Cần điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát triển Vườn Quốc gia Chư Yang Sin

Cần điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát triển Vườn Quốc gia Chư Yang Sin
Giá trị to lớn về bảo tồn

Vườn Quốc gia Chư Yang Sin nằm về phía Đông Nam thành phố Buôn Ma Thuột, cách trung tâm thành phố 50 km. Theo Quyết định số 1427 ngày 16/6/2008 của UBND tỉnh Đắk Lắk, giao 59.531,2 ha đất và cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho Vườn để sử dụng vào mục đích rừng đặc dụng. Đến năm 2009 theo Quyết định số 1511 ngày 15/6/2009 của UBND tỉnh Đắk Lắk, đã thu hồi 9,3 ha đất tại tiểu khu 1196 để giao cho Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh xây dựng Khu lịch sử. Vì vậy cho đến nay Vườn quản lý diện tích chính thức là 59.521,9ha. Diện tích này nằm trên địa phận hành chính của 10 xã thuộc hai huyện Lắk và Krông Bông. Vườn được phân theo 3 phân khu chức năng gồm phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trên 53 ha; phục hồi sinh thái 5.361 ha và dịch vụ hành chính gần 840 ha.

Với địa hình trải rộng và được rừng che phủ trên đai cao từ khoảng 600m đến đỉnh Chư Yang Sin cao 2.442m. Đỉnh núi Chư Yang Sin hùng vĩ đã được mang tên là "nóc nhà thứ hai" của Tây Nguyên sau đỉnh Ngọc Linh ở tỉnh Kon Tum. Với những lợi thế đa dạng về các vùng tiểu khí hậu, các hệ sinh thái đặc trưng cho khu vực Tây Nguyên, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin không chỉ để bảo tồn thiên nhiên mà còn thể hiện lợi thế trong nghiên cứu khoa học, giáo dục, du lịch.

Vườn Quốc gia Chư Yang Sin . Ảnh: dulichtaynguyen.org
Vườn Quốc gia Chư Yang Sin . Ảnh: dulichtaynguyen.org
Theo đánh giá của nhóm các nhà nghiên cứu: Nguyễn Thúy Cường, Nguyễn Xuân Vững, Nguyễn Phương Đại Nguyên thuộc Trường Đại học Tây Nguyên: Tuy Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đã có phương án quy hoạch bảo tồn, song trong vấn đề quản lý, bảo vệ vườn, phương án quy hoạch này còn bộc lộ một số nội dung chưa hợp lý, chưa thực sự phù hợp với thực trạng và lợi thế của vườn. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác hợp lý tiềm năng và thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ của Vườn, việc đánh giá thực trạng và kiến nghị cho điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia này là rất cần thiết.

Giá trị tiềm năng về mặt bảo tồn thiên nhiên của Vườn rất quan trọng bởi bảo vệ một vùng rộng lớn, trong đó diện tích có rừng chiếm trên 90% với các mẫu chuẩn rừng nhiệt đới, á nhiệt núi thấp đến núi trung bình, còn giữ được nhiều đặc trưng của rừng nguyên sinh, có số lượng lớn các loài động thực vật. Mặt khác, tiềm năng phòng hộ của rừng Vườn được bao bọc bởi sông Krông Ana và sông Krông nô, đây là hai nhánh chính của thượng nguồn sông Serepok, chảy về sông Mê Kông. Cả hai tạo thành hệ thống thuỷ vực chằng chịt với nhiều suối nhỏ chảy qua nhiều vùng địa hình khác nhau của Vườn.

Nhờ có hệ thống sông suối chằng chịt chảy qua các vùng địa hình núi cao và các thung lũng nhỏ hẹp nên cảnh quan ở đây khá ngoạn mục, hấp dẫn. Vào mùa khô, các dòng suối đã cạn nước, để lộ nhiều bãi đá rộng, bằng phẳng với nhiều hình dạng khác nhau. Nổi bật nhất là tuyến từ đập thuỷ điện gần thị trấn Krông K'Ma, theo suối Krông K'Ma vào ngã ba Hương Lời, tuyến này có thác Krông K'Ma khá đẹp, kỳ thú. Tuyến buôn Đắk Tour theo suối Đắk Tour chạy lên gần chân núi Chư Yang Sin có nhiều phong cảnh, thác nước Đăk Tour hữu tình, có hang Đắk Tour là nơi làm việc của lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk trong thời gian chiến tranh. Sự phong phú của các thảm thực vật rừng và sự phong phú của hệ động thực vật rừng đã làm cho bức tranh thiên nhiên ở đây thêm  hấp dẫn.

Mặt khác, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 50 km, hiện tại và trong tương lai Đắk Lắk là tỉnh đông dân nhất của Tây Nguyên, nên các nhu cầu hiểu biết về thiên nhiên, môi trường và đa dạng sinh học ngày càng đòi hỏi cao với mọi tầng lớp, lứa tuổi, đặc biệt là Trường Đại học Tây Nguyên.

Từ những tiềm năng phong phú của Vườn đã thu hút các tổ chức phi chính phủ, chính phủ và nguồn tài trợ của cả hai phía cho việc thúc đẩy công tác bảo tồn, trong đó góp phần phát triển cộng động địa phương sống ở vùng đệm là rất lớn. Tiêu biểu như năm 1996, Chư Yang Sin được chọn là một trong ba điểm thực thi dự án của Ngân hàng Thế giới về việc bảo vệ rừng và dự án phát triển vùng đất trống. Tổ chức chim quốc tế đã đề nghị Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ để phát triển dự án bảo tồn cho Vườn. Trong tương lai Vườn Quốc gia Chư Yang Sin sẽ là điểm thu hút sự quan tâm về đầu tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học của các tổ chức quốc tế.

