An Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số từ 3-4%/năm

Người dân xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An Giang) tranh thủ hái bông súng đồng kiếm thêm thu nhập vào mùa nước nổi. Ảnh: Công Mạo - TTXVN
Người dân xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An Giang) tranh thủ hái bông súng đồng kiếm thêm thu nhập vào mùa nước nổi. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Quyết định số 1898 triển khai "Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025" nhằm hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

An Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số từ 3-4%/năm  ảnh 1Người dân xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên (An Giang) tranh thủ hái bông súng đồng kiếm thêm thu nhập vào mùa nước nổi. Ảnh: Công Mạo - TTXVN

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, An Giang đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 1-1,2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm. Đến cuối năm 2025, huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn và tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm bình quân 2%/năm.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia. Huyện nghèo trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. An Giang ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm: Đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng điện, công trình thủy lợi… cho các huyện nghèo.

Để đạt được mục tiêu trên, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn An Giang sẽ triển khai 7 dự án gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, các dự án thuộc Chương trình sẽ được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững. Tỉnh sẽ phân quyền, phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình phù hợp điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.

Để chương trình triển khai thành công, An Giang bảo đảm tỷ lệ vốn đối ứng của các địa phương và trách nhiệm tham gia thực hiện Chương trình của người dân, đối tượng thụ hưởng. Qua đó khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên "thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no" của người dân và cộng đồng.

Tỉnh An Giang hiện có 20.074 hộ nghèo, chiếm 3,81%; trong đó có gần 4.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 14,51%/tổng số hộ dân tộc thiểu số. Hộ nghèo tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, với hơn 17.100 hộ, chiếm 85,19% tổng số hộ nghèo của tỉnh.

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai hàng loạt mô hình, cách làm hiệu quả..., tạo điều kiện cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Thanh Sang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm