Hiện nay, các tỉnh ở Tây Nguyên và một số tỉnh trồng cà phê khác đã triển khai trồng xen cây trồng khác trong vườn cà phê nhằm tối đa lợi nhuận trên vùng cà phê, đồng thời vẫn ổn định được cây trồng chính và giúp sản xuất bền vững.
Thống kê đến hết năm 2021, trong tổng số 674.418 ha cà phê của 7 tỉnh (5 tỉnh vùng Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và tỉnh Đồng Nai, Sơn La), có đến 177.979 ha trồng xen chiếm 26,4% tổng diện tích cà phê. Loại hình trồng xen chủ yếu là xen tiêu chiếm 21.804,8 ha và xen bơ 19.329,7 ha, xen sầu riêng đạt 13.268.1 ha...
Theo số liệu điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, loại hình trồng xen phổ biến trên vườn cà phê hiện nay là trồng xen hồ tiêu, sầu riêng chiếm 72,3%.
Loại hình trồng xen bơ chỉ mới phát triển trong thời gian gần đây, chiếm hơn 8% số hộ điều tra. Loại hình trồng xen hỗn hợp nhiều loại cây có 11,7%. Lâm Đồng là tỉnh có đa dạng các loại hình trồng xen hơn các tỉnh khác ở Tây Nguyên.
Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng xen trong vườn cà phê lớn nhất với hơn 75.700 ha; trong đó, trồng xen hồ tiêu là gần 20.000 ha, trồng xen bơ là hơn 10.000 ha, sầu riêng là gần 5.000 ha.
Tiến sỹ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viên Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp vùng Tây Nguyên cho biết, việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê ngoài việc được thu sản phẩm trái cây còn có tác dụng cân bằng hệ sinh thái, làm cây che bóng, chắn gió, hạn chế tình trạng bốc hơi nước trong mùa khô. Tùy thuộc nhu cầu, quy hoạch của từng địa phương mà cơ cấu cây trồng xen và lợi nhuận từ trồng xen khác nhau.
Kết quả điều tra tại 5 tỉnh Tây Nguyên của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy, ở cả hai loại hình trồng xen đơn cây và đa cây đều có xu hướng giảm số lượng cây trồng chính là cà phê so với trồng thuần, tuy nhiên cây trồng chính vẫn giữ ở mức khoảng 1.000 cây cà phê/ha. Phương thức trồng xen phổ biến hiện nay là trồng xen vào hố cà phê, theo khoảng cách cố định và trồng xen ngã tư theo khoảng cách cố định. Chẳng hạn, cây sầu riêng được trồng xen vào hố cà phê và xen vào ngã tư có tỷ lệ tương đương nhau và theo khoảng cách cố định.
Đối với cây tiêu chủ yếu được trồng xen vào ngã tư theo khoảng cách cố định. Tỷ lệ trồng xen vào ngã tư theo khoảng cách cố định của cây bơ lớn hơn tỷ lệ trồng xen vào hố cà phê... Độ tuổi cây cà phê trên các vườn trồng xen từ 10 đến dưới 20 tuổi chiếm 75% số hộ, có 25% số vườn điều tra trên 20 năm tuổi.
Thực tế trồng xen tại các địa phương ở Tây Nguyên, tùy loại cây trồng trồng xen và địa phương mà hiệu quả kinh tế mang lại khác nhau.
Tại tỉnh Lâm Đồng, đối với cây sầu riêng khi vào giai đoạn kinh doanh ổn định lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 250 triệu đồng/ha/năm, cây bơ khoảng 141 triệu đồng/ha/năm, cây mắc ca khoảng 65,6 triệu đồng/ha/năm, cây mít khoảng 70,5 triệu đồng/ha/năm, cây hồng khoảng 46,5 triệu đồng/ha/năm.
Tại tỉnh Đắk Nông, hiệu quả kinh tế đối với các mô hình trồng xen đã tăng thêm thu nhập cho người dân từ 30 triệu đến 75 triệu đồng trên 1 ha. Tại tỉnh Đắk Lắk, các nông hộ cũng có thu nhập tăng thêm khoảng 50 - 500 triệu đồng/ha, mang lại thu nhập ổn định và rải đều trong năm giúp cho nông dân có điều kiện đầu tư lại vào vườn cây và phát triển kinh tế.
Anh Dũng