Bài 2: Củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước
Việc giảm nghèo, cải thiện đời sống, nâng cao dân trí cho nhân dân ở biên giới đã góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng thế trận lòng dân, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là khẳng định của Thiếu tướng Văn Ngọc Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng với phóng viên TTXVN khi đề cập đến sự đồng hành của Bộ đội Biên phòng cùng chính quyền và nhân dân trong nỗ lực giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới.
* Hiện nay, nhiều vùng “lõi nghèo” của cả nước là những xã biên giới, miền núi và việc giảm nghèo ở những địa phương này rất khó khăn, đòi hỏi sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Ở góc độ Bộ đội Biên phòng thực hiện công tác quản lý, bảo vệ khu vực biên giới quốc gia, trước thực tế này, Thiếu tướng có những nhìn nhận gì?
- Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về đầu tư phát triển kinh tế - xã hội mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, do những điều kiện về địa lý, tự nhiên nên khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn so với các địa bàn khác. Nổi lên như hệ thống chính trị cơ sở nhiều nơi còn yếu kém; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; giáo dục, y tế còn bất cập; đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân còn thấp hơn các vùng khác trong cả nước, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Thực trạng trên đòi hỏi sự chung tay vào cuộc và trách nhiệm của các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị trong việc triển khai, thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số miền núi, biên giới nhằm giúp đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống. Từ đó, giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất, bám bản làng, cùng với Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
* Xóa đói, giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta; đồng thời là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị. Bộ đội Biên phòng đã có những cách làm hay, sáng tạo như thế nào để giúp người dân nơi biên cương Tổ quốc phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, thưa Thiếu tướng?
- Quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, với phương châm “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các lực lượng và cấp ủy, chính quyền địa phương ở khu vực biên giới thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân biên giới chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; triển khai hiệu quả nhiều chương trình, mô hình, phong trào giúp dân phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn khu vực biên giới. Tôi lấy những ví dụ tiêu biểu như phong trào "Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới", Chương trình "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo", “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Thầy giáo quân hàm xanh", "Thầy thuốc quân hàm xanh", “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản”, Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng", Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương"...
* Vậy hiệu quả của những mô hình, chương trình giúp nhân dân khu vực biên giới xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội như Thiếu tướng nêu ra là gì?
- Các chương trình, mô hình, phong trào giúp dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã được các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đời sống của nhân dân biên giới được cải thiện đáng kể. Qua đó, đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị và các tầng lớp nhân dân hướng về biên giới, hải đảo, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí. Từ đó đã phát huy trách nhiệm của đồng bào trong tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong các chương trình, mô hình được triển khai, thực hiện hiệu quả đó, có thể kể đến chương trình “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản” được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm trên các tuyến biên giới, với các hoạt động tặng nhà “Đại đoàn kết”, cây giống, vật nuôi và hàng triệu suất quà cho đồng bào nghèo nơi biên giới. Chương trình này có tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng/năm.
Một chương trình nữa là chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Đây là chương trình do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện từ năm 2018. Qua 5 năm, từ năm 2018 - 2023, Chương trình đã triển khai ở 210 xã biên giới với các hình thức về hỗ trợ mô hình sinh kế, tặng mái ấm tình thương, hỗ trợ vốn vay, giống vật nuôi, cây trồng, tặng quà, học bổng cho học sinh, nữ sinh dân tộc thiểu số nghèo vượt khó… với tổng kinh phí gần 277 tỷ đồng.
Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng triển khai thực hiện đã tạo cơ hội cho học sinh nghèo nơi biên giới vươn lên học tập, rèn luyện tốt. Hằng năm, Bộ đội Biên phòng nhận đỡ đầu gần 3.000 lượt học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến khi học hết lớp 12 với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng/cháu. Từ năm 2014 đến nay, chúng tôi đã đỡ đầu khoảng 21.000 cháu, trong đó hàng trăm học sinh là của các nước bạn Lào, Campuchia. Các đồn Biên phòng nhận nuôi, chăm sóc 388 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đảm bảo mọi mặt để các cháu có điều kiện học tập, trưởng thành.
* Thưa Thiếu tướng, việc giúp người dân vùng biên giới phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo sẽ có ý nghĩa như thế nào để góp phần bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc?
- Có thể nói, ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới thì nhiệm vụ giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo còn là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của mỗi cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng. Nhiệm vụ này có ý nghĩa quan trọng, có vai trò to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ biên giới trong tình hình hiện nay. Điều đó khẳng định vị trí, vai to lớn của nhân dân, đặc biệt là nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.
Thực hiện tốt nhiệm vụ này là góp phần triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới; thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Đồng thời, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân khu vực biên giới đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, qua đó tiếp tục tôn vinh hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
* Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Hạnh Quỳnh (thực hiện)