Phụ nữ miền Tây xứ Nghệ được biết đến là những người sở hữu vẻ đẹp đặc trưng riêng có. Vẻ đẹp đó toát lên từ sự mộc mạc, trong trẻo trong đời sống, lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày...
Với đặc thù nghề nghiệp, tôi may mắn được đặt chân đến các bản làng xa xôi trên địa bàn tỉnh. Mỗi chuyến đi là một sự khám phá, trải nghiệm về cuộc sống, về đất và người, và những chuyến đi như thế tôi đã bắt gặp những khoảnh khắc và ghi lại những nụ cười nhân hậu của các bà, các mế nơi đây.
Miền Tây xứ Nghệ được biết đến với những nét đẹp đơn sơ từ hoa lá, cây cỏ, núi non cho đến con người. Tất cả đều mang những nét bình dị. Nhưng với tôi, có lẽ điều đẹp nhất đó chính là nụ cười của những người phụ nữ nơi đây, họ có một sức hút riêng, thể hiện từ ánh mắt ngại ngùng, nụ cười e thẹn hay gương mặt lấm tấm mồ hôi trong lao động sản xuất.
Với một người phụ nữ dân tộc thiểu số trên vai họ gùi gánh cả một thế giới, cả những cuộc đời. Lúc trẻ đi gùi gạo, gùi thóc, gùi củi giúp cha mẹ; địu em sau lưng vẫn làm việc nhà, vẫn học bài. Lớn lên, lấy chồng, lại gùi gánh công việc của nhà chồng. Sinh con cái rồi lại gùi trên lưng thêm nhiều cuộc đời khác nữa, cuộc sống vốn khó khăn, vất vả là thế nhưng niềm yêu cuộc sống vẫn nở thành những nụ cười trên môi họ.
Trong văn hóa truyền thống, chính đôi vai họ đã gùi theo bao nhiêu nét đẹp; chính đôi vai đó đã kiến tạo nên nhiều nét văn hóa, trở thành đặc trưng cho cả cộng đồng. Họ âm thầm gìn giữ, trao truyền một số nghề thủ công truyền thống như may, thêu, dệt và điều này gắn liền với việc bảo tồn trang phục truyền thống, họ sưu tầm lại những khung cửi và đi truyền dạy cho lớp trẻ như bà Lương Thị Lan ở bản Mác, thị trấn Thạch Giám, huyện Tương Dương, hay lưu giữ nét đẹp của nghề thổ cẩm truyền thống và trang phục cổ của dân tộc mình như bà Sầm Thị Bích ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu.
Bên cạnh đó, họ còn góp phần bảo tồn các yếu tố văn hóa dân gian như các điệu múa truyền thống, dân ca như hát lăm, hát khấp, hát giao duyên…. Những điệu múa xòe, nhảy sạp của người dân tộc thiểu số sở dĩ hấp dẫn người xem là nhờ vào sự uyển chuyển của những người phụ nữ kết hợp với những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ. Hay những khúc hát dân ca được nhiều thế hệ truyền lại cho nhau cũng có vai trò to lớn của người phụ nữ.
Ngày nay, tại các huyện miền núi Nghệ An, đời sống của bà con nông dân nói chung, phụ nữ nói riêng đã được cải thiện rất nhiều, nhưng vẫn còn đó không ít khó khăn. Với tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, nhiều chị em đã cố gắng học hỏi, thay đổi tư duy sản xuất... Nhằm tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Với những người phụ nữ vùng cao từ bao đời nay đã chân lấm tay bùn, hết việc nhà đến ruộng đồng, nương rẫy, quanh năm tất bật. Sớm hôm nhọc nhằn mưu sinh, thế nhưng, nụ cười vẫn sáng lên trên những tần tảo cuộc đời... Với họ, mùa màng bội thu, gia đình được ấm no là hạnh phúc nhất rồi. Với chúng tôi, họ là đóa hoa đồng nội tỏa sáng những nụ cười hồn hậu trên những cánh đồng quê yêu dấu.