Chương trình thể thao thân thiện giúp người tự kỷ hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Thanh Thương – TTXVN |
Bà Hoàng Ngọc Bích, Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam cho biết: “Thông qua chuỗi các hoạt động, ngày hội mong muốn cộng đồng nhận thức đúng về tự kỷ, mở lòng và hỗ trợ đúng cách để người tự kỷ được sống bình đẳng, phát triển năng lực, đóng góp cho xã hội. Bên cạnh đó, chương trình mong muốn tạo ra cộng đồng thân thiện để người tự kỷ có thể hòa nhập cuộc sống. Đây cũng là nơi giao lưu, chia sẻ thông tin về cách chăm sóc và can thiệp trẻ tự kỷ, góp phần kêu gọi sự quan tâm của toàn xã hội đến trẻ mắc chứng tự kỷ hiện nay”.
Theo đó, chương trình “Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ lần thứ 3 năm 2018” thu hút gần 1.000 phụ huynh và hơn 400 trẻ bị mắc chứng tự kỷ đến từ các trường, trung tâm đang can thiệp cho trẻ tự kỷ trên khắp cả nước như Hà Nội, Nam Định, Tuyên Quang, Hưng Yên, Bắc Ninh, Nghệ An, Hải Phòng… Tại đây, các trẻ tự kỷ được tham gia các trò chơi trị liệu và các môn thi đấu thể thao sôi động như bơi lội, chạy, bật xa tại chỗ, nhảy bao bố và một số trò chơi khác.
Anh Nguyễn Mạnh Tiềm ở Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh cho biết: “Chuỗi các hoạt động thể thao ngoài trời là cơ hội tốt giúp con gái tôi có thêm cơ hội giao lưu với các bạn có đồng trang lứa, giúp con thêm tự tin và vui vẻ. Tham gia các hoạt động này không chỉ bổ ích về mặt thể lực và tinh thần cho trẻ mắc chứng tự kỷ, các phụ huynh cũng có thêm cơ hội bổ sung kiến thức chăm sóc con được tốt hơn. Đồng thời, chúng tôi được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để tiếp tục kiên trì, bền bỉ giúp con từng bước tiến bộ, vượt lên bệnh tật”.
Chương trình thể thao thân thiện giúp người tự kỷ hòa nhập cộng đồng. Ảnh: Thanh Thương – TTXVN |
Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Tô Đức, trong giai đoạn hiện nay, số người tự kỷ và trẻ tự kỷ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại các thành phố lớn đang trở thành vấn đề nóng trong xã hội. Do đó, để trợ giúp cho trẻ em và người mắc chứng tự kỷ hiệu quả, trong giai đoạn tiếp theo, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về người khuyết tật, trong đó tập trung xây dựng bộ khung tiêu chuẩn, tiêu chí để sàng lọc, đánh giá, xác định người tự kỷ. Từ đó phát triển các mô hình cung cấp các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu giáo dục, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tự kỷ.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác chăm sóc, trợ giúp cho người tự kỷ; tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh các sự kiện và hoạt động truyền thông năng cao nhận thức của cộng đồng và các cấp các ngành về vấn đề tự kỷ, chung tay bảo vệ người mắc chứng tự kỷ.