Chị H'Bot Niê (mặc áo đen) hướng dẫn khách mua hàng. Ảnh: vov4.vov.vn |
Cách đây 5 năm gia đình H’Nhuôl Niê là một trong những hộ nghèo nhất nhì của buôn Barah, xã Ea Tul, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk. Nhà có 3 sào đất được thừa hưởng từ bố mẹ, nhưng vì không có tiền đầu tư nên năng suất cây trồng thấp, cuộc sống luôn thiếu trước, hụt sau.
Năm 2014, H’Nhuôl Niê được Hội phụ nữ xã tín chấp cho vay 10 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách. Từ nguồn vốn này, chị mua trụ tiêu và giống tiêu về trồng. Tích cóp dần từng đồng vốn, gia đình chị mua vật tư, phân bón chăm sóc vườn tiêu, rồi mua thêm đất, mở rộng mô hình trồng xen cà phê trong vườn tiêu.
Đến nay, gia đình chị đã có hơn 1,2 héc ta tiêu trồng xen cà phê; 500 cây cao su; 5 sào đất thuê để trồng cà phê và 1 héc ta mì, gần 1 héc ta điều. Với thu nhập từ 150 triệu đồng/năm, gia đình chị H’Nhuôl Niê đã có “của ăn, của để”, đầu tư xây dựng lại ngôi nhà, mua sắm nhiều vật dụng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống như máy cày tay, bơm nước, xe máy, ti vi; có điều kiện đầu tư cho con cái ăn học…
Còn ở buôn Sah, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, với 8 triệu đồng từ nguồn vốn của cha mẹ để lại, vợ chồng chị H’Bot Niê chỉ đủ làm ngôi nhà tạm và mở một cái quán tạp hóa nhỏ để buôn bán qua ngày. Tuy nhiên, do đồng vốn ít, nên nguồn thu nhập từ bán tạp hóa không đủ nuôi vợ chồng chị và hai con. Cuộc sống luôn trong cảnh ăn bữa nay phải lo bữa sau.
Cũng vào năm 2014, từ nguồn vốn 20 triệu đồng do Hội phụ nữ xã đứng ra tín chấp cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vợ chồng chị đã mạnh dạn vay mượn thêm người thân để mở cửa hàng vật liệu xây dựng. Đến nay, chị H’Bot đã có 2 cửa hàng vật liệu xây dựng đặt tại xã Ea Tul, cho thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm.
Vậy là, nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, mà gia đình chị H’Nhuôl Niê, H’Bot Niê đã có những đổi thay rõ rệt, thoát khỏi đói nghèo. Theo chị H’ Wôn Niê, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ea Tul, huyên Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk, đến thời điểm hiện tại Hội phụ nữ xã đã nhận ủy thác cho hơn 300 hội viên vay vốn với số vốn hơn 7 tỷ đồng. Hầu hết chị em sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập.
Năm 2017, nguồn vốn cho vay tín dụng chính sách từ chi nhánh Ngân hàng Chính sách tỉnh Đắk Lắk đã tạo điều kiện cho hơn 52.500 hộ gia đình có vốn để đầu tư, sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, giúp cho hàng ngàn hộ gia đình xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Hàng ngàn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn yên tâm học tập.
Nguồn vốn cho vay đã góp phần giúp cho gần 14.000 hộ thoát nghèo; hơn 11.000 hộ thoát cận nghèo. Đến hết tháng 5/2018, tổng dư nợ là 4.115 tỷ đồng, tăng 3,65%.
Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách không những tạo đà cho đồng bào các dân tộc thiểu số vương lên thoát nghèo mà còn góp phần làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của bà con.