Zơrâm Bằng và nghề dệt thổ cẩm

Zơrâm Bằng và nghề dệt thổ cẩm
Cánh chim đầu đàn

Từ những cuộn chỉ bình thường qua đôi bàn tay khéo léo của mình, chị Bằng đã dệt nên những tấm choàng (aduông), áo (adoót), váy… với những đường nét hoa văn sắc sảo. Chị được nhiều người biết đến bởi có nhiều đóng góp vào việc giữ gìn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Cơ Tu ở thôn Công Dồn, xã Zuôih.
 
Chị Zơrâm Bằng với kỹ thuật tạo hoa văn gợn sóng trên nền thổ cẩm Cơ Tu mà chị vừa thực hiện xong. Ảnh: S.G.P
Chị Zơrâm Bằng với kỹ thuật tạo hoa văn gợn sóng trên nền thổ cẩm Cơ Tu mà chị vừa thực hiện xong. Ảnh: S.G.P

Chị Zơrâm Bằng cho biết: “Gần 99% bà con trong làng biết dệt thổ cẩm. Ngay từ hồi còn nhỏ, tôi đã quen với từng sợi bông, khung dệt do mẹ dạy cho, chủ yếu dệt những tấm choàng (aduông), adoót (áo), váy… Về sau, càng học càng thấy mê, nên tôi đã học thêm nhiều kiểu nữa để dệt được các trang phục khác và kinh nghiệm từ những người già trong làng như cách giăng chỉ sao cho khéo để tấm vải làm ra thẳng, đều mà không bị rối, cách tra cườm vào tấm vải để tạo hoa văn...”.

Theo chị Zơrâm Bằng, trước đây nhà nào cũng có khung dệt, bộ váy áo thổ cẩm được coi như là của cải của người mẹ cho con gái đi lấy chồng. Giờ không chỉ riêng tôi, mà nhiều người ở thôn Công Dồn vẫn luôn tự hào bởi những sản phẩm tự tay mình dệt nên.

Hơn 50 mùa rẫy đi qua, nhưng đôi tay Zơrâm Bằng vẫn lướt thoăn thoắt trên khung dệt. Từ đôi tay của chị, những hoa văn thổ cẩm được tạo nên, thấp thoáng hình ảnh núi rừng đại ngàn như hoa ablơm, lá atút, hoa hơma tơbang, hoa văn bằng cườm mô tả điệu múa tâng tung da dá uyển chuyển. Tạo hoa văn bằng cườm rất khó. Dệt thổ cẩm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nhưng các hoa văn hết sức tinh tế tạo thành những họa tiết đặc sắc bằng cườm trắng trên nền chàm đen thể hiện tính thẩm mỹ và tài năng sáng tạo của người phụ nữ Cơ Tu.

Thổ cẩm của người Cơ Tu thể hiện đậm sắc thái văn hóa của dân tộc, bởi nó phản ánh văn hóa truyền thống và đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Cơ Tu trên vùng Trường Sơn. Những đường nét hoa văn thổ cẩm tinh tế, độc đáo với ba màu đen, đỏ, vàng rực rỡ, bay bổng như ước mơ và khát vọng của người Cơ Tu từ bao đời nay. Màu đen tượng trưng cho đất đai mà cả cuộc đời họ gắn bó. Màu đỏ tượng trưng cho mặt trời và khát vọng. Màu vàng là ánh sáng, là sự kết hợp hài hòa của con người với trời đất.

Truyền lửa đam mê

Không chỉ biết dệt từ những chiếc áo (adoót), váy thổ cẩm thông thường, chị Zơrâm Bằng còn dệt được cả những túi xách (chơ đhung), võng, tấm rèm (ư tuốc), khăn đội đầu (chỳch), tấm đón khách, tấm điệu trẻ, dây thắt ngực (cơtờờng papỏt), tấm choàng (aduông), chiếc khăn quàng cổ, giỏ xách, khăn trải bàn… với những đường hoa văn tinh tế, đẹp mắt. Dần dà, do nhiều người hỏi mua nên chị mới nghĩ đến chuyện làm ra sản phẩm để bán.

Chị Bằng cho biết, thời gian dệt một chiếc váy, tấm tuốt mất gần một tháng, còn các thứ khác như khăn đội đầu, chiếc khăn quàng cổ, giỏ xách… có thể nhanh hơn nhưng phải rất tỉ mỉ ở khâu trang trí hoa văn nên mất 7 - 10 ngày mới hoàn thành một sản phẩm. Trung bình mỗi sản phẩm như thế bán được  100 - 650 nghìn đồng, có khi đến 1 triệu đồng. Thu nhập không nhiều, mỗi tháng trên dưới