Chiều 15/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước. Cho ý kiến liên quan đến vấn đề giáo dục, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo sát sao việc thực hiện lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021; đồng thời định giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân.
* Đề nghị thành lập tổ tư vấn văn hóa, giáo dục
Để khắc phục những hạn chế nêu trong báo cáo của Chính phủ về giáo dục và đào tạo, dạy nghề, đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) đề nghị, Chính phủ phải thực sự ưu tiên nguồn lực, các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học trong các cấp học; hoàn thiện văn bản và tổ chức hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, đặc biệt giải trình về chất lượng giảng dạy, công tác tuyển sinh, thu phí người học. Chính phủ hoàn thành quy hoạch mạng lưới, cơ cấu ngành nghề đào tạo, giáo dục đại học, dạy nghề; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị đối với giáo dục phổ thông.
Đại biểu Phan Văn Lượng đề nghị Chính phủ có hướng dẫn về tiêu chí, định mức xây dựng, tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo để đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu 20% và quản lý sử dụng hiệu quả nguồn lực này.
Đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ tư vấn văn hóa, giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho biết, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; giáo dục và khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, với kết quả trong phòng, chống đại dịch COVID-19 vừa qua, đất nước đã xây dựng được "một thương hiệu Việt Nam" hội tụ nhiều giá trị, được xây dựng trên nền tảng văn hóa truyền thống, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, trách nhiệm cộng đồng.
"Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có Tổ tư vấn kinh tế. Từ khi thành lập đến nay, Tổ tư vấn kinh tế đã tư vấn và khuyến nghị với Thủ tướng nhiều giải pháp, nhiều biện pháp ứng phó kịp thời với những biến động bất thường của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế. Do đó, trên tinh thần coi văn hóa là nền tảng tư tưởng và giáo dục, khoa học- công nghệ là quốc sách hàng đầu, việc thành lập Tổ tư vấn văn hóa, giáo dục sẽ giúp Thủ tướng Chính phủ có những quyết sách đúng đắn, kịp thời về chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ trong trung hạn, dài hạn cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm", đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.
* Định giá sách giáo khoa phù hợp
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Việt Nam là nước đi đầu trong việc áp dụng biện pháp đóng cửa trường học trên toàn quốc khi xảy ra đại dịch COVID-19, nhưng ngành Giáo dục đã có bước chuyển ngoạn mục trong việc tổ chức dạy học online. Đến nay, dạy học online đã trở thành một hoạt động thiết yếu, duy trì sự tương tác giữa thầy và trò, không chỉ dựa vào trên lớp... cần được ghi nhận và đánh giá cao.
Đặc biệt, đại biểu ghi nhận việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tự cắt bỏ đặc ân trong việc biên soạn riêng sách giáo khoa, vì dù chất lượng biên soạn bộ sách này như thế nào, bộ sách cũng sẽ được lựa chọn nhiều nhất. Không biên soạn bộ sách riêng, điều đó không chỉ tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng mà còn tạo điều kiện quan trọng để thực hiện thành công chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa, tạo sự bình đẳng trong giáo dục.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) đề nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện tốt lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021. Đây là năm học đầu tiên thực hiện chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội.
"Đồng thời, quan tâm cụ thể việc định giá sách giáo khoa sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân. Vì đây là một loại hàng hóa đặc biệt", đại biểu Quách Thế Tản khẳng định.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, giá sách giáo khoa lớp 1 mới cao hơn khoảng 3 lần so với bộ sách giáo khoa hiện tại. Điều này liên quan đến việc chưa ban hành cơ chế tài chính đảm bảo công bằng trong việc biên soạn sách giáo khoa theo yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội.
Liên quan đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đại biểu Quách Thế Tản nêu rõ, trong khâu tổ chức thực hiện có việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, sơ tổng kết của Chính phủ, của cấp ủy và chính quyền chưa thường xuyên, chưa chặt chẽ và đánh giá chưa thực chất, hiệu quả của các chương trình, đề án đạt được chưa cao. Do đó, đại biểu Quách Thế Tản đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp có hiệu quả để khắc phục hạn chế này.
Diệp Trương