Tại Ninh Thuận, mưa lớn kéo dài từ chiều tối 14 đến sáng 15/12 làm cho các vùng trũng thấp tại một số địa phương trong tỉnh bị ngập sâu. Mưa lớn cũng đã bổ sung lượng lớn nước cho các hồ chứa; đặc biệt sáng 15/12, nhiều hồ chứa đã phải mở cửa van xả lũ, đảm bảo an toàn công trình.
Mưa lớn trong những ngày qua, nước lũ từ thượng nguồn đổ về sông Vệ đoạn qua huyện Nghĩa hành và sông Trà Câu đoạn qua thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) đã gây sạt lở chia cắt nhiều địa phương của hai huyện.
Chiều 11/9, Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của vùng mây đối lưu, trên địa bàn thành phố có mưa rào và dông trên diện rộng. Theo đó, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều vị trí trên các tuyến đường bị ngập cục bộ, giao thông khó khăn. Cụ thể, các vị trí xuất hiện úng ngập trong lúc mưa lúc 14 giờ như: Ngõ 165 Thái Hà; Triều Khúc (ngõ 97 đến Ao Đình); Cầu Bươu (Bệnh viện K - Mương Yên Xá); Võ Chí Công (Tòa nhà UDIC); Khu đô thị Resco; Kẻ Vẽ (đoạn ngã 3 chợ Vẽ); Trần Cung; Ecohome3; Phú Xá (Ngã 3 Phú Xá - Phúc Hoa); Ngõ 89 Lạc Long Quân; Hoàng Quốc Việt (Đại học Điện lực);...
Ngày 11/9, theo số liệu của Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ lượng mưa tại các điểm đo phổ biến từ 7,5 - 27,3 mm, cao nhất tại trạm Khí tượng Sơn Tây 27,3 mm. Một số hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng đang vận hành xả lũ như: hồ Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 3 cửa xả mặt, hồ Tuyên Quang mở 6 cửa xả đáy, mực nước sông Hồng đang trên mức báo động II và có xu hướng tăng.
Trận mưa lớn kéo dài từ tối 22/8 đến sáng 23/8 đã khiến nhiều tuyến đường tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên bị ngập sâu từ 30 đến 70cm. Một số nơi trong thành phố có lượng mưa to đến rất to như xã Phúc Trìu lượng mưa đo được là 124mm, phường Đồng Quang 71mm…
Từ đêm 23 đến sáng 24/7, tại thành phố Sơn La (Sơn La) đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng, làm nhiều khu vực, tuyến đường trong thành phố bị ngập sâu trong nước, gây thiệt hại nặng về tài sản, nhà cửa của các hộ dân và các cơ quan trên địa bàn. Trụ sở nhiều cơ quan, trong đó có Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại tỉnh Sơn La nước ngập sâu tràn vào các phòng làm việc ở tầng 1.
Từ đêm 15/11 đến sáng 16/11, có 9 hồ chứa nước tại tỉnh Khánh Hòa điều tiết xả lũ do lượng mưa trên địa bàn tỉnh khá lớn. Tại khu vực sông Cái thuộc địa phận thành phố Nha Trang, nước lũ khiến nhiều vùng ven sông bị ngập sâu. Tuy nhiên, lũ cũng nhanh chóng rút từ nửa đêm, mực nước trên các sông bắt đầu giảm.
Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 5, từ 19 giờ ngày 14 đến 05 giờ ngày 15/10 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to đến mưa rất to: Đại Sơn 205mm, cầu Hà Tân 202mm, Đại Hiệp 199mm, Đại Đồng 170mm,… Ngoài ra, gió mạnh từ cấp 6, giật cấp 8 trở lên đã làm hư hỏng một số công trình của Nhà nước và nhân dân trong tỉnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu thông đi lại và đời sống sản xuất của nhân dân trong tỉnh.
Tại Nghệ An, từ đêm 8/9 đến ngày 9/9 xuất hiện mưa lớn kéo dài khiến nhiều nơi trên địa bàn bị ngập, chia cắt; mưa lớn cũng đã khiến 1 người ở xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương (Nghệ An) bị nước cuốn trôi, mất tích.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, từ chiều 10/8 đến ngày 12/8, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, gây ảnh hưởng lớn về nhà ở, hệ thống giao thông và sản xuất nông nghiệp của người dân.
Lúc 17 giờ 30 phút ngày 19/12, sóng biển dâng cao kết hợp với triều cường đã gây ngập sâu tại khu phố Lê Duẩn, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên. Lực lượng chức năng của tỉnh Phú Yên đang hỗ trợ di dời khẩn cấp người và tài sản của các hộ dân bị ngập sâu đến nơi an toàn.
Đến 8 giờ ngày 20/10, trên địa bản tỉnh Quảng Bình có mưa to đến rất to. Hiện nay, hơn 100.000 ngôi nhà bị ngập, hàng trăm xã, thôn, bản bị nước lũ bủa vây. Ngoài các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, nước sông Gianh đang lên mức báo động 3 cũng khiến hàng vạn ngôi nhà ở các xã vùng Nam thị xã Ba Đồn, các xã thuộc huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa bị ngập sâu.
Tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của mưa lớn, liên tục kéo dài, nhiều công trình thủy điện và hồ chứa nước thủy lợi đồng loạt xả lũ đã gây ngập úng ở nhiều nơi. Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa lũ, tỉnh Hà Tĩnh đã ra công điện yêu cầu các đơn vị tăng cường nhiều biện pháp phòng tránh nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Sau 3 ngày mưa lũ, tại tỉnh Quảng Bình đã có 1 người tử vong, 1 người mất tích, hơn 14.700 nhà dân bị ngập sâu với mức nước từ 0,5 - 3m, trong đó nặng nhất là huyện Lệ Thủy trên 9.000 nhà, huyện Quảng Ninh trên 4.000 nhà; nhiều thôn bản bị cô lập, chia cắt hoàn toàn. Lực lượng chức năng luôn túc trực 24/24 để tiếp tế lương thực và ứng phó với các sự cố xảy ra, đồng thời sẵn sàng các phương án di dời hàng nghìn người dân ở nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn.
Từ đêm 13/6 đến rạng sáng 14/6, do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục hướng Tây Bắc - Đông Nam đi qua Bắc Bộ nối với cơn bão số 1 trên biển Đông và kết hợp với tác động của vùng hội tụ gió trên cao hoạt động mạnh khiến Lào Cai có mưa, mưa rào và dông, nhiều địa phương có mưa to đến rất to. Trận mưa lớn đã gây ra lũ làm thiệt hại nhiều diện tích lúa, hoa màu và các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Cơn mưa lớn vào đầu giờ sáng 19/9 đã gây ngập úng cục bộ tại nhiều tuyến đường ở Hà Nội. Tại các phố: Bùi Xương Trạch, Văn Phú - Quang Trung, Đại Từ, Vương Thừa Vũ… bị ngập sâu khoảng 15-20 cm.
Cơn mưa trút xuống từ chiều 6/8, kéo dài đến hết đêm 7 qua ngày 8/8, khiến các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên (Lâm Đồng) bị ngập sâu, có nơi nước dâng cao trên 1,5 mét.