Kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Tự hào lịch sử, Hà Nội vững bước vào tương lai

Kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Tự hào lịch sử, Hà Nội vững bước vào tương lai

Hà Nội đang trong những ngày Thu tháng 10 lịch sử, gợi nhớ ngày cách đây 67 năm, lớp lớp đoàn quân tiến vào Thủ đô từ 5 cửa ô, hân hoan đi giữa phố phường rợp cờ hoa, rộn rã tiếng cười để tiếp quản Hà Nội. Dù hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng cứ vào thời khắc này, những người Hà Nội thế hệ cũ lại bâng khuâng nhớ về giờ phút thiêng liêng đó, với những cảm xúc khó tả.

Kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Tự hào lịch sử, Hà Nội vững bước vào tương lai ảnh 1Các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308 trên đường phố Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày nay, Hà Nội đã trải qua một chặng đường dài phát triển, hình hài của một Thủ đô hiện đại ngang tầm với các nước trong khu vực cũng đang dần hiện ra. Nhưng chưa khi nào người Hà Nội quên được truyền thống đáng nhớ trong quá khứ, tự hào về lịch sử để thêm tự tin bước vào tương lai.

Ký ức hào hùng

Dù đã ở tuổi 89 nhưng mỗi lần nhắc đến “60 ngày đêm khói lửa” bảo vệ Hà Nội, giam chân giặc Pháp, bảo vệ an toàn cho Trung ương Đảng và Chính phủ, tạo điều kiện cho cả nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ (19/12/1946-17/2/1947), cụ Đặng Văn Tích, làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội, nguyên là chiến sỹ Vệ út Thủ đô lại tràn đầy nhiệt huyết. Đó là là ký ức hào hùng, không thể nào quên đối với cụ. Khi ấy cụ mới là cậu bé 13 tuổi, tham gia vào một đội quân đặc biệt gồm 175 thiếu niên gọi là Vệ út.

Theo dòng hồi ức, cụ Đặng Văn Tích kể rằng, Liên khu I thời đó chỉ có hai đại đội Vệ quốc đoàn ở Đông Kinh Nghĩa Thục và Đồng Xuân. Liên khu có một đội quân đặc biệt là Vệ út – những đứa em út của các anh Vệ quốc đoàn, cùng tham gia bảo vệ Thủ đô trong những ngày kháng chiến chống Pháp.

Trước ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, quân ta đã bí mật đục tường làm đường liên thông từ nhà này sang nhà khác ở Liên khu I và Vệ út là những người thuộc các lối đi này. Khi kháng chiến bắt đầu, đồ đạc, cây cối, giường tủ, bàn ghế... được mang ra đường để chặn quân Pháp, Vệ quốc đoàn và dân quân tự vệ không thể tự do đi lại trên phố. Những cậu bé Vệ út len lỏi khắp các trận địa, xuyên qua bức tường đổ của những căn nhà để đi từ góc phố này tới góc phố khác, giữa làn đạn để truyền tin, truyền lệnh từ trung đội, đại đội, trung đoàn, dẫn bộ đội đi tiếp viện cho các trận địa. Cụ Đặng Văn Tích khẳng định, trong “60 ngày đêm khói lửa”, “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, các Vệ út khi đó là những chú bé liên lạc, là tấm bia sống bất chấp hiểm nguy, nhiều người đã hy sinh.

Kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Tự hào lịch sử, Hà Nội vững bước vào tương lai ảnh 2Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố giữa vòng vây của các nữ sinh trường Trưng Vương tặng hoa chúc mừng bên hồ Hoàn Kiếm trong ngày giải phóng Thủ đô. Ảnh: Tư liệu TTXVN  

Đầu tháng 2/1947, Bộ chỉ huy quyết định đưa Trung đoàn Thủ đô lên an toàn khu để bảo toàn lực lượng cho kháng chiến lâu dài. Ngày 17/2/1947, cùng với các chiến sĩ Vệ quốc quân, các Vệ út của Trung đoàn Thủ đô lặng lẽ rút khỏi Hà Nội. Giữa gió rét, sương mù và mưa phùn, hàng ngàn người lặng lẽ nối nhau đi trong đêm, dưới gầm cầu Long Biên, dọc theo bờ sông Hồng ra đến Chèm, lên thuyền sang Vĩnh Phúc, rồi đi tiếp lên Việt Bắc. Sau những năm tháng kháng chiến trường kỳ, ngày 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô đã về tiếp quản Hà Nội, thực hiện được lời hứa “ra đi hẹn ngày về”.

