Điện Biên: Đổi thay ở bản biên giới nơi cực Tây Tổ quốc

Điện Biên: Đổi thay ở bản biên giới nơi cực Tây Tổ quốc
Người Hà Nhì - Ảnh: Thanh Hà - TTXVN
Người Hà Nhì - Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Hơn 60 năm trước, những bước chân của người Hà Nhì đã in trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc, ngược xuôi dòng suối Mo Pí để tìm đất lập dân, định bản, dựng xây nên các bản đầu tiên là Tả Kố Khừ và A Pa Chải. Quá trình lao động, sản xuất,gặp những vùng đất thuận lợi cho việc định cư, ổn định sản xuất, người Hà Nhì tiếp tục mở rộng địa bàn cư trú, hình thành nên các bản tiếp theo là Tá Miếu, Pờ Nhù Khồ, Tả Kố Ky, Tá Sú Lình, Lỳ Mà Tá. Những năm tháng ấy, Sín Thầu là vùng đất không điện, đường, trường, trạm. Khi màn đêm buông xuống, nhà nào có điều kiện mới thắp sáng bằng đèn dầu hỏa rồi cũng nhanh chóng “cửa đóng then cài”. Lúc đó, người dân chưa khai hoang diện tích đất ở triền đồi, khe suối, cây lúa và phương thức canh tác ruộng nước còn lạ lẫm với người Hà Nhì...

Đến Sín Thầu hôm nay, cảm nhận dễ thấy là sự thay da đổi thịt ở bản làng; người dân đoàn kết, gắn bó trong công cuộc phát triển kinh tế, gìn giữ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Con đường huyết mạch dài hơn 80km từ trung tâm huyện Mường Nhé vươn dài đến tận ngã ba biên giới A Pa Chải từ nhiều năm qua đã tạo thuận lợi cho đồng bào trong trao đổi, thông thương, nâng cao giá trị hàng hóa, nông sản cho người dân vùng biên giới. Tại các trung tâm xã Chung Chải, Leng Su Sìn, Sín Thầu đã hình thành các khu buôn bán, dịch vụ kinh doanh sầm uất.

Bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu có hơn 100 căn nhà khang trang, vững chãi, lợp ngói, tôn dọc hai bên dòng Mo Pí hiền hòa. Đi sâu vào bản làng là các tuyến đường đã được “cứng hóa” sạch sẽ; ở những cụm cư dân bên kia suối cũng được đấu nối bằng chiếc cầu treo kiên cố. Khuôn viên nhà dân ở bản Tả Kố Khừ đều quy hoạch có ao cá, vườn rau, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, diện tích trồng cây ăn quả. Đặc biệt hơn, hệ thống tường bao, cổng ngõ kiên cố được người dân trồng các loài hoa leo trông rất đẹp và yên bình...

Ông Sừng Phà Sàng, người dân bản Tả Kố Khừ cho biết: Nhiều năm trước đây, ngoài trồng ngô, sắn. người dân đã xây dựng chuồng trại chăn nuôi các loại gia súc như trâu, bò, lợn, dê và khoanh nuôi chăn thả gà, vịt, đào ao thả cá; cuộc sống đã no đủ hơn. An ninh trật tự trong bản rất ổn định, bà con sống đoàn kết, hòa thuận, sẻ chia giúp đỡ nhau phát triển kinh tế gia đình.

Ông Mạ Sàn Hoa, Phó trưởng bản Tả Kố Khừ cho biết: Hiện nay ở bản, người dân không làm nương mà thay vào đó là trồng lúa nước và ngô, sắn, đã có nhiều hộ chăn nuôi vừa và nhỏ, kết hợp với phát triển dịch vụ mua bán. Trong chăn nuôi, trồng trọt, dân bản đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật. Đặc biệt hơn, được hưởng lợi từ dịch vụ chi trả môi trường rừng nên đời sống bà con đã khấm khá hơn. Công tác gìn giữ, bảo vệ rừng theo đó được người dân chú trọng thực hiện.

Cũng theo Phó trưởng bản Mạ Sàn Hoa, do được cán bộ, chiến sĩ biên phòng Đồn biên phòng A Pa Chải, chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền về pháp luật, bảo vệ đường biên, cột mốc nên người dân trong bản nhận thức tốt về việc gìn giữ tình hình an ninh trật tự, đảm bảo chính trị ổn định, cam kết không vượt biên trái phép.

Ông Pờ Á Sinh, người uy tín của bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu chia sẻ: Cuộc sống của người dân bản Tả Kố Khừ đã thật sự đổi thay. Bản làng đã có đường giao thông nông thôn đi lại thuận tiện, có nhà sinh hoạt cộng đồng, dân không chăn thả trâu bò bừa bãi nữa. Điện lưới quốc gia đã về bản từ năm 2013 tạo nên một bước tiến mới trong sinh hoạt, sản xuất, phát triển kinh tế của bà con. Trên địa bàn xã đã có các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, con em trong bản đều được đi học đầy đủ.

Giờ đây, ở bản Tả Kố Khừ đã  có nhiều gương làm kinh tế giỏi với mô hình trang trại cho thu nhập cao như ông Pờ Dần Sinh, Sùng Phì Sinh, Sùng Xé Pa..., nuôi từ 30 đến 140 con trâu, bò. Các gia đình này đều làm nhà ở nơi chăn thả, phân công lao động để chăm sóc, trông nom vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc để đàn gia súc tăng trưởng bền vững. Từ những điển hình này ở bản và ở xã đã tạo phong trào chăn nuôi, đưa số hộ chăn nuôi gia súc quy mô lớn trên địa bàn toàn xã Sín Thầu lên hơn 10 hộ có đàn trâu, bò trị giá từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/đàn.

Ông Pờ Chinh Phạ, Phó Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cho biết: Sự đổi thay ở các bản Tá Miếu, Pờ Nhù Khồ, Tả Kố Ky, Tá Sú Lình, Lỳ Mà Tá, A Pa Chải, Tả Kố Khừ đã góp phần đưa kinh tế xã biên giới Sín Thầu trong những năm qua tiếp tục tăng trưởng, diện mạo nông thôn đổi thay. Đến nay, toàn xã có gần 2.700 con gia súc, hơn 2.650 con gia cầm các loại, hơn 7ha diện tích nuôi trồng thủy sản; tổng lương thực bình quân đầu người của xã đạt hơn 400kg/người/năm; thu nhập bình quân của bà con đạt gần 30 triệu đồng/năm. Những thành quả hôm nay có được, ngoài sự nỗ lực vươn lên của người dân thì nguồn lực đầu tư hỗ trợ của Nhà nước như chương trình 30a, chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã “tạo đà” cho nhiều hộ tại địa phương thoát nghèo bền vững. Hiện nay, Sín Thầu đã cơ bản đạt 15/19 tiêu chí của chuẩn nông thôn mới và đang phấn đấu về đích Chương trình mục tiêu quốc gia này vào năm 2020.
Văn Dũng - Hải An

Có thể bạn quan tâm