Hà Nội "tuyên chiến" với thực phẩm "bẩn"

Hà Nội "tuyên chiến" với  thực phẩm "bẩn"
Lực lượng liên ngành thành phố Hà Nội bắt giữ thực phẩm bẩn được đưa vào nội đô tiêu thụ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Lực lượng liên ngành thành phố Hà Nội bắt giữ thực phẩm bẩn được đưa vào nội đô tiêu thụ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hoàng Mai, trên địa bàn quận có hai chợ đầu mối lớn là chợ đầu mối phía Nam và chợ cá Yên Sở, chuyên cung cấp thực phấm cho thành phố.

Để tăng cường chống hàng giả và bình ổn thị trường, quận Hoàng Mai đã triển khai tháng cao điểm về An toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó tập trung rà soát các hộ sản xuất và kinh doanh trên địa bàn để làm rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Bà Oanh cho biết, quận Hoàng Mai cũng cho lập các chốt kiểm dịch hàng hóa tại gần bến xe phía Nam và rà soát các chợ cóc, chợ tạm để ngăn chặn thực phẩm bẩn tuồn vào ​nội đô.

Đặc biệt, nhằm đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là những nơi như trường học, bệnh viện... quận sẽ triển khai kiểm tra nguồn gốc các loại thực phẩm đưa vào các bếp ăn tập thể, yêu cầu chủ cơ sở phải đảm bảo hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, cũng như đủ chất dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, quận cũng đang mở rộng vùng trồng rau an toàn tại phường Lĩnh Nam để trồng các loại rau sạch theo quy trình VietGap cung cấp cho địa bàn quận.

"Thành phố cần trang bị thêm công cụ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cho các quận huyện và tăng cường cho cơ sở các cán bộ có chuyên môn sâu cũng như tổ chức tập huấn công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để kiểm tra, kiểm soát thị trường," bà Oanh nói.

Nhiều loại thực phẩm bốc mùi hôi thối bị thu giữ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Nhiều loại thực phẩm bốc mùi hôi thối bị thu giữ. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Có thể thấy, vấn nạn thực phẩm bẩn đang là nỗi lo chung của toàn xã hội, khi hàng ngày nhiều gian thương đang tìm mọi cách để đưa hàng kém chất lượng vào thị trường, tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đánh giá tình trạng trên, theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, càng gần thời điểm Tết, vấn đề thực phẩm bẩn càng nóng, liên tiếp những ngày gần đây lực lượng chức năng đã thu giữ được rất nhiều thực phẩm không rõ chất lượng từ biên giới đổ vào Việt Nam, trong số đó có nhiều sản phẩm còn dùng hóa chất để làm tươi mới rồi đưa vào các bếp ăn của người dân.

Không những thế, một số doanh nghiệp trong nước cũng vì lợi nhuận để làm ăn gian dối, đưa các chất cẩm vào sản xuất và chế biến sản phẩm sau đó tung ra thị trường là những mối nguy hại thường trực đối với người tiêu dùng.

"Lĩnh vực An toàn thực phẩm không thể lơ là và đây là nhiệm vụ trọng tâm của Quản lý thị trường trong giai đoạn hiện nay. Hiện Giám đốc Sở Công Thương đã giao Chi cục Quản lý thị trường phối hợp cùng liên ngành để kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng thực phẩm," bà Lan nói.

Theo báo cáo nhanh của Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, sau 11 tháng, lực lượng này đã kiểm tra 8.409 vụ, xử lý 7.842 vụ, trong đó vi phạm về An toàn thực phẩm là 1.207 vụ... 

Mới đây nhất, ngày 17/12, tại Hà Nội, Đội quản lý thị trường số 11(Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện và thu giữ hơn 4 tấn ruốc gà trộn bột mỳ không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng do Nguyễn Văn Thịnh (sinh năm 1983) hộ khẩu thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh làm chủ hàng.

Đối tượng này khai nhận cùng với 2 chủ hàng khác chế biến ruốc bẩn từ Thành phố Hồ Chí Minh sau đó đưa ra Hà Nội tiêu thụ cho các đầu buôn ở Thường Tín (Hà Nội). Thịt gà được chủ hàng mua tại các lò giết mổ ở đường Tân Thới Hiệp, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh với giá 40.000 đồng/kg và chế thành ruốc bán với giá 55.000 đồng/kg và có thể để 3 năm không mốc .

Trước những bức xúc trên, ông Chu Xuân Kiên, Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội khẳng định, các lực lượng liên ngành 389 của thành phố sẽ kiểm soát gắt gao các điểm sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn và từ nay đến ​Tết sẽ rà soát các cơ sở để loại bỏ các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thành phố cùng tổ chức 6 đoàn thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm để kiểm tra từ bếp ăn tập thể đến hàng quán, chợ.. đồng thời Chi cục Quản lý thị trường đề nghị Ủy ban nhân dân các quận huyện phối hợp cung cấp thông tin kịp thời các doanh nghiệp vi phạm để xử lý và thông tin rộng rãi để người dân biết.

"Cần sự vào cuộc đồng bộ của các sở ngành và doanh nghiệp để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của toàn thành phố," ông Kiên nói.
vietnam+

Có thể bạn quan tâm