Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây được tổ chức trang trọng tại Quần thể chùa Khmer, Làng VHDL các DTVN năm 2017. |
Sẽ có khoảng 270 người của 30 thành phần đồng bào dân tộc tham gia các hoạt động này. Trong đó, 100 người của 11 dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam; 17 người đại diện cho 17 dân tộc có số dân dưới 10.000 người có thành tích trong bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc, thực hiện tốt Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam…
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động này là đêm hội văn hóa các dân tộc diễn ra tối 19/4 với một chương trình nghệ thuật đậm sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếp theo đó là hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng về “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam”; triển lãm 10 năm chặng đường Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam; các ngày hội văn hóa dân tộc, vùng miền (Khmer Nam Bộ; Tây Bắc; Tây Nguyên)…
Cụ thể, Ngày hội văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ sẽ được tái hiện với Tết Chol Chnăm Thmây của đồng bào Khmer; trình diễn nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ (Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia). Sân khấu Dù kê là tổng hòa các loại hình nghệ thuật như: Ca, múa, âm nhạc, phục trang, hóa trang, hội họa, ẩm thực, mang đặc trưng riêng của người Khmer. Đây là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng người Khmer.
Trong Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc sẽ tái hiện lễ Xăng Khan của dân tộc Thái (Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia). Đây là ngày hội cộng đồng quan trọng, đậm nét văn hóa miền Tây xứ Nghệ. Bên cạnh đó là hoạt động trình diễn ẩm thực các dân tộc vùng Tây Bắc. Đồng bào các dân tộc Tày (Thái Nguyên); Dao (Hà Nội); Mông (Hà Giang); Mường (Hòa Bình); Khơ Mú (Điện Biên); Thái (Sơn La) sẽ thể hiện 2 món ăn đặc sắc, tiêu biểu của dân tộc mình trong hoạt động trình diễn ẩm thực.
Lễ cầu mưa của dân tộc Gia Rai sẽ được tái hiện sinh động trong Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Nghi lễ này thường được đồng bào Gia Rai thực hiện vào khoảng tháng 4-5 dương lịch để cầu mưa về cho buôn làng trồng cấy; thể hiện ước nguyện của đồng bào về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đặc biệt, trong Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, nhóm nhạc dân tộc của Kaly Tran dân tộc Ba Na ở làng Klor, thành phố Kon Tum tỉnh Kon Tum sẽ trình diễn các nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên, thể hiện giai điệu của núi rừng, tâm tình của tuổi trẻ với mảnh đất Tây Nguyên. Các dân tộc Tây Nguyên đang hoạt động tại Làng như Cơ Tu, Tà Ôi (Thừa Thiên – Huế); Raglai (Ninh Thuận), Ê Đê (Đắk Lắk) sẽ tiến hành giao lưu âm nhạc…
Trong triển lãm 10 năm Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ trưng bày, triển lãm ảnh, hiện vật liên quan đến đời sống văn hóa của người Gia Rai tại Gia Lai, đặc biệt là nội dung liên quan sự kiện Ngày Bác Hồ gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (19/4/1946-19/4/2018).