Bài 4 (Bài cuối): "Chìa khóa" phát triển bền vững
Xác định rừng là thành tố quan trọng trong những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, vì vậy, thời gian qua, bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích mô hình thích ứng, các tỉnh Bắc Trung Bộ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng rừng. Đặc biệt, các địa phương mạnh dạn, chủ động quan tâm phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng. Đây không chỉ là xu hướng chung của thế giới mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, là "chìa khóa" mang lại lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, hạn chế biến đổi khí hậu.
Một quy trình nhiều lợi ích
Bên cạnh việc không ngừng mở rộng diện tích trồng rừng (chiếm hơn 21% cả nước), nhiều địa phương ở Bắc Trung Bộ đã chuyển đổi phương thức phát triển rừng theo hướng bền vững. Đơn cử, tỉnh Hà Tĩnh có diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 60% tổng diện tích đất tự nhiên. Để ứng phó với thời tiết cực đoan, phát huy thế mạnh đất rừng phát triển kinh tế, người dân triển khai trồng phủ xanh đất trống đồi trọc, nhờ đó, diện tích rừng trồng ở Hà Tĩnh đã và đang không ngừng tăng lên theo từng năm. Một số hợp tác xã nông, lâm nghiệp trên địa bàn đã mở hướng sản xuất mới như: Rừng gỗ lớn, rừng theo tín chỉ FSC… hướng đến phát triển rừng bền vững, chống biến đổi khí hậu.
Liên hiệp hợp tác xã chứng chỉ rừng Tây Kim hiện có hơn 2.100 hộ dân của 12 xã thuộc huyện Hương Sơn tham gia phát triển rừng theo tiêu chuẩn FSC. Mới đây, đơn vị đã gửi hồ sơ đề nghị Tổ chức GFA (Tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững GFA) sang đánh giá lại cho hơn 4.000 ha của chu kỳ trước và hơn 2.000 ha mở rộng mới theo tiêu chuẩn FSC.
Ông Võ Văn Biển, Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã chứng chỉ rừng Tây Kim chia sẻ, từ khi chuyển đổi rừng theo tiêu chuẩn FSC, diện tích rừng của các hộ được quản lý chặt chẽ, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng gỗ được nâng cao. Gỗ rừng được cấp chứng chỉ FSC có giá bán ra cao hơn rừng thường từ 10-15%, hiệu quả kinh tế cao hơn 1,2-1,5 lần so với trước đây nên người dân rất phấn khởi tham gia.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn, để thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận chính sách về lâm nghiệp; nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gỗ theo chuỗi giá trị gỗ rừng trồng. Tỉnh khuyến khích người dân sử dụng giống có nguồn gốc, chất lượng để tăng năng suất, chất lượng rừng trồng. Đồng thời, củng cố các hợp tác xã lâm nghiệp theo hướng bền vững, phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 37.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.
Có thể thấy rõ, xu hướng trồng rừng theo chứng chỉ FSC đang được các địa phương trong vùng lựa chọn. Từ chưa có diện tích nào được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững năm 2022, đến nay, tỉnh Nghệ An đã có hơn 26.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.
Việc trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC không chỉ mang lợi ích lớn về kinh tế mà quy trình trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC còn đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học. Bằng cách áp dụng nguyên tắc quản lý bền vững, trồng rừng FSC giúp duy trì, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ các loài động và thực vật quý hiếm và giữ gìn sự cân bằng sinh thái. Điều này có tác động tích cực đến việc bảo vệ nguồn nước, giảm thiểu sạt lở đất và giữ gìn khí hậu ổn định.
Động lực để giảm phát thải khí nhà kính
Mới đây, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đầu năm 2024, Việt Nam đã hoàn thành việc chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon dioxide (CO2) ở vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024 cho Ngân hàng Thế giới (WB) với giá 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương nhận được tiền từ bán tín chỉ carbon rừng từ Ngân hàng.
Theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, 96,5% số tiền trên sẽ được phân bổ về địa phương. Đây thực sự là một nguồn lực, tạo động lực để giảm phát thải khí nhà kính, góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Tỉnh Quảng Bình hiện có trên 590.000ha rừng, trong đó hơn 469.000ha rừng tự nhiên. Giai đoạn 2023-2025, Quảng Bình nhận được 235 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon. Qua đó, mang lại nguồn thu cho gần 11.000 chủ rừng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng theo hướng bền vững.
