Chuyện kể về những cô giáo vùng cao

Chuyện kể về những cô giáo vùng cao
Cô giáo Đàm Thị Huế, Trường Tiểu học Ca Thành (Nguyên Bình) tập múa cho học sinh.
Cô giáo Đàm Thị Huế, Trường Tiểu học Ca Thành (Nguyên Bình) tập múa cho học sinh.
Đến Trường Tiểu học Ca Thành, nơi cô giáo Đàm Thị Huế, sinh năm 1985, quê ở xã Hoàng Tung (Hòa An) đang công tác. Kết thúc giờ học, tranh thủ tiếp chúng tôi trong căn phòng nhỏ đơn sơ nhưng gọn gàng ngăn nắp, cô kể: Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh chuyên ngành Âm nhạc, năm 2006, trúng tuyển và được phân công công tác tại Trường Tiểu học Ca Thành, giảng dạy môn Âm nhạc kiêm nhiệm Tổng phụ trách Đội. Tại đây, khó khăn ban đầu với cô không chỉ là những lớp học làm bằng những thanh tre nứa. Khi trời mưa, nước nhỏ giọt trên mái lá xuống khiến bùn đất dưới chân nhão nhoét. Mùa đông đến sương núi trắng xóa, cái lạnh tê tái khiến các học sinh ngồi không vững. Bên cạnh đó còn có khó khăn nữa là sự bất đồng ngôn ngữ giữa cô giáo với học sinh. Để có thể nhanh chóng giao tiếp được với phụ huynh và học sinh, cô mày mò học tiếng dân tộc từ các học sinh, người dân. Dần dần cô đã thông thạo tiếng dân tộc để mỗi khi có học sinh không ra lớp cô có thể đến tận nhà tìm hiểu nguyên nhân, ân cần động viên gia đình cho các em đến trường.

Đến nay, cô Huế đã công tác tại Trường Tiểu học Ca Thành được 9 năm. Trong suốt thời gian công tác tại trường và giảng dạy ở các phân trường: Khuổi Vầy, Nặm Kim, Nà Đoong, Khuổi Ngọa..., dù đường đi lại khó khăn, lúc trời mưa phải đi bộ gần 2 tiếng mới đến điểm trường nhưng cô luôn đem hết tài năng, tâm huyết và trí tuệ của mình để vun đắp cho sự nghiệp giáo dục. Trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi, cô giáo Huế tổ chức các hoạt động thiết thực giáo dục học sinh có đạo đức, tác phong tốt, biết yêu thương kính trọng ông bà, cha mẹ, người thân. Đoàn kết giúp đỡ nhau vượt khó để học tập tốt và cùng tiến bộ. Nhiều năm liên tục, cô Huế được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Sở Giáo dục và Đào tạo tặng giấy khen, bằng khen nhưng với cô điều cao quý hơn cả là hình ảnh của cô luôn ấm áp trong lòng người dân xã Ca Thành. 

Còn cô giáo Nông Thị Phương, sinh năm 1984, quê ở thị trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình), hiện là GV Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ca Thành. Năm 2006, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh chuyên ngành Hóa Sinh, cô về giảng dạy tại trường PTCS Quang Thành (nay là Trường THCS Quang Thành). Đến tháng 4/2011, cô được phân công dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ca Thành. Hằng ngày, nhìn các em học sinh cuộc sống khó khăn, khiến cho tuổi thơ của nhiều học sinh thuần túy chỉ là những ngày lên nương, lên rẫy nên con chữ cũng “cheo leo”. Để học sinh hứng thú đến trường học, cô Phương đã tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tuân thủ đúng chuẩn kiến thức kỹ năng trong từng tiết học. Đảm bảo giảng dạy có chất lượng, chú trọng kỹ năng thực hành, giao tiếp của học sinh, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Năm học 2014 - 2015, cô Phương đã vận dụng sáng kiến kinh nghiệm về “Phương pháp giải bài tập Di truyền” khiến học sinh hứng thú học tập, Ban Giám hiệu nhà trường và Ban Giám khảo Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp huyện đánh giá xếp loại tốt.

