Sự bức xúc này bắt nguồn từ việc tại thôn An Lá – trung tâm của xã Nam Nghĩa cũ, địa bàn có đông dân cư sinh sống tập trung nhất của xã, với gần 1300 hộ và là nơi hiện có 3 trường học gồm: trường mẫu giáo, trường tiểu học và trường trung học cơ sở Nghĩa An, rất thuận tiện cho việc học hành của con em trong thôn cũng như các thôn lân cận. Cần nói thêm là, trường trung học cơ sở (THCS) Nghĩa An là tên gọi mới của trường THCS Nam Nghĩa trước đây sau khi hai xã Nam Nghĩa và Nam An được hợp nhất thành xã Nghĩa An vào năm 1985. Đây là cơ sở giáo dục lớn trong vùng với bề dày truyền thống hơn nửa thế kỷ được thành lập, là niềm tự hào của người dân địa phương vì tại mái trường này không chỉ đào tạo nhiều thế hệ học sinh trưởng thành mà còn có biết bao thế hệ thầy và trò lên đường bảo vệ Tổ quốc, trong đó nhiều người con ưu tú đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc.
Ông Phạm Văn Hoạt- Chủ tịch UBND xã Nghĩa An thừa nhận việc không xin ý kiến người dân khi có chủ trương xây trường THCS Nghĩa An ở nơi khác là thiếu sót, không đúng với quy định. Ảnh: Mai Hưng- TTXVN |
Sẽ không có gì để nói nếu việc chọn trường THCS Nam Nghĩa cũ là địa điểm xây dựng trường THCS Nghĩa An theo tiêu chí một trường đạt chuẩn quôc gia của xã nông thôn mới và nằm trong cụm liên kết giữa các khối trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở, trong đó trường mẫu giáo và trường tiểu học đã được công nhận là trưởng đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì mà trong quá trình lập Đề án xây dựng trường THCS Nghĩa An mới, địa điểm xây dựng trường lại được đặt tại thôn Vân Đồn, nơi có số dân sinh sống ít lại cách xa trường THCS Nghĩa An hiện nay ở thôn An Lá, dẫn tới ở nhiều nơi học sinh phải đi gần 5 km mới tới được trường. Điều này sẽ gây xáo trộn lớn trong cuộc sống và học tập của con em hàng nghìn hộ dân trong vùng vốn đã và đang học tập ổn định tại trường THCS Nam Nghĩa cũ từ hàng chục năm qua.
Theo phản ánh của người dân, điều bức xúc hơn nữa là trước khi xây dựng trường học mới ở thôn Vân Đồn, chính quyền địa phương đã không hề một lần nào tham vấn, lấy ý kiến nhân dân về việc xây dựng trường mới. Trước đó, chủ trương xây dựng trường học mới này cũng chưa được phổ biến đến các đảng viên đóng góp ý kiến mặc dù đây là một chủ trương quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân.
Ông Nguyễn Duy Căn - Bí thư Chi bộ xóm 4 thôn An Lá khẳng định::"Chủ trương xây dựng trường THCS xã Nghĩa An chưa được phổ biến đến các đảng viên và nhân dân đóng góp ý kiến mặc dù đây là một chủ trương quan trọng liên quan trực tiếp đến đông đảo người dân địa phương". Ảnh: Mai Hưng- TTXVN |
Việc làm này của lãnh đạo xã Nghĩa An đã vi phạm nghiêm trọng Quy chế dân chủ ở cơ sở; bởi tại Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 7/7/2003 của Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ ở xã đều quy định rõ những nội dung công khai để dân biết, dân bàn trước khi cấp có thẩm quyền quyết định, trong đó có việc xây dựng trường học (kể cả trường học do ngân sách Nhà nước hay tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng).