Những ngày mùa Thu này, trong căn phòng làm việc nhỏ, nhà sử học Dương Trung Quốc ánh lên niềm vui, pha lẫn tự hào khi nhắc về sự kiện ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954. Khi đó, ông còn nhỏ nhưng được chứng kiến và được sống trong bầu không khí vô cùng phấn khởi, vui tươi những ngày Thủ đô được giải phóng. Hình ảnh quân Pháp hạ cờ ở sân Cột cờ Hà Nội và đoàn quân Pháp rời cầu Long Biên rút khỏi Hà Nội là ấn tượng khó quên đối với người Thủ đô. Đặc biệt, hình ảnh quân Pháp rút đến đầu phố thì cuối phố mở cửa, chăng cờ đỏ sao vàng cũng để lại nhiều cảm xúc. Vì đó là hình ảnh mang thông điệp Hà Nội được giải phóng, điều mà hàng triệu người dân mong chờ. Ngày giải phóng đó diễn ra một cách hòa bình, không một tiếng súng, tiếng bom, là thắng lợi của Hiệp định Genève năm 1954...

Nhà sử học Dương Trung Quốc kể rằng, hồi đó ông mới ở độ tuổi thiếu nhi, được chứng kiến người dân phố Hàng Đường nơi ông ở, hối hả may cờ để chào đón ngày tiếp quản Thủ đô. Ông cùng các bạn sang phố Cầu Đông học những bài hát trong các buổi sinh hoạt, để chào mừng chiến thắng. Sáng 10/10, quân đội ta tiến vào Hà Nội, trong đó Trung đoàn Thủ đô làm chủ lực. Trung đoàn này cũng là nơi tập hợp hầu hết người con Hà Nội, những người đã từng vào sinh ra tử “60 ngày đêm khói lửa bảo vệ Hà Nội” và từng hẹn ước “ra đi hẹn ngày về”. Đó cũng là ngày hội ngộ đẫm nước mắt của rất nhiều gia đình Hà Nội.

Chiều 10/10/1954, hàng vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính thành phố tổ chức tại sân Cột cờ Hà Nội. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên tung bay trước gió, hòa cùng tiếng còi Nhà hát Lớn nổi lên khiến bao người dân Thủ đô vỡ òa trong cảm xúc. Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ đã đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân ngày giải phóng.

Tự tin tiếp nối tương lai

Kể từ mùa Thu của 67 năm trước cho đến nay, Hà Nội vẫn nỗ lực không ngừng trong xây dựng và phát triển Thủ đô, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, đưa thành phố hội nhập sâu rộng với thế giới. Truyền thống của mảnh đất ngàn năm văn hiến, tinh thần quả cảm được hun đúc qua hai cuộc kháng chiến, khát vọng vươn lên, là nền tảng vững chắc góp phần tạo ra thế và lực để Hà Nội có bước chuyển mình mạnh mẽ như ngày hôm nay.

Kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Tự hào lịch sử, Hà Nội vững bước vào tương lai ảnh 3Một đơn vị của Trung đoàn Thủ đô với lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng tham dự Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột Cờ (nay là Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long) vào lúc 15 giờ ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Kinh tế Thủ đô đạt mức tăng trưởng tốt. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật. Sự nghiệp văn hóa xã hội, y tế, khoa học công nghệ tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành quả quan trọng. Ðời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, an sinh xã hội được bảo đảm.

Bình quân 5 năm 2016-2020, GRDP tăng 6,73%, gấp 1,12 lân mức tăng cả nước (5,99%). Trong đó, đóng góp nhiều nhất là ngành dịch vụ, công nghiệp và xây dựng... Quy mô GRDP năm 2020 đạt 1,02 triệu tỷ đồng, khoảng 43,9 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người đạt 5.325 USD, gấp 1,29 lần so với năm 2015, gấp 92 lần bình quân cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại, tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 85,77% lên 86,74%, khu vực nông nghiệp từ 2,54% giảm còn 2,24%.

Mục tiêu đến năm 2025, sẽ xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; tạo bước chuyển căn bản sang mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đến thời điểm này, thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định: Trải qua 67 năm sau giải phóng, Thủ đô Hà Nội nay đã có một diện mạo tươi đẹp, hiện đại, năng động và vẫn giữ được những giá trị văn hóa lịch sử trường tồn của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Thành phố vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”, 3 lần được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, được các tổ chức quốc tế vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề, cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng thiệt hại ở tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã chủ động, bản lĩnh, linh hoạt, sáng tạo, bình tĩnh trong mọi tình huống; quyết tâm bảo vệ bằng được Thủ đô, không để dịch bệnh lây lan rộng. Đến nay dịch bệnh trên toàn thành phố đã cơ bản được kiểm soát. Bí thư Đinh Tiến Dũng tin tưởng, Thủ đô sẽ quyết tâm bảo vệ vững chắc thành quả đã đạt được, góp phần cùng cả nước chiến thắng đại dịch COVID-19, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin của cả nước...

Những ngày này, Hà Nội đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 67 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Do tình hình dịch bệnh, các hoạt động diễn ra có trọng tâm, trọng điểm, gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo trang trọng, khơi dậy niềm tự hào trong nhân dân. Truyền thống lịch sử, khí chất, tinh thần Hà Nội và những thành quả Thủ đô đạt được trong 67 năm qua là động lực khích lệ các tầng lớp nhân dân Hà Nội tin tưởng, chung tay xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng vững mạnh.

Đinh Thuận

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm