Hiệu quả từ mô hình “Tổ tự quản đường biên, mốc giới và an ninh, trật tự xóm ấp. Ảnh: Lê Sen |
Gia đình ông Võ Văn Sơn, ngụ ấp Mới, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành, Kiên Giang tham gia mô hình “Tổ nhân dân tự quản đường biên, mốc giới và an ninh, trật tự xóm ấp” khu vực biên giới từ năm 2010. Hiện ông có gần 2 ha đất canh tác gần cột mốc 289, đoạn biên giới tiếp giáp với Campuchia. Hàng ngày, ngoài công việc đồng áng, ông kiểm tra hiện trạng cột mốc và đoạn biên giới được giao bảo quản. Nhờ vậy, nhiều năm qua, trên tuyến biên giới này, hiện trạng cột mốc và an ninh trật tự luôn được giữ vững.
Ông Võ Văn Sơn cho biết, từ ngày được giao tự quản đường biên, mốc giới bà con trong ấp vui lắm. Người dân nhận thức đây là trách nhiệm cao quý; có cột mốc, người dân cũng dễ dàng qua lại làm ăn khu vực biên giới và thăm thân đúng quy định.
Trên địa bàn biên giới do Đồn Biên phòng Vĩnh Điều - Bộ đội Biên phòng Kiên Giang quản lý có 5 ấp, 64 tổ nhân dân tự quản, với 84 hộ đăng ký tham gia. Cứ 3 tuần/lần, các tổ sẽ tổ chức họp để tổng kết hoạt động, đề ra kế hoạch mới cho những tuần tiếp theo. Mỗi tuần, các tổ cũng cử người phối hợp tham gia tuần tra biên giới cùng lực lượng bộ đội Biên phòng. Nhờ vậy, thời gian qua, an ninh chính trị, trật tự xã hội trên tuyến biên giới luôn được đảm bảo. Đồng bào ngày càng ý thức tầm quan trọng của việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như giữ gìn an ninh trât tự ấp, khu vực biên giới nơi mình sinh sống.
Mô hình “Tổ nhân dân tự quản đường biên, mốc giới và an ninh trật tự xóm, ấp” khu vực biên giới của bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang được triển khai từ năm 2010. Hiện nay 100% đồn biên phòng, tuyến biên giới đều thành lập và đưa mô hình vào hoạt động hiệu quả. Riêng ở Đồn Biên phòng Vĩnh Điều, qua hơn 7 năm thực hiện phong trào, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho đơn vị gần 400 nguồn tin có giá trị phục vụ công tác quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Thượng tá Phạm Quảng Ngãi, Chính trị viên Đồn Biên phòng Vĩnh Điều cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục nhân rộng, triển khai thêm một số nhiệm vụ cho nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là bà con có đất sản xuất khu vực biên giới.
Hiệu quả mô hình “Tổ nhân dân tự quản đường biên, mốc giới và an ninh trật tự bàn xóm, ấp” khu vực biên giới ở Kiên Giang được xem như cánh tay nối dài của lực lượng bộ đội Biên phòng. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Lê Sen