa với lứa tuổi sắp vào đời ảnh 1Thí sinh tại điểm thi Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu trao đổi sau khi kết thúc thi môn Ngữ văn. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Cô Phạm Thị Thu Phương, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) cho rằng: Đề thi môn Ngữ Văn năm nay là một đề hay, bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, có đầy đủ các mức độ nhận thức, có tính phân loại học sinh cao. Vì vậy, học sinh cần nắm chắc kiến thức và thuần thục các kĩ năng làm các dạng bài mới có thể đạt được điểm khá, giỏi.

Ở phần đọc hiểu, đề cung cấp một văn bản đọc hiểu với dung lượng vừa phải và đưa ra 4 câu hỏi đọc hiểu ở các mức độ từ nhận biết, thông hiểu rồi đến vận dụng. Dù ở các mức độ của tư duy nhưng các câu hỏi đều không khó, đặc biệt là hết sức quen thuộc, nên học sinh có thể trả lời dễ dàng. Phổ điểm cho phần này sẽ là 2 đến 2,5 điểm.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023: Đề thi Ngữ văn có ý nghĩa với lứa tuổi sắp vào đời ảnh 2Thí sinh điểm thi Trường THPT Việt - Đức vui mừng sau khi hoàn thành bài thi môn ngữ văn. Ảnh: Hoàng Hiếu – TTXVN

Phần II gồm 2 câu: câu 1 (2 điểm) yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội - giới hạn dung lượng khoảng 200 chữ, câu 2 (5 điểm) yêu cầu viết bài văn nghị luận văn học - không giới hạn dung lượng.

Câu 1 đưa ra vấn đề “sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống” liên quan đến nội dung của văn bản đọc hiểu trong phần I. Để hoàn thành đoạn văn nghị luận xã hội, trước hết học sinh cần nêu vấn đề một cách ngắn gọn, rồi đi vào giải thích khái niệm “cân bằng cảm xúc”, phân tích các biểu hiện và ý nghĩa của việc biết cân bằng cảm xúc, nêu dẫn chứng minh họa, bàn luận mở rộng phản biện và cuối cùng, học sinh phải biết liên hệ bản thân để nhận ra những bài học về nhận thức, bài học về hành động, ý nghĩa thiết thực. Học sinh cũng cần biết kết hợp các thao tác lập luận để tạo lập văn bản và đảm bảo chuẩn dung lượng bài viết mà đề bài yêu cầu. Đây là tư tưởng đạo lí gần gũi, quen thuộc, không xa lạ với học sinh nên cũng không “làm khó” các em.

Câu 2 yêu cầu học sinh phân tích một đoạn trích ngắn trong tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, từ đó nêu lên nhận xét về cách nhìn cuộc sống của tác giả được thể hiện qua văn bản trích dẫn. Đề bài đòi hỏi học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức về tác giả, tác phẩm; thành thạo kĩ năng phân tích một đoạn trích văn bản văn xuôi; mà còn phải biết khái quát nhận diện được cách nhìn cuộc sống của nhà văn. Đây là một đoạn trích hay, tiêu biểu, có nhiều ý nghĩa, học sinh sẽ dễ dàng tạo lập hệ thống luận điểm và phân tích được những tầng nghĩa ẩn sau câu chữ. Tuy nhiên, để nhận xét được cách nhìn cuộc sống của nhà văn thể hiện qua đoạn trích, học sinh phải thực sự hiểu tác phẩm, hiểu nhân vật và hiểu phong cách của nhà văn Kim Lân. Đó là cái nhìn sắc sảo để phơi bày hiện thực xã hội những năm trước cách mạng, nhưng cũng chan chứa tình yêu và niềm tin về khả năng kì diệu của con người khi bị đẩy đến bờ vực, con người không còn là nạn nhân một chiều của hoàn cảnh mà có khả năng cải tạo hoàn cảnh, cách mạng chính là con đường sáng dẫn lối. Yêu cầu đặt ra với học sinh hoàn toàn nằm trong phần kiến thức cơ bản đã được học của chương trình Ngữ văn 12, nên phổ điểm sẽ nằm trong khoảng từ 3 đến 3,5 điểm. Những học sinh khá giỏi, có năng lực phân tích và khả năng diễn đạt tốt sẽ dễ dàng đạt được 4,0 điểm trở lên cho câu này.

Cô Nguyễn Hằng Nga, Tổ trưởng bộ môn Ngữ văn Trường Trung học Phổ thông Hoài Đức B (Hà Nội) nhận xét: Câu đọc hiểu văn bản đảm bảo kiến thức từ nhận biết thể thơ, các từ ngữ hình ảnh của bài thơ, biện pháp tu từ; thông hiểu các tác dụng nghệ thuật của biện pháp tu từ. Trong đó, câu 4 ở phần đọc hiểu là câu có tính chất vận dụng khá hay, học sinh sẽ tự rút ra những bài học của riêng mình khi đi qua những giông gió của cuộc đời. Câu hỏi vận dụng này rất có ý nghĩa với lứa tuổi sắp vào đời.

Phần Nghị luận xã hội là một câu hỏi vận dụng cao khá quen thuộc với một số đề khảo sát của một số địa phương đã từng ra trước đây, đó là cân bằng cảm xúc trong cuộc sống nên cũng không làm khó thí sinh.

Phần nghị luận văn học về tác phẩm “Vợ nhặt” nằm trong tầm ôn tập của các thí sinh mấy tháng gần đây nên nhiều em sẽ làm tốt. Tuy nhiên, việc chỉ ra cái nhìn về cuộc sống của tác giả là lạc quan tin tưởng vào phẩm chất tốt đẹp của người lao động và hướng về Cách mạng thì có lẽ chỉ có một số thí sinh đưa ra đúng đáp án.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023: Đề thi Ngữ văn có ý nghĩa với lứa tuổi sắp vào đời ảnh 3Thí sinh Lò Thị Hương tại điểm thi Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu dù bị thương nhưng vẫn hoàn thành tốt đề thi Ngữ văn sáng 28/6. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Theo cô Hằng Nga, phổ điểm dự kiến với đề môn Ngữ văn năm nay từ 6,5-7,5 điểm.

Việt Hà

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm