Năm 2009, UNESCO đã công nhận quan họ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hát quan họ xuất phát từ tục hát canh - tục hát cổ nhất của quan họ ở làng Diềm, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Đến nay, nơi đây vẫn lưu giữ các điệu tục hát cổ này như một phần quý giá của văn hóa Việt Nam.
Hát canh không chỉ là một hình thức biểu diễn nghệ thuật mà còn là một cách để truyền đạt những giá trị, tinh thần và bản sắc của nền văn hóa quan họ. Qua những giai điệu, những lời ca, người ta có thể tìm thấy sự sâu sắc của một truyền thống văn hóa đậm chất dân tộc.
Hát canh là một hình thức hát quan họ đối đáp giữa cặp nam và cặp nữ, thường chỉ được tổ chức vào ban đêm, đặc biệt là vào dịp lễ hội mùa xuân trong không gian gọi là "nhà chứa".
Mỗi đêm hát canh là một dịp quý giá, là cơ hội để những người yêu quan họ gặp gỡ và kết bạn. Các cặp hát với nhau mặt đối mặt, tạo nên một sự giao hòa, hòa mình vào từng lời ca và tình cảm gắn bó.
Nét đặc trưng của hát canh quan họ là khi hát sẽ ngồi xuống chiếu. Các liền anh, liền chị hát không cần nhạc đệm hay nhạc cụ hỗ trợ nhưng với kỹ thuật hát “vang-rền-nền-nảy” cũng đủ làm xao xuyến lòng người. Mỗi canh hát thường có 3 chặng: giọng lề lối, giọng vặt và giọng giã bạn.
Đặc biệt hơn, hát canh quan họ càng về đêm càng hay, tiếng hát của các liền anh, liền chị càng nỉ non, thánh thót. Họ không thể hiện bằng lời ca mà còn truyền đạt tinh thần và cảm xúc sâu sắc qua từng câu chữ. Canh hát quan họ chỉ kết thúc khi hết câu đối đáp.
Trang phục luôn được các liền anh, liền chị chú trọng và chỉn chu trong mỗi canh hát. Với liền anh, trang phục không chỉ là việc mặc đẹp mà còn là cách để thể hiện sự lịch lãm và trang trọng của người quan họ. Áo dài với lớp trong là gấm trắng thiết kế hoa văn tinh tế, kết hợp cùng quần trắng, khăn xếp đen, giày Gia Định tạo nên sự sang trọng và thanh lịch.
Còn đối với liền chị là áo dài ba lớp lồng vào nhau (gọi là áo mớ ba), áo ngoài là lớp the đen mỏng màu nâu cánh gián. Thấp thoáng lộ ra cái cổ yếm đào, hai dải yếm buộc sau gáy, vắt chéo qua một bên vai, eo thắt bao tạo hình cánh hoa kết hợp với khăn vấn nhung đỏ, khăn đen mỏ quạ đội đầu, chít thành hình búp hoa sen. Liền chị chân đi đôi dép cong, đeo xà tích, vai mang nón ba tầm, tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một vẻ đẹp đậm chất xứ Kinh Bắc.
Dù thời gian trôi qua và cuộc sống có nhiều thay đổi, hát canh vẫn tồn tại và phát triển như một biểu tượng của sự bền vững và sức sống mãnh liệt của văn hóa Quan họ. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển hình thức hát canh đối đáp nam nữ theo đúng lề lối xưa không hề dễ dàng. Đòi hỏi sự tập trung, sự đầu tư, và sự hiểu biết sâu sắc về di sản văn hóa. Cần có sự truyền đạt từ thế hệ này sang thế hệ khác để giữ lửa cho ngọn nến văn hóa này luôn sáng mãi.
Phương Anh