Theo tính toán của người trồng sắn, những vụ trước mỗi cây sắn giống giá khoảng 1.000 đồng nhưng năm nay giá cao gần gấp 3 lần, từ 2.500 - 3.000 đồng/cây giống. Mỗi cây sắn có thể cắt thành 7-10 hom giống. Để trồng được 1ha sắn người dân ở tỉnh Kon Tum cần từ 12.000 đến 16.000 hom giống tùy mật độ trồng, đương đương với 5 triệu đồng/ha hom giống.
Một trong những nguyên nhân khiến giống khan hiếm có sự bị động trong việc chuẩn bị nguồn giống cho vụ trồng mới tại các địa phương. Thừa nhận tình trạng khan hiếm giống, ông A Quang, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đăk Tô cho biết, huyện đang chủ trương thay thế giống sắn cũ bằng giống mới năng suất, chất lượng cao và kháng bệnh tốt. Tuy nhiên, nếu thay thế 100% diện tích thì nguồn cung không đủ.
“Năm nay khó, hiện huyện giao cho phòng nông nghiệp phối hợp với các xã, thị trấn xây dựng một số mô hình giống mới như KM101. Chúng tôi thử nghiệm trồng giống mới này để vụ sau nhân rộng dần, vì vậy năm nay tìm không đủ giống”, ông A Quang thừa nhận.
Diện tích sắn bị bệnh chổi rồng ở xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN |
Theo ông Vũ Văn Đãn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum: “Nguồn giống ở ngoài tỉnh như Tây Ninh người ta cung cấp cho nhiều địa phương khác, họ cung cấp có mức độ nên khó khăn. Mấy năm gần đây tỉnh có đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa bị hạn hán, trong đó có mua một số giống sắn mới ở tỉnh Tây Ninh như KM419, KM140 cho nhân dân các huyện chuyển đổi trồng 2 năm nay. Giống mới năng suất cao hơn. Các địa phương liên hệ với các xã tham gia đề án chuyển đổi trên lấy hom giống đó cung cấp cho bà con thì nó tốt hơn”.
Nguyên nhân khiến giá hom sắn giống ở tỉnh Kon Tum năm nay tăng đột biến là do người dân muốn thay thế giống KM94 trồng từ hàng chục năm, nay đã thoái hóa và nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, năm nay giá thu mua củ sắn tăng cao kỷ lục khoảng 3.000 đồng/kg, cao nhất trong 10 năm trở qua cũng là động lực khiến người dân tập trung trồng loại cây này.
Hiện tỉnh Kon Tum có vùng nguyên liệu sắn trên 38.000 ha và 8 nhà máy chế biến.