Sản phẩm bưởi đỏ của hộ thành viên HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc được rửa sạch bằng dây chuyền công nghệ, đóng gói và nhãn hiệu trước khi giao cho đơn vị thu mua theo đúng hợp đồng, giúp nâng cao giá trị nông sản. Nguồn ảnh: baohoabinh.com.vn |
Tại xã Thượng Bì, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ớt Việt Nam hợp tác với 36 hộ dân xóm Nè trồng 5 ha ớt xuất khẩu. Giống ớt cay lai F1 số 20 phù hợp với đồng đất và khí hậu nên cây sinh trưởng xanh tốt, cho trái nhiều, mẫu mã quả đẹp. Ông Bùi Văn Tú, Chủ tịch UBND xã Thượng Bì chia sẻ, mỗi ha ớt có giá trị 250 triệu đồng, so với cấy lúa và trồng ngô thì thu nhập từ cây ớt này cao gấp 3 lần.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kim Bôi Bùi Văn Dùm cho hay, đến nay, huyện Kim Bôi đã xây dựng các chuỗi sản xuất liên kết các doanh nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, huyện đã liên kết với Công ty xuất nhập khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) xây dựng chuỗi ngô ngọt quy mô 100 ha/vụ tại xã Mỵ Hoà; liên kết với Công ty Facific Hoà Bình phát triển 20 ha dưa chuột Nhật; liên kết với Công ty Tân Lộc Phát phát triển 46 ha sản xuất hạt giống, 6 ha cây măng tây tại hai xã Nam Thượng, Hạ Bì…
Ngoài các doanh nghiệp trên, trên địa bàn huyện hiện có 21 hợp tác xã, 15 trang trại, 1 nông trại; trong đó, có 11 hợp tác xã hoạt động theo hình thức liên kết với doanh nghiệp như: Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Mỵ Hòa, Hợp tác xã nông nghiệp Mường Động tại xã Nam Thượng, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hạ Bì.
Đặc biệt, huyện có 3 hợp tác xã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu và cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là Hợp tác xã nông nghiệp và thương mại Mường Động với 147 ha cây ăn quả có múi; Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sơn Thuỷ với 34 ha nhãn; Hợp tác xã chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Hợp Kim quy mô 600 - 800 con lợn đạt tiêu chuẩn VietGap.
Cùng với đó, việc dồn điền đổi thửa được tích cực triển khai nên Kim Bôi đã xây dựng được vùng chuyên canh sản xuất cây màu tập trung như vùng trồng bí xanh, bí đỏ, dưa các loại với diện tích 722 ha tại các xã: Nam Thượng, Hợp Kim, Sào Báy, Mỵ Hòa, Đú Sáng; vùng khoai tây trên 60 ha tại các xã Vĩnh Đồng, Hạ Bì; vùng mía 704,4 ha tại các xã: Tú Sơn, Vĩnh Tiến, Đú Sáng, Bình Sơn. Cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện tập trung tại các xã Tú Sơn, Vĩnh Tiến, Bình Sơn, Kim Sơn, Mỵ Hòa, Nam Thượng với diện tích trên 1.000 ha. Cây nhãn chủ yếu phát triển tại xã Sơn Thuỷ, diện tích trên 231,4ha.
Cũng theo đánh giá của Chủ tịch Ủy ban nhân huyện Kim Bôi, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng trưởng trong nông nghiệp đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 30,17 (năm 2016) xuống còn 25,21% năm 2017, thu nhập bình quân đạt trên 18,4 triệu đồng/người/năm. Bình quân toàn huyện đạt 13,1 tiêu chí/xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có 5 xã đã cán đích trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.