Quảng Trị sản xuất thương mại nhiều sản phẩm từ các cây dược liệu

Quảng Trị sản xuất thương mại nhiều sản phẩm từ các cây dược liệu
Đề tài nghiên cứu, sản xuất và thương mại hóa sản phẩm chè vằng hòa tan với thương hiệu “Tralavang” đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Để phục vụ đề tài này, từ năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị trồng thử nghiệm 3 ha cây chè vằng bằng phương pháp giâm hom ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng. Đến cuối tháng 5/2018, đơn vị đã nhân rộng vùng nguyên liệu trồng chè vằng lên 40 ha ở huyện Cam Lộ. Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị phối hợp với Viện Hóa học các hợp chất Thiên nhiên Việt Nam, nghiên cứu chuyên sâu hoạt tính sinh học của chè vằng đối với sức khỏe con người. Qua đó, các nhà nghiên cứu đã chiết xuất thành công hoạt tính của chè vằng và sản xuất thương mại chè vằng hòa tan với thương hiệu “Tralavang”. Loại chè này tan nhanh trong nước, có màu xanh trong, mùi thơm đặc trưng, vị đắng đậm tự nhiên và nhất là có công dụng hỗ trợ chức năng gan, kháng viêm, thải độc chống lão hóa… được người tiêu dùng tin tưởng.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị đã sản xuất thương mại sản phẩm “Cà gai leo – linh chi hòa tan Cagali”. Theo đó, cà gai leo tự nhiên được nhân giống và canh tác theo phương pháp sạch. Cà gai leo sạch và nấm linh chi được rửa sạch, rồi đưa lên hệ thống chiết xuất trong môi trường chân không, nhằm đảm bảo thành phẩm giữ được dược tính quý của hai loại dược liệu này. Sau đó, sản phẩm được sấy khô bằng công nghệ sấy vi sóng chân không và đưa vào hệ thống nghiền cho ra thành phẩm. Sản phẩm này có dược tính ưu việt là hỗ trợ cho người bị các bệnh về gan. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị còn sản xuất thương mại các sản phẩm “Linh chi hòa tan Đất Lửa”, một loại dược liệu quý có nhiều lợi ích cho sức khỏe; sản phẩm “Đông trùng hạ thảo Sa Mù” giúp giải độc gan, bồi bổ cơ thể...

Tỉnh Quảng Trị đang phát triển vùng chuyên canh cây dược liệu tại huyện Cam Lộ với các loại cây chủ lực như: chè vằng, ngưu tất, trạch tả, táo đỏ, sinh địa…; đồng thời tập trung đầu tư, ứng dụng công nghệ để chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu. Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người dân trồng cây dược liệu. Theo đó, khi tham gia dự án trồng cây chè vằng tập trung, người dân được hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón, công làm đất… với mức hỗ trợ 15 triệu đồng/ha; tham gia dự án trồng các cây dược liệu khác được hỗ trợ vay vốn ưu đãi.
Nguyên Lý

Có thể bạn quan tâm