Lễ té nước của dân tộc Lào tại con suối chạy dọc bản làng Na Sang 1. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN |
Gắn với quá trình định cư, lập bản, Tết té nước đã được người dân tộc Lào ở bản Na Sang gìn giữ, bảo tồn từ hàng chục năm qua. Từ năm 2015, Tết té nước đã được phục dựng nguyên bản, tổ chức vào đúng thời điểm Tết truyền thống của người Lào, nhằm góp phần tái hiện lại yếu tố văn hóa truyền thống và trở thành nếp sống, phong tục của người dân nơi đây. Đến bản Na Sang vào dịp diễn ra Tết Té nước, du khách được trải nghiệm, hòa mình trong những nghi thức truyền thống, đắm hồn trong không gian văn hóa đậm sắc màu dân gian của các trò chơi. Tết té nước của người Lào ở Na Sang (Điện Biên) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tại Quyết định số 3421/QĐ-BVHTTDL, ngày 11/9/2017.
Sáng sớm, khi núi rừng vẫn còn phủ khoác một màn sương, cộng đồng người dân tộc Lào ở Na Sang ai cũng chọn cho mình bộ quần áo đẹp nhất, í ới gọi nhau để nối chân, đổ dồn về khu vực diễn ra các nghi thức cúng tế thần linh và các trò chơi đậm sắc màu dân gian trong không gian văn hóa Tết Té nước.
Tại đây, bà Mo cùng đội nghi lễ là những người cao tuổi, có uy tín trong bản cùng nhau ngồi bên mâm cúng để khấn cầu may mắn, bình an cho mọi người. Tiếp đến là nghi thức vẩy nước thơm lên tất cả mọi người để cầu may cho một năm mới bình an, không ốm đau bệnh tật, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi, phát triển. Nghi thức buộc chỉ cổ tay cũng được thực hiện sau đó cho mọi người để chúc phúc những điều may mắn, sức khỏe dồi dào.
Sôi nổi, hấp dẫn, mang tính cố kết cộng đồng cao, lôi cuốn số lượng lớn người tham dự là các trò chơi như: Tấu phắc sá - táu lasa (rùa ấp trứng), xưa khốp mu (hổ vồ lợn), ngù kin khiết (rắn bắt ngóe), phăn viêng (múa bắt chân bắt đầu), Pít mắc tanh (hái dưa chín)... Đây là những hoạt động tái hiện quá trình định cư, lập bản; bắt nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất, từ khát vọng vươn tới để chinh phục tự nhiên, chống thiên tai địch họa, bảo vệ mùa màng, bảo vệ cuộc sống yên vui, hạnh phúc của cộng đồng dân tộc Lào tại bản Na Sang nói riêng, trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung.
Nghi thức đi xin nước, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, năm mới mùa màng bội thu. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN |
Mang yếu tố tâm linh, tín ngưỡng nhưng không kém phần hoạt náo là Lễ cầu mưa - nghi thức xin nước mưa (só nặm phạ phốn) được thực hiện bởi một đoàn người gồm những phụ nữ có tài ăn nói, hát giỏi, đối đáp khéo léo. Dọc đường đi, đoàn người thực hiện việc “xin ăn” từ những chủ hộ làm ăn phát đạt, có uy tín trong cộng đồng để lấy phúc và giáo dục con cháu về truyền thống dân tộc, giới thiệu những tấm gương sản xuất giỏi để bà con dân bản noi theo. Tại mỗi gia đình, khi đoàn người vào “xin ăn”, đoàn người nêm cứng dưới sân nhà sàn, chỉnh đốn trang phục và thực hiện những nghi thức khấn đồng dao, chờ xin gia chủ ban lộc, ban nước mưa. Chủ nhà sau đó vừa đáp lời, vừa đưa lễ vật xuống cho và sẽ té nước vào đoàn người đang đứng dưới sân nhà sàn. Nghi thức tiếp nối, diễn ra khắp các hộ gia đình khác trong bản, thu hút hàng trăm người tham dự trong không khí vui tươi, phấn khởi, rộn rã tiếng nói cười và lời chúc phúc.
Khi mặt trời đứng bóng, du khách và người dân sẽ nối bước chân nhau, đổ dồn ra con suối chạy dọc sau lưng bản để thực hiện nghi thức dâng tế lễ vật, cúng mời thần suối hưởng lễ cùng bản làng. Sau hoạt động hưởng lễ, hàng trăm người dân bản và du khách sẽ cùng nhau té nước suối. Theo quan niệm của người dân tộc Lào nơi đây, nước té càng cao, người tham gia té nước bị ướt càng nhiều, năm đó thời tiết diễn biến càng thuận lợi, bản làng gặp được nhiều may mắn, tốt đẹp hơn.
Anh Nguyễn Thọ Duyên, khách du lịch đến từ Hà Nội, cho biết " Được tham dự Lễ té nước của dân tộc Lào nơi đây, tôi rất bất ngờ và rất vui khi được chứng kiến các nghi thức tín ngưỡng, tâm linh, được trải nghiệm những trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân tham gia diễn ra trong lễ hội ".
Bà Lường Sao May, “bà Mo” bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên cho biết: Tết té nước là một niềm tự hào của người dân tộc Lào bản Na Sang. Chúng tôi sẽ cố gắng, hiệp tâm cùng nhau phát huy hơn nữa để gìn giữ, truyền đạt lại cho con cháu thế hệ mai sau. Qua Tết té nước, chúng tôi muốn quảng bá cho các bạn bè các dân tộc trong tỉnh và toàn quốc biết được nét văn hóa độc đáo của của người dân tộc Lào ở bản Na Sang, từ đó mong sẽ thu hút các khách du lịch đến thăm quan.
Bà Phạm Minh Châu, Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết " Lễ Té nước của dân tộc Lào là một niềm tự hào chung của nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên trong việc bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đây cũng là tiềm năng để phát triển du lịch thời gian tới của huyện Điện Biên và tỉnh Điện Biên. Tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban ngành đoàn thể của xã tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, để không mất đi bản sắc văn hóa vốn có của đồng bào dân tộc địa phương ".
Tết Té nước đã góp phần khẳng định quá trình tồn tại, phát triển của cộng đồng dân tộc Lào trên địa bàn, cùng với đó là sự hình thành bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó kể đến tục thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng đa thần. Đây là lễ hội và cũng là tết truyền thống gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng, mang đậm triết lý nhân sinh. Các nghi thức, trò chơi trong Tết té nước đã trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vừa là hình thức sinh hoạt tập thể vui tươi, lành mạnh, vừa có tính giáo dục thẩm mỹ.
Với Tết té nước, đến nay, tỉnh Điện Biên đã có 6 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Xòe Thái, Lễ hội Thành Bản Phủ - Đền Hoàng Công Chất, Lễ Kin Pang Then của người Thái, Tết Nào Pê Chầu, Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa và Tết té nước của người Lào.