Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang phát biểu. Ảnh: Hồng Thái - TTXVN. |
Theo kỹ sư Nguyễn Quốc Bình, đại diện Công ty cổ phần Tư vấn kỹ thuật môi trường, sau khi xem xét 3 phương án quy hoạch, đơn vị tư vấn đánh giá phương án 1, 2 có chi phí đầu tư và vận hành cao; thời gian thực hiện lâu; cơ chế thực hiện chưa rõ; giá thành sản phẩm vượt quá khả năng chi trả; tăng nguy cơ đấu nối bất hợp pháp. Do đó, đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án 3, dễ phân kỳ đầu tư cho các hạng mục hồ chứa, nhà máy; chi phí vận hành hồ chứa thấp hơn hàng chục lần chi phí điện của phương án 2 và tận dụng được các nhà máy hiện có.
Tại cuộc họp, sau khi tổng hợp nội dung đánh giá, góp ý của hội đồng thẩm định, có 18/19 ý kiến đồng ý thông qua phương án quy hoạch nhưng cần điều chỉnh.
Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cấp nước và sử dụng nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang gồm 3 phương án: Phương án 1, lấy nước từ các dự án Quy hoạch cấp nước Đồng bằng sông Cửu Long; phương án 2, mua nước từ nhà máy nước của công ty Aqua One; phương án 3, phát triển các nhà máy nước hiện có và xây dựng thêm các hồ chứa nước thô.
Tuy nhiên, theo phương án 3 cần thêm 85,5 ha đất làm hồ chứa; cần có phương án quản lý tốt nguồn nước mặt để tránh ô nhiễm. Định hướng sử dụng nước theo phương án này là ưu tiên khai thác nguồn nước mặt, chỉ sử dựng nguồn nước dưới đất tại những nơi không có khả năng khai thác nước mặt; không sử dụng nước dưới đất có chất lượng tốt cho các hoạt động không cần thiết; phải có biện pháp xử lý nguồn nước đạt tiêu chuẩn QCVN 08:2015/BTNMT trước khi đưa đến trạm xử lý.