Tháng Thanh niên 2018

Tuổi trẻ Lai Châu nỗ lực phát triển kinh tế

Tuổi trẻ Lai Châu nỗ lực phát triển kinh tế
Đoàn viên thanh niên thành phố Lai Châu ra quân dọn vệ sinh tại bản Gia Khâu 1, xã Nậm Loỏng. Nguồn ảnh: baolaichau.vn
Đoàn viên thanh niên thành phố Lai Châu ra quân dọn vệ sinh tại bản Gia Khâu 1, xã Nậm Loỏng. Nguồn ảnh: baolaichau.vn

Trên địa bàn huyện Sìn Hồ đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế của thanh niên, trong đó điển hình là mô hình trồng cây dược liệu đương quy của đoàn viên Mùa A Dì (bản Sà Dề Phìn, xã Sà Dề Phìn); mô hình nuôi dê, bò, lợn của đoàn viên Lý A Cạo (xã Nậm Cha); mô hình chăn nuôi lợn của đoàn viên Hoàng Thị Minh Phương (xã Phăn Xô Lin)…

Gia đình đoàn viên Mùa A Dì đã từng nhiều năm nằm trong danh sách hộ nghèo của bản Sà Dề Phìn, xã Sà Dề Phìn. Mặc dù đã làm đủ nghề để mưu sinh, nhưng cái nghèo vẫn đeo bám gia đình anh. Sau đó, anh Dì mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội ủy thác thông qua tổ chức thanh niên, số tiền 50 triệu đồng để cải tạo nương trồng cây dược liệu đương quy. Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đến nay diện tích trồng đương quy của anh đã cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Không những thành công trong việc trồng cây dược liệu đương quy, anh Dì còn mạnh dạn học hỏi và áp dụng thành công quy trình ươm cây giống, cung cấp cho thanh niên trong xã phát triển trồng cây dược liệu đương quy để thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Anh Mùa A Dì chia sẻ: “Sau khi vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, tôi đã mạnh dạn đầu tư mua máy móc và cây giống. Lúc đầu, tôi phải đi Sa Pa (Lào Cai) để lấy cây giống về ươm nên tốn nhiều chi phí. Qua hai năm đúc rút kinh nghiệm, tôi đã ươm được cây giống, cung cấp cho các thanh niên trong bản cùng trồng. Lợi nhuận từ trồng cây đương quy gấp 10 lần cây lúa. Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo, nhưng năm 2017 gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Phó Bí thư Huyện đoàn Sìn Hồ Nguyễn Quốc Hiệu cho biết, tại địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, nhiều đoàn viên thanh niên dân tộc thiểu số đã được vay vốn để phát triển các mô hình kinh tế như: Mô hình nuôi cá lồng, mô hình nuôi bò, nuôi dê, mô hình trồng cây dược liệu đương quy trên địa bàn huyện. Hiện có trên 3.000 đoàn viên dân tộc thiểu số của huyện Sìn Hồ đã được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách với dư nợ đạt trên 75 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao...

Huyện Mường Tè cũng có nhiều đoàn viên thanh niên năng động, nỗ lực phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao như: Đoàn viên Đao Văn Chung ở xã Vàng San với mô hình vườn – ao – chuồng; đoàn viên Lò Gió Hừ (xã Tá Bạ) với mô hình chăn nuôi dê. Mô hình chăn nuôi bò của đoàn viên Lò Văn Đông ở xã Mường Tè. Mô hình trồng sả, ớt của đoàn viên Lỳ Go Che ở xã Thu Lũm…

Là một đoàn viên thành công với mô hình chăn nuôi dê, gần đây anh Lò Gió Hừ còn trồng thêm tam thất cho giá trị kinh tế cao. Anh Lò Gió Hừ cho biết: “Ban đầu, tôi chăn nuôi dê với số lượng ít để thử nghiệm, sau đó thấy nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi đã đầu tư mở rộng chăn nuôi. Hiện tôi còn trồng thử nghiệm cây tam thất. Thu nhập bình quân từ nuôi dê đạt khoảng hơn 200 triệu đồng/năm, kinh tế gia đình tôi nhờ vậy đã ổn định”.

Mô hình trồng sả kết hợp với trồng ớt của đoàn viên Lỳ Go Che (xã Thu Lũm) cũng mang lại hiệu quả và đang được nhân rộng trên địa bàn. Hai ha cây sả mỗi năm cho anh Che thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Từ năm 2017, anh Che bắt đầu trồng thêm cây ớt, cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/vụ. Anh Lỳ Go Che cho biết, thu nhập từ bán tinh dầu sả và ớt đã giúp kinh tế gia đình ngày một khấm khá.

Nhờ sự tuyên truyền và phối hợp hiệu quả giữa tổ chức Đoàn thanh niên với Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều đoàn viên dân tộc thiểu số ở Lai Châu đã mạnh dạn vay vốn thực hiện các mô hình phát triển kinh tế để thoát nghèo, làm giàu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Công Tuyên

Có thể bạn quan tâm