"Sức bật" của đội ngũ trí thức trẻ ở Mèo Vạc (Hà Giang)

"Sức bật" của đội ngũ trí thức trẻ ở Mèo Vạc (Hà Giang)
Khẳng định vai trò ở xã nghèo

Huyện Mèo Vạc có 12 đội viên TTT Dự án 600 Phó Chủ tịch UBND xã; 2 TTT Dự án 500; 21 TTT hợp đồng tại các xã theo Đề án 07 của Tỉnh ủy. Với tinh thần, trách nhiệm cao trong công việc, đội ngũ TTT vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vừa tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển KT – XH, vươn lên XĐGN.
 
Các TTT huyện Mèo Vạc tham gia cấy lúa cùng bà con trong Lễ hội xuống đồng ở xã Nậm Ban.
Các TTT huyện Mèo Vạc tham gia cấy lúa cùng bà con trong Lễ hội xuống đồng ở xã Nậm Ban.
Tiêu biểu trong số đó phải kể đến Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND xã Giàng Chu Phìn. Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng với bản tính dám nghĩ, dám làm, ngay sau khi nhận công tác, Hương đã tìm hiểu thực tế và xây dựng đề án chăn nuôi lợn sinh sản theo phương pháp thụ tinh nhân tạo; vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng ngô năng suất thấp sang trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò vỗ béo. Sau khi áp dụng vào thực tế, đề án của Hương không chỉ giúp người nông dân trong xã có cơ hội XĐGN mà còn có sức lan tỏa giúp nhiều gia đình ở xã khác tiếp cận với mô hình kinh tế mới. Anh Vàng Mí Sò, thôn Tìa Chí Đơ, xã Giàng Chu Phìn cho biết: “Trước đây gia đình chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, sau khi được áp dụng cách chăn nuôi của cán bộ Hương đã giúp gia đình có cuộc sống tốt hơn. Mỗi năm bán lợn cũng được vài chục triệu đồng nên bây giờ không phải lo chuyện thiếu ăn nữa”.

Trên thực tế, hầu hết TTT được phân công phụ trách các lĩnh vực đã kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai các chương trình, dự án, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết 30a, chương trình xây dựng NTM. Phó Chủ tịch UBND xã Pải Lủng, Lý Văn Đông là một trong những TTT tiêu biểu. Kể từ ngày về nhận công tác, Đông không ngại lăn lộn cơ sở và thấu hiểu khó khăn của bà con. Ngoài một số mô hình kinh tế được Đông xây dựng và mang lại hiệu quả thì dự án hỗ trợ bò sinh sản cho 74 hộ đồng bào nghèo là dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giai đoạn 2014 – 2016 đã góp phần giúp cho các gia đình bớt đi khó khăn. “Do là một xã nghèo nên hiện nay trên địa bàn vẫn còn nhiều hộ đang sống trong những ngôi nhà tạm bợ. Điều trăn trở nhất chính là làm sao để giúp những gia đình đó có thể xóa nhà tạm, ổn định cuộc sống.” – Đông tâm sự.

Phát huy sức trẻ, đội ngũ TTT đã tích cực vận động nhân dân phát huy thế mạnh của địa phương như: Phát triển đàn gia súc, gia cầm, nuôi ong; thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể xuống thôn tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc, bảo vệ rừng; áp dụng KHKT vào sản xuất; hướng dẫn nhân dân cách phòng, trừ sâu bệnh hại; tiêm phòng các loại vắc-xin cho gia súc, gia cầm. Do sâu sát với cơ sở, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân nên đội ngũ TTT đã kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền xã các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở. Bên cạnh đó, đội ngũ TTT được xem là tiên phong trong công tác vận động học sinh đến trường; tham mưu xử lý các trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu...

Tạo môi trường thuận lợi cho trí thức trẻ

Ngoài những đóng góp tích cực đối với sự phát triển KT – XH ở địa phương, đội ngũ TTT vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế. Nhìn từ thực tế ở Mèo Vạc có thể nhận thấy, do chưa có thời gian làm công tác quản lý nhà nước nên bước đầu hầu hết các TTT đều gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình giải quyết công việc; nhiều TTT không phải người địa phương, chưa biết tiếng của đồng bào nên đã ảnh hưởng đến giao tiếp, tìm hiểu phong tục, tập quán; thậm chí một số xã do cơ sở vật chất thiếu thốn nên chưa có nhà công vụ cho TTT, ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện nhiệm vụ; một số xã giao quá nhiều việc cho đội ngũ TTT nên chất lượng hoàn thành một số công việc chưa cao...
 
Anh Lý Văn Đông (người đi sau) vận động nhân dân tham gia hiến đất mở đường xây dựng NTM.
Anh Lý Văn Đông (người đi sau) vận động nhân dân tham gia hiến đất mở đường xây dựng NTM.
Trước tình hình đó, huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với các tổ chức, đoàn thể của huyện duy trì kênh thông tin, trao đổi với các đội viên TTT; tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát hoạt động lãnh, chỉ đạo của đội ngũ TTT thông qua các hoạt động được phân công phụ trách. Ngoài việc nắm vững hoạt động của đội ngũ TTT, UBND huyện Mèo Vạc đã tổ chức giao ban với các đội viên để đánh giá tình hình thực hiện dự án và kết quả hoạt động của TTT trên địa bàn; nắm rõ và xem xét giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ cơ sở. Đồng thời, có định hướng để TTT thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ghi nhận những đóng góp của đội ngũ TTT, huyện Mèo Vạc đã quan tâm phát triển Đảng và đưa vào quy hoạch cán bộ quản lý của các xã đối với các TTT. “Để các TTT thực sự tạo sức bật giúp địa phương thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra, huyện đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giúp các TTT tháo gỡ khó khăn; phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, sở trường; tạo môi trường thuận lợi để các TTT phát huy tối đa năng lực, kiến thức chuyên môn được đào tạo trong phát triển KT – XH ở địa phương” – Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Nguyễn Cao Cường khẳng định.
Báo Hà Giang

Có thể bạn quan tâm