Sự cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch

Thạc sĩ Lương Hữu Thạnh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin cho biết: Hiện các hoạt động chính của Vườn tập trung chủ yếu vào công tác bảo vệ rừng. Do đó trong quá trình hoạt động cần có quy hoạch các phân khu chức năng, quy hoạch các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, các trạm bảo vệ kết hợp nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, du lịch sinh thái xây dựng bên trong vùng lõi. Đến năm 2013, đã xây dựng phương án quy hoạch bảo tồn Vườn, trong đó có đề xuất xây dựng hai khu Dịch vụ hành chính nằm trong vùng lõi, nhưng phương án quy hoạch không chi tiết, không có vị trí xây dựng cụ thể, điều này gây khó khăn cho Ban quản lý Vườn trong xây dựng phương án và xin kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng.

Người dân vùng đệm phối hợp với lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin phát quang đường tuần tra. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Người dân vùng đệm phối hợp với lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin phát quang đường tuần tra. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Hiện tại trung tâm dịch vụ hành chính duy nhất của vườn nằm trên Quốc lộ 27 đi Lâm Đồng, thuộc địa phận xã Yangé, huyện Krông Bông. Vị trí này cách xa vùng lõi nên khó khăn trong việc quản lý và thực hiện các chức năng khác. Còn 2 khu vực dịch vụ hành chính phân bố tập trung phía Bắc Vườn. Nhưng với diện tích Vườn lớn, phân bố đa dạng các quần thể rừng, để đảm bảo cho công tác bảo vệ rừng, phát triển nghiên cứu khoa học, giáo dục, kết hợp phát triển du lịch sinh thái, cần phải có các diện tích quy hoạch cụ thể cho xây dựng các hệ thống đường tuần tra và các trạm bảo vệ rừng, trạm dừng nghỉ về Tây, phía Nam Vườn và khu vực đỉnh Chư Yang Sin. Đồng thời nên có diện tích đất xây dựng đường tuần tra và trạm dừng chân bảo vệ rừng khu vực phía Tây sông Krông K‟Ma, nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng phía Tây vào mùa mưa lũ và phát huy tiềm năng du lịch ở khu vực này.

Kiến nghị điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đến năm 2020, nhóm các nhà nghiên cứu Trường Đại học Tây Nguyên đề xuất: Trước hết là xây dựng các giải pháp mở rộng diện tích rừng về phía Đông Nam Vườn thêm 7.683,7 ha (gồm 6 tiểu khu 1235; 1236; 1237; 1240; 1241; 1242), khu vực Krông Nô, huyện Lăk, nhằm đảm bảo cho nhiệm vụ bảo vệ rừng và vấn đề đi cư của quần thể móng guốc khi xây dựng và vận hành đường Trường Sơn Đông. Đây cũng là khu vực tài nguyên rừng còn tương đối nguyên vẹn và chưa giao quyền sử dụng cho các đối tượng sử dụng đất ở địa phương.

Đồng thời điều chỉnh mở rộng khoảng 4900 ha (gồm 5 tiểu khu 1394; 1404; 1405; 1412; 1417) thuộc địa phận xã Krông Nô, huyện Lắk vào khu bảo vệ nghiêm ngặt, vì diện tích đất này chưa có chủ sử dụng và thực trạng rừng ít bị tác động. Cần thiết điều chỉnh quy hoạch xây dựng đường tuần tra và trạm dừng chân bảo vệ rừng về phía Tây suối Krông K‟Ma (tiểu khu 1342 và 1351). Phân khu chức năng dịch vụ hành chính cần có quy hoạch chi tiết và bố trí diện tích đất cụ thể để thuận lợi cho công tác đầu tư xây dựng cơ bản phục vụ tốt các chức năng của Vườn.

Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk) tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk) tăng cường công tác tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Để nâng cao hiệu quả quản lý rừng khu vực trung tâm và phía Nam vùng lõi, thuận lợi cho công tác tuần tra, dừng nghỉ của cán bộ quản lý rừng, kết hợp phát triển nghiên cứu khoa học, giáo dục, hoạt động du lịch sinh thái, cần phải quy hoạch vị trí xây dựng bổ sung một số trạm quản lý rừng, kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục và du lịch sinh thái tại một số địa điểm. Cụ thể như khu vực chân núi Chư Pang Phan với đặc trưng hệ sinh thái bảo vệ, nghiên cứu quần thể rừng lá rộng thường xanh; quần thể voọc, sơn dương; có thể kết hợp du lịch leo núi (tiểu khu 1359).

Phía Tây Nam núi Chư Yang Sin với đặc trưng hệ sinh thái bảo vệ, nghiên cứu quần thể Thông hai lá dẹt, Pơ mu; quần thể Sơn dương; kết hợp du lịch ngắm cảnh, xem thú, leo núi (tiểu khu 1210). Đông Nam đỉnh núi Chư Yang Sin với đặc trưng hệ sinh thái bảo vệ, nghiên cứu quần thể Pơ mu, Thông 2 lá; quần thể vượn, gấu, khứu đầu đen má xám, mi Lang Biang - một loài chim đặc hữu của vùng Tây Nguyên (tiểu khu 1220). Cùng với kết hợp xây dựng hệ thống đường tuần tra nối giữa các trạm quản lý rừng phục vụ tuần tra, quản lý rừng, nghiên cứu khoa học, giáo dục và triển khai các tuor du lịch về phía Tây và Nam Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.
Văn Hào

Có thể bạn quan tâm