Chia tay với 2 cô giáo của xã Ca Thành, chúng tôi vượt chặng đường đèo núi gồ ghề đá sỏi, dốc cao dài hơn 30 km từ xã Ca Thành đến Trường Mầm non xã Mai Long. Ngôi trường nhỏ nằm lọt thỏm trong lòng thung lũng. Gặp cô giáo Tạ Thu Huyền, sinh năm 1976, quê ở thị Trấn Tĩnh Túc (Nguyên Bình), Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Mai Long. Từ tháng 10/1997, cô Huyền về nhận công tác tại Trường Mẫu giáo Tam Kim. Đến tháng 9/2000, chuyển về công tác tại Trường PTCS Vũ Nông. Tháng 8/2009, cô được điều động về công tác tại Trường Mẫu giáo Mai Long giữ chức vụ Hiệu trưởng. Trải qua nhiều vị trí công tác với nhiều bộn bề khó khăn, vất vả, vậy mà nhắc về khoảng thời gian những năm bám lớp, bám trường ở vùng cao, với cô Huyền chỉ vỏn vẹn có một chữ “thương”. Đó là tình thương cô giáo dành cho học trò vùng cao ngây thơ, hồn nhiên và người dân bản địa hiền lành, chất phác. Còn người dân thương cô giáo nhiệt huyết, không quản ngại vất vả, thiếu thốn đến dạy học. Tình yêu thương giúp cô thêm niềm tin, động lực gắn bó, cống hiến cho giáo dục vùng cao.

Cô giáo Nông Thị Phương, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ca Thành (Nguyên Bình) đang giảng bài cho học sinh.
Cô giáo Nông Thị Phương, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Ca Thành (Nguyên Bình) đang giảng bài cho học sinh.
Là người “đứng mũi chịu sào”, quản lý 14 lớp với 233 học sinh nằm rải rác ở 10 điểm trường, mỗi điểm trường cách xa trường chính 6 - 12 km. Cô Huyền luôn trăn trở khi thấy buổi trưa cha mẹ trẻ phải đón các con về ăn, đến giờ học lại đưa lên lớp. Để khắc phục tình trạng này, cô Huyền đề xuất ý tưởng tổ chức bán trú cho trẻ ăn tại trường. Nhưng để ý tưởng thành hiện thực quả là một thử thách. Khi các trường cách xa chợ mấy chục km, không thể đi lại mua thức ăn hằng ngày để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ nên cô quyết định mình sẽ là người trực tiếp đi mua các loại thức ăn cho trẻ. Hằng ngày, từ sáng sớm cô tranh thủ ra chợ mua thức ăn đem vào trường. Để đảm bảo rau xanh luôn tươi và tiết kiệm, cô vận động các giáo vien tự trồng rau. Đến nay, cả năm học các khu vườn nhỏ bên lớp học không bao giờ thiếu rau xanh. Từ đó, chất lượng giáo dục của trường được nâng lên rõ rệt. Tận tụy và trách nhiệm với nghề, cô Huyền đã xây dựng Trường Mẫu giáo Mai Long trở thành một trong những điểm sáng của giáo dục vùng cao, có đội ngũ giáo viên giỏi về chuyên môn, nhiệt huyết trong công việc. Những năm qua, nhà trường luôn đạt Tập thể lao động tiên tiến; cô Huyền đạt GV dạy giỏi các cấp và năm học 2012 - 2013, cô được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen Nữ nhà giáo tiêu biểu. Ông 

Vũ Văn May, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nguyên Bình chia sẻ: Dù ở vị trí công tác nào, các cô giáo vùng cao luôn hết lòng, hết sức vì sự nghiệp giáo dục, hy sinh thầm lặng bởi những vất vả gian nan khi dạy học tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhưng vượt lên tất cả, những GV vùng cao luôn nỗ lực bằng tình yêu nghề đem cái chữ đến cho học sinh, góp phần đem lại tương lai tươi sáng hơn cho vùng cao.                                                           
Báo Cao Bằng

Có thể bạn quan tâm