Anh Phạm Bá Duy chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Nguyễn Nam - TTXVN |
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết, là huyện vùng biên và nằm trong 62 huyện nghèo nhất cả nước, Quan Sơn có địa hình bị chia cắt do núi đồi. Vì thế, huyện xác định phát triển kinh tế cho người dân, thu hút xây dựng nông thôn mới từ nguồn xã hội hóa luôn là mục tiêu cốt lõi. Để thực hiện mục tiêu này, huyện đã tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay xây dựng nông thôn mới; đồng thời thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động, thu hút đầu tư từ các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Năm 2017, huyện Quan Sơn đã hướng dẫn người dân chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, thực hiện các mô hình phát triển sản xuất mới như: mô hình trồng rau an toàn, mô hình nuôi và bảo tồn giống vịt của xã Sơn Hà... Đặc biệt, mô hình thâm canh phục tráng rừng Vầu đã làm thay đổi nhận thức của nhân dân, từ chỗ chỉ khai thác tài nguyên tự nhiên sẵn có chuyển sang đầu tư chăm sóc, thâm canh tăng năng suất, khai thác bền vững.
Hiện nay, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa gắn với nhu cầu thị trường. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển cả về số lượng và chất lượng, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, an ninh rừng ổn định.
Không chỉ nâng cao sản xuất nông nghiệp, huyện Quan Sơn còn xây mới 8 công trình từ nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới như: 2 hội trường thuộc trung tâm văn hóa xã Trung Thượng, Tam Thanh; 2 trạm y tế xã Tam Lư, Sơn Lư...
Huyện đã vận động nhân dân các bản góp tiền, ngày công để xây dựng các công trình giao thông, đường xá. Nhiều người dân bản Hẹ, xã Sơn Lư đã xây dựng các hội; mỗi hội có trên 10 hộ gia đình, cứ mỗi hộ đóng góp 3 triệu đồng/tháng để xây dựng nhà vệ sinh cho một hộ gia đình trong hội với số tiền khoảng 30 triệu đồng.
Cũng trong năm 2017, huyện Quan Sơn đã có 9/13 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 17 trường học đạt chuẩn quốc gia. Huyện cũng đã mở 4 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 104 người tham gia. Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa cũng có nhiều thay đổi và toàn huyện hiện có 87 cơ quan, đơn vị, bản được công nhận dạnh hiệu văn hóa.
Huyện Quan Sơn đã có khu xử lý rác thải tập trung theo hình thức chôn lấp và đốt, các xã chưa có khu xử lý rác thải tập trung đều có hố rác hoặc lò rác để thu gom, xử lý.
Tại xã Tam Lư, công tác xây dựng nông thôn mới đang được chính quyền, nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ, nhiều công trình giao thông, nhà văn hóa được nhân dân góp tiền, ngày công xây dựng. Với 657 hộ dân/3.074 nhân khẩu, diện tích đất nông nghiệp 219,2 ha, xã Tam Lư đã có sự phát triển mạnh về kinh tế nông nghiệp cũng như chiếm vị trí quan trọng trong kinh tế, quốc phòng, an ninh của huyện Quan Sơn.
Ông Vi Văn Piên, Chủ tịch UBND xã Tam Lư cho biết, ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh là 2,5 tỷ đồng, nhiều người dân trong xã đã đóng góp tiền xây dựng các công trình nông thôn mới với số tiền gần 26 triệu đồng với mục tiêu phấn đấu trở thành xã đầu tiên của huyện Quan Sơn đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn: Mặc dù đạt được những thành công ban đầu, nhưng công tác xây dựng nông thôn mới vẫn còn những hạn chế như: tiêu chí môi trường chưa đạt, một số tiêu chí hoàn thành chậm, việc giải ngân tiền thưởng của tỉnh, huyện cho bản nông thôn mới còn chậm, công tác tuyên truyền hạn chế... Đến thời điểm này, trung bình mỗi xã đạt 11,6 tiêu chí; đối với bản đạt 10,5 tiêu chí và có 14 bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Năm 2018, huyện Quan Sơn được hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng từ Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới và huyện sẽ chỉ đạo mỗi xã phải tăng ít nhất 2 tiêu chí trở lên, toàn huyện không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí (riêng xã Tam Lư đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018); đồng thời phấn đấu nâng bình quân 1,5 tiêu chí/thôn, bản và có ít nhất 6 bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Để thực hiện mục tiêu này, huyện Quan Sơn tập trung thu hút đầu tư xây dựng nông thôn mới từ nguồn xã hội hóa; trong đó thu hút sự đóng góp của doanh nghiệp, người dân xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường nội thôn, rãnh thoát nước, lò đốt rác, nhà vệ sinh, duy trì các mô hình phát triển kinh tế...