Ông Thái Xuân Hồng, Trưởng Ban Quản lý rừng Cộng đồng bản Phú Minh, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa cho biết, bản Phú Minh được giao quản lý, bảo vệ trên 720ha rừng cộng đồng. Trước đây, bà con tham gia bảo vệ rừng được hỗ trợ 400.000 đồng/ha/năm nay sẽ nhận thêm hơn 170.000 đồng/ha rừng/năm từ tiền bán tín chỉ carbon. Khi có thêm nguồn hỗ trợ, bà con rất vui, ai cũng thấy trách nhiệm đối với rừng hơn, nhờ đó, rừng ngày càng được bảo vệ tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Duẩn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình cho biết, ngoài phát huy thế mạnh rừng tự nhiên, thời gian tới, tỉnh mở rộng đối tượng, đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ việc thực hiện hoạt động trồng rừng mới theo tiêu chuẩn quốc tế, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn để nâng cao trữ lượng carbon rừng.
Là địa phương có diện tích rừng lớn nhất nước, thông qua chương trình thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, Nghệ An thu được hơn 282 tỷ đồng. Đây cũng là địa phương được nhận tiền từ bán tín chỉ carbon rừng lớn nhất nước. Trong khi nguồn lực phân bổ cho lĩnh vực lâm nghiệp còn khá hạn chế, việc thu hàng trăm tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng góp phần quan trọng giảm tải áp lực nặng nề trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, hiện nay, công tác chi trả chưa thực hiện được do còn nhiều vướng mắc. Trong khi, thời gian thực hiện Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) theo quy định là đến hết năm 2025.
Ông Ngô Hoàng Khanh, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An cho biết, theo quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP và Sổ tay hướng dẫn thực hiện ERPA, thời gian thanh toán tiền ERPA là sau khi Danh sách hưởng lợi, kế hoạch tài chính năm của Quỹ tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt và có thông báo kinh phí của Quỹ tỉnh. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thông tin một số chủ rừng, diện tích rừng tự nhiên theo kết quả công bố diễn biến rừng có sự sai lệch nhất định so với thực tế, một số chủ rừng được hưởng nguồn kinh phí lớn, không sử dụng hết. Do đó, cần thời gian, kinh phí để rà soát lại danh sách, diện tích các đối tượng được hưởng lợi trên địa bàn toàn tỉnh trước khi chi trả. Ngoài ra, việc chi trả ERPA là một chính sách mới, chưa có tiền lệ, văn bản quy định, hướng dẫn chưa rõ ràng nên quan điểm một số cấp, ngành về một số nội dung khi triển khai thực hiện ERPA vẫn chưa đồng nhất đặc biệt là trong việc thẩm định, phê duyệt Kế hoạch tài chính của Quỹ tỉnh. Kế hoạch chi kinh phí trích tại Quỹ cũng chưa được phê duyệt chi tiết… Những nội dung này đều đã được đơn vị kiến nghị Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam.
Thị trường tín chỉ carbon ở vùng Bắc Trung Bộ nói riêng, ở Việt Nam nói chung còn rất nhiều tiềm năng phát triển bởi diện tích rừng chưa đưa vào khai thác carbon còn rất lớn. Việc phát triển thị trường tín chỉ carbon với những lợi ích mang lại không chỉ giúp các chủ rừng có thêm động lực bảo vệ, phát triển rừng bền vững mà còn là trợ lực, góp phần giúp Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 như cam kết của Chính phủ tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26.
Có thể thấy, biến đổi khí hậu đã và đang có xu hướng ngày càng phức tạp, ảnh hưởng mạnh mẽ, nhiều mặt đến cuộc sống, đòi hỏi mỗi người, mỗi địa phương không ngừng nỗ lực tìm giải pháp ứng phó. Những cách thức tiếp cận của các địa phương vùng Bắc Trung Bộ - nơi chịu ảnh hưởng khá nặng nề của biến đổi khí hậu sẽ là kinh nghiệm, bài học cho các địa phương trên cả nước. Trong đó, có thể coi việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường thông qua các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu là "chìa khóa" để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. (Hết)
Mạnh Thành-Duy Hưng-Văn Tý-Võ Dung-Hoàng Ngà