Người dân bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng múa hát trong dịp tết Nào Pê Chầu. Ảnh: baodienbienphu.info.vn |
Để vào con dốc cao-cửa ngõ bản Nậm Pọng, phải đi 4 km đường đất liên bản qua các bản Chan 1, Chan 2. Trưởng bản Nậm Pọng Vàng A Páo (48 tuổi) cho biết: Từ những năm 1950, Nậm Pọng là vùng đất rừng rú, bao bọc quanh năm là sương lạnh, mây mù. Lúc đó, chỉ có khoảng 3-4 hộ người Mông sinh sống. Đến khoảng năm 1960, người Mông đã có 6 hộ. Từ năm 1972, người Mông tìm về đây nhiều, lập dân, định bản cùng chung tay xây dựng kinh tế, mở đường đi đến các bản phía dưới núi. Đến nay, Nậm Pọng đã có hơn 50 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Mông, ngành Mông đen (Môngz Đuz).
Từ thượng nguồn suối Nậm Pọng xuôi về phía hạ nguồn trước lúc đổ dồn xuống thung lũng, nơi có “vựa” lúa nước hai vụ của bản, những ngôi nhà trệt nằm ở độ cao khác nhau tựa lưng vào núi đang quần tụ, ẩn hiện giữa bạt ngàn cây xanh.
Trưởng bản Nậm Pọng Vàng A Páo nhấn mạnh: Suối Nậm Pọng mang lại lợi ích cho cuộc sống người dân địa phương khi giờ đây, nhà nào gần con suối cũng đào ao, thả cá, quanh năm không lo thiếu nước. Nhiều nhà kinh tế phát triển khá nhờ mô hình nuôi cá ao.
Những thiếu nữ người Mông lần đầu tiên được xuống chợ. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN |
Ngược con dốc, men theo những bờ rào đá được xếp cao để vào trung tâm bản mới cảm nhận rõ thế mạnh kinh tế hộ gia đình của người dân nơi đây khi nhiều hộ dân như anh Giàng A Chứ (28 tuổi), Giàng A Lứ (45 tuổi), bà Ly Thị Chia… đã khoanh vùng, phân khu đào ao thả cá, chăn thả gia cầm, nuôi gia súc. Đến nay, nhiều nhà cũng đã mua máy cày bừa, nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, hầu như các gia đình đều có vật dụng giá trị như xe máy, tivi...
Bà Ly Thị Chia, bản Nậm Pọng cho biết: Gia đình bà có gần 20 con gia súc (trâu, lợn) và hàng chục con gia cầm. Bên cạnh đó, bà trồng được gần 3 ha ngô… mỗi năm cho thu nhập khoảng từ 50-70 triệu đồng.
Anh Giàng A Lứ cho biết: Kinh tế gia đình anh đã khấm khá hơn trước nhờ tích cực khai hoang, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Anh tập trung phát triển kinh tế để đảm bảo cuộc sống, lo việc học tập của các con.
Trưởng bản Nậm Pọng Vàng A Páo chia sẻ: Người dân trong bản ai cũng có ý thức xoá đói, giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và khai hoang... Đến nay, toàn bản đã khai hoang được hơn 30 ha ruộng nước. Nhiều năm qua, người dân không còn lo thiếu ăn trong những tháng giáp hạt. Từ năm 2009, công trình thủy lợi Nậm Pọng được đầu tư xây dựng, với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 30a. Qua đó, giúp người dân các bản Nậm Pọng, Chan 1, Chan 2 canh tác được lúa 2 vụ, tạo điều kiện cho người dân Nậm Pọng đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp.
Chia sẻ về phát triển kinh tế gia đình, Trưởng bản Giàng A Páo cho biết: Bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và nguồn tích lũy của gia đình, năm 2010 đầu tư trồng 2,5 ha cà phê. Đến nay, vườn cà phê của gia đình đã cho thu hoạch 4 vụ, trừ chi phí, cho thu lãi 30 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, gia đình còn trồng lúa, nuôi trâu, bò và nuôi lợn thịt, lợn nái đẻ, dê. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 60 triệu đồng.
Trưởng bản Nậm Pọng Giàng A Páo được Hội Nông dân xã công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp xã nhiều năm liền. Mô hình kinh tế của gia đình Trưởng bản Giàng A Páo trở thành điểm đến cho người dân trong bản, xã tìm hiểu, học hỏi để nhân rộng.
Điều mà Trưởng bản Giàng A Páo và người dân trong bản vui nhất là năm 2016, bà con nơi đây được thụ hưởng 2 công trình phúc lợi kiên cố, khang trang gồm: Lớp học mầm non điểm bản Nậm Pọng và tuyến đường bê tông dài 1,4 km chạy dọc bản. Nhờ có điểm trường mầm non, học sinh trong bản được đi học đầy đủ, thuận lợi hơn.
Từ xuất phát điểm thấp, với 50 hộ nghèo, Nậm Pọng hôm nay chỉ còn gần 20 hộ nghèo. Khi kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống được nâng lên, người dân bản Nậm Pọng có thêm điều kiện tham gia hoạt động xã hội. Bản Nậm Pọng có 100% người dân không mắc tệ nạn xã hội; các phong trào văn hóa văn nghệ, phong tục truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, gìn giữ. Đặc biệt, ngày 8/6/2015, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL công nhận “Tết nào pê chầu” của người Mông, ngành Mông đen ở bản Nậm Pọng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.