Xuất khẩu lao động giúp người dân miền núi Ngọc Lặc giảm nghèo

Xuất khẩu lao động giúp người dân miền núi Ngọc Lặc giảm nghèo
Ngọc Lặc là huyện miền núi, trước đây cuộc sống của nhiều người dân  còn đói nghèo. Năm 2016, UBND huyện Ngọc Lặc ban hành kế hoạch giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động cho các xã, thị trấn; đồng thời, tổ chức các buổi thông tin, giới thiệu thị trường lao động, chế độ lương khi làm việc ở nước ngoài.

Từ đó, nhiều người đã vay vốn ngân hàng để đi xuất khẩu lao động, có người đã hết hợp đồng 3 năm, sau khi về nước tiếp tục đăng kí đi lần 2. Tổng thu nhập của mỗi người đi xuất khẩu lao động sau khi về nước có từ 200 triệu -500 triệu đồng. Nhờ số tiền này, người lao động có điều kiện tiếp tục đầu tư kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Bà Bùi Thị Hạnh (áo vàng), trú tại làng Me, xã Đồng Thịnh huyện Ngọc Lặc đi xuất khẩu lao động Ả rập (Saudi Arabia), khi về nước thu nhập hơn 200 triệu. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Bà Bùi Thị Hạnh (áo vàng), trú tại làng Me, xã Đồng Thịnh huyện Ngọc Lặc đi xuất khẩu lao động Ả rập (Saudi Arabia), khi về nước thu nhập hơn 200 triệu. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Bà Bùi Thị Hạnh (sinh năm 1967), dân tộc Mường, trú tại làng Me, xã Đồng Thịnh cho biết, trước đây gia đình bà thuộc diện khó khăn. Trong một lần lên xã xin giấy tờ, bà được cán bộ xã tư vấn về những hiệu quả khi đi làm việc ở nước ngoài. Ngay sau đó, bà Hạnh đã đăng kí đi xuất khẩu lao động thông qua sự đấu mối của cán bộ xã. Theo đó, bà Hạnh đã học tiếng, học nghề tại Công ty Thiên Ân. Năm 2015, bà kết thúc khóa học và sang Saudi Arabia làm giúp việc cho một gia đình trong thời hạn 3 năm, với mức lương hơn 9 triệu đồng/tháng.
Nhờ sự chăm chỉ làm việc, ngoài mức lương cố định, bà Hạnh còn được chủ nhà thưởng thêm và hàng tháng, bà thường gửi tiền về cho gia đình. Năm 2017, bà kết thúc thời hạn đi xuất khẩu và về nước, tổng thu nhập được hơn 200 triệu đồng. Bà Hạnh dùng số tiền này xây nhà mới, mua các giống cây trồng, vật nuôi để phát triển sản xuất. Hiện cuộc sống của gia đình bà đã ổn định hơn.

Ông Trịnh Đình Thắng, thôn Quang Thuận, xã Quang Trung cho biết, do gia đình khó khăn nên từ năm 2013, con của ông là anh Trịnh Đình Hưng (sinh năm 1992) đã đăng kí đi xuất khẩu lao động. Thông qua Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện, anh Hưng đóng 200 triệu  đồng để đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Năm 2014, sau khi học tiếng tại Công ty Hàm Hưng, anh sang Nhật làm việc. Ngoài làm theo thời gian chính thức, anh còn làm tăng ca thêm mỗi buổi tối nên mức lương của anh được hơn 15 triệu đồng/tháng, mỗi dịp nhận lương, anh gửi 10 triệu đồng về cho gia đình, số tiền còn lại anh dành dụm cho tương lai.

Ông Trịnh Đình Thắng (ngoài cùng, bên trái), thôn Quang Thuận, xã Quang Trung có con là anh Trịnh Đình Hưng (1992) đi xuất khẩu lao động, tổng số tiền anh kiếm được hơn 500 triệu. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Ông Trịnh Đình Thắng (ngoài cùng, bên trái), thôn Quang Thuận, xã Quang Trung có con là anh Trịnh Đình Hưng (1992) đi xuất khẩu lao động, tổng số tiền anh kiếm được hơn 500 triệu. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Năm 2017, anh Hưng về nước, sau khi trừ chi phí, tổng số tiền anh thu nhập được hơn 500 triệu đồng. Anh đã học để xin vào làm tại một công ty tư nhân ngoài Hà Nội với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng. Hiện anh đã xây được nhà ở cho gia đình và mua được 2 mảnh đất ở quê, kinh tế ổn định hơn trước.

Ông Đinh Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung cho biết, hơn 2 năm qua, xã có gần 50 người người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu ở các nước như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản... Số lao động này thường làm xây dựng, điều dưỡng, cơ khí, thu nhập từ 10 triệu-20 triệu đồng/người/tháng. Nhiều người trước khi đi xuất khẩu lao động rất nghèo, sau khi về nước đã có tiền xây nhà, phát triển kinh tế gia đình.

Mặc dù công tác xuất khẩu lao động tại huyện Ngọc Lặc bước đầu đạt kết quả tích cực, nhưng vẫn còn những hạn chế do các xã trong huyện chưa lồng ghép hiệu quả công tác xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm gắn với với phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chưa chủ động tiếp cận người lao động, công tác phối hợp giữa doanh nghiệp và các xã chưa được hợp lý.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc Phạm Tiến Dũng, thời gian tới, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động tại địa phương, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Đồng thời, huyện tổ chức điều tra lao động để nắm rõ nhu cầu xuất khẩu lao động hàng năm; thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo, tổ chức các lớp thông tin, tư vấn xuất khẩu lao động, hỗ trợ tín dụng cho vay đi xuất khẩu lao động cho người dân trước khi ra nước ngoài làm việc.

Ngoài ra, huyện Ngọc Lặc đang liên kết với Công ty TNHH Sam Sung Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty TNHH thiết bị vật tư Hoa Linh để giải quyết việc làm cho số lao động có nhu cầu. Huyện phấn đấu từ nay đến cuối năm 2018, có 1.926 lao động được giải quyết việc làm, trong đó có 350 người đi xuất khẩu lao động trong thời hạn 3 năm.
Nguyễn Nam 

Có thể bạn quan tâm