Nuôi cá lồng bè tại xã đảo Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lê Sen - TTXVN |
Khu Kinh tế quốc phòng Tứ giác Long Xuyên gồm 7 xã thuộc hai huyện Kiên Lương, Giang Thành và thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Đại tá Trần Hải Vinh, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế quốc phòng 915 cho biết: Đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện quy hoạch, tổ chức bố trí, sắp xếp ổn định cuộc sống dân cư trong địa bàn khu kinh tế quốc phòng để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh… Sau hai năm (2016 - 2017) triển khai nhiệm vụ, Đoàn đã tổ chức khảo sát, thành lập 20 tổ chăn nuôi và hỗ trợ 200 con bò cái lai sind, hai con bò đực giống cho 100 hộ nghèo, cận nghèo ở các xã biên giới huyện Giang Thành; hỗ trợ 4.400 con cá bớp giống cho 22 hộ dân xã đảo Sơn Hải (huyện Kiên Lương) và Tiên Hải (thị xã Hà Tiên). Đoàn hợp tác triển khai thí điểm mô hình nuôi 3.000 cá lồng bè bán công nghiệp tại xã đảo Tiên Hải; đầu tư gần 25 tỷ đồng xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn và hệ thống ống dẫn nước, trạm cấp nước phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân. Ông Lê Văn Nhớn, Tổ trưởng tổ chăn nuôi bò ấp Tà Ten, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành phấn khởi: Được Đoàn 915 hỗ trợ 10 con bò, gia đình tôi và 4 gia đình khác rất mừng vui. Đàn bò phát triển tốt, không thất thoát, đã sinh một con và chuẩn bị đẻ thêm 4 con nữa. Ông Danh Tri Gương, Tổ trưởng tổ chăn nuôi bò ấp Bảo Huê, xã Phú Lợi, huyện Giang Thành vui mừng cho biết đàn bò 10 con của tổ đã tăng thêm một con và chuẩn bị sinh thêm 3 con nữa. Trong 2 - 3 năm tới, đàn bò sẽ phát triển lên vài chục con. Đoàn Kinh tế 915 thường xuyên phân công cán bộ, chiến sĩ xuống từng hộ dân hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh. Qua 2 năm (2016 – 2017) thực hiện đầu tư xây dựng Khu Kinh tế quốc phòng Tứ giác Long Xuyên trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Đoàn Kinh tế quốc phòng 915 triển khai một số mô hình mang tính đột phá, hỗ trợ con giống, chuyển giao kỹ thuật cho bà con sản xuất, chăn nuôi; thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập quán canh tác, góp phần cùng với địa phương chăm lo đời sống người dân vùng biên giới. Dự án hỗ trợ 200 bò lai sind cho 100 hộ nghèo nuôi gắn với xây dựng các tổ chăn nuôi liên kết đồng bộ với công tác chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ giống cỏ, phân bón để bà con chủ động nguồn thức ăn cho bò, có kỹ thuật nuôi, chăm sóc đàn bò sinh trưởng phát triển tốt. Mô hình nuôi cá lồng bè bán công nghiệp ở hai xã đảo góp phần thay đổi thói quen sử dụng cá mồi tự nhiên để nâng cao hiệu quả đi đôi với việc bảo vệ môi trường. “Qua những hoạt động đó, tình đoàn kết quân - dân ngày càng thắt chặt hơn, bà con tin vào Quân đội, tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong xây dựng, phát triển đất nước, gắn kết với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên tuyến biên giới, hải đảo” - Đại tá Trần Hải Vinh chia sẻ.
Cán bộ Đoàn Kinh tế quốc phòng 915 trao bò giống cho hộ dân nghèo dân tộc Khmer, huyện Giang Thành. Ảnh: Lê Sen – TTXVN |
Cùng với đó, Đoàn Kinh tế quốc phòng 915 thành lập đội trí thức trẻ tình nguyện 18 thành viên phân công về cơ sở công tác. Lực lượng này tham gia khảo sát các chỉ tiêu về thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ địa phương trong cải cách thủ tục hành chính tại các xã, tư vấn pháp lý cho người dân lĩnh vực quản lý đất đai, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, mở lớp dạy ngoại ngữ cho thiếu nhi xã đảo, vận động trẻ đến trường,… Đặc biệt, Đoàn Kinh tế quốc phòng 915 phối hợp với Đại học Cần Thơ, Đại học Thủy sản Nha Trang hỗ trợ, tư vấn cho huyện Giang Thành chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, bước đầu thực hiện hiệu quả một số mô hình sản xuất trên địa bàn như: nuôi tôm công nghiệp, sản xuất tôm - lúa, trồng cỏ phát triển chăn nuôi bò, nuôi cá bớp lồng bè bán công nghiệp trên biển. Năm 2018 và những năm tiếp sau, Đoàn Kinh tế quốc phòng 915 tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng phát triển Khu kinh tế quốc phòng Tứ giác Long Xuyên trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Đại tá Trần Hải Vinh nhấn mạnh: Trước mắt, đơn vị phối hợp với địa phương rà soát lại các nhu cầu thiết yếu về giáo dục, y tế học đường, giao thông nông thôn để hỗ trợ; ưu tiên hỗ trợ xây dựng các công trình giao thông nông thôn vùng khó khăn, sân chơi các trường tiểu học, tiếp sức đến trường cho học sinh hoàn cảnh khó khăn… Đoàn nâng cao hơn nữa công tác hỗ trợ sản xuất, nhất là cải tạo chất lượng bò giống, mở rộng phát triển mô hình này đến nhiều hộ nghèo, cận nghèo và tổ chức chăn nuôi hiệu quả hơn. Cùng với đó, Đoàn tiếp tục kết nối với các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và củng cố tăng cường đội trí thức trẻ tình nguyện để hỗ trợ về chất xám, nguồn lực nhằm hướng tới sản xuất quy mô tập trung, an toàn, bền vững và hiệu quả.
Lê Huy Hải