Trước những việc làm sai trái, cố tình ”né dân” trên của lãnh đạo xã Nghĩa An, ngày 18/11/2017 nhân dân địa phương đã gửi đơn kiến nghị lên UBND xã nhưng không nhận được câu trả lời. Do đó, đến ngày 2/12/2017, dân làm đơn tố cáo gửi lên UBND huyện Nam Trực. Sau khi nhận được đơn tố cáo của người dân, UBND huyện Nam Trực đã chỉ đạo UBND xã Nghĩa An xem xét trả lời đơn tố cáo của công dân. Ngày 8/1/2018, tại công văn số 01 báo cáo UBND huyên và cũng là công văn trả lời công dân, UBND xã Nghĩa An đã báo cáo thiếu trung thực với UBND huyện Nam Trực và vẫn cố tình vòng vo, không chịu nhận thiếu sót trước dân, vì cho rằng việc xây trường là đúng pháp luật do trường được xây từ nguồn ngân sách Nhà nước chứ không phải do dân đóng góp nên không cần lấy ý kiến nhân dân; Trong khi đó Pháp lệnh của UBTV Quốc hội và Nghị định của Chính phủ về thực hiện Quy chế dân chủ ở xã đã có quy định rất rõ về trường hợp này như đã nêu ở trên. Điều cần nói thêm là, khi nhận được công văn báo cáo của xã Nghĩa An về trả lời đơn tố cáo của người dân, UBND huyện Nam Trực đã không có ý kiến chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời việc làm trái quy định của chính quyền xã Nghĩa An, dẫn tới việc thời điểm khi người dân gửi đơn tố cáo lên huyện, trường vẫn tiếp tục xây dựng, đến nay đã hoàn thành 9 phòng học nhưng chưa có các công trình phụ trợ nhằm tạo sự đã rồi với người dân.
Ông Mai Thế Nghị- đại diện nhân dân ở xóm 4 thôn An Lá kiến nghị lãnh đạo tỉnh Nam Định và huyện Nam Trực đôn đốc, chỉ đạo xã Nghĩa An thực hiện đúng cam kết trong thỏa thuận với dân về việc xây dựng mới trường THCS Nghĩa An tại vị trí trường cũ hiện nay ở thôn An Lá. Ảnh: Mai Hưng- TTXVN |
Xét công văn trả lời của lãnh đạo xã Nghĩa An là không thỏa đáng, không đúng quy định, vi phạm tới quyền dân chủ của công dân, ngày 8/1/2018, người dân địa phương tiếp tục gửi đơn tố cáo khẩn cấp đến UBND tỉnh Nam Định, phản ánh với Lãnh đạo tỉnh về những việc làm sai trái đang xảy ra ở xã Nghĩa An. Ngày 15/3/2018, thực hiện chỉ đạo của ông Nguyễn Phùng Hoan – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, một cuộc đối thoại trực tiếp 4 bên gồm đại diện UBND tỉnh Nam Định, UBND huyện Nam Trực, một số cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh, huyện cùng lãnh đạo UBND xã Nghia An với những người đại diện cho dân đã được tổ chức tại trụ sở UBND huyện Nam Trực để xem xét nội dung đơn tố cáo. Tại cuộc đối thoại này, ông Nguyễn Đức Tiến - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Trực, ông Đỗ Anh Xô- Phó Giám đốc Sở Gíáo dục - Đào tạo Nam Định và ông Phạm Văn Hoạt- Chủ tịch UBND xã Nghĩa An đều thừa nhận việc Chính quyền xã Nghĩa An không xin ý kiến người dân khi có chủ trương xây trường THCS ở nơi khác là sai, không đúng với quy định; đồng thời thống nhất UBND huyện Nam Trực giao cho UBND xã Nghĩa An thực hiện các quy trình để xây trường mới tại xóm 4, thôn An Lá (ở vị trí trường cũ hiện nay). Mặc dù đã có ý kiến kết luận, chỉ đạo của UBND huyện Nam Trực nhưng mãi đến ngày 4/4/2018, cuộc họp lấy ý kiến nhân dân mới được tổ chức. Tuy nhiên, nội dung triển khai lấy ý kiến nhân dân của chính quyền xã Nghĩa An lại là xây Phòng học chứ không phải xây mới trường học như ý kiến chỉ đạo của ông Chủ tịch UBND huyện Nam Trực. Điểu này tiếp tục gây bức xúc trong nhân dân địa phương.
Một góc trường THCS Nghĩa An. Ảnh: Mai Hưng- TTXVN |
Cho đến thời điểm này, sự việc trên vẫn diễn ra trong mớ “bùng nhùng”, kéo dài, ít nhiều gây xáo trộn, ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự, nhất là ảnh hưởng trực tiếp tới việc học hành của con em hàng nghìn hộ dân trong vùng, gây lo lắng cho phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo. Thực tế này đòi hỏi chính quyền và các cơ quan hữu trách ở xã Nghĩa An, huyện Nam Trực và tình Nam Định cần sớm có biện pháp, tìm ra lời giải hợp lý nhằm ổn định tình hình và tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân khi thực hiện chủ trương xây dựng trường THCS mới, tránh rơi vào tình trạng “Cái sảy nảy cái ung”.
Mai Hưng
Mai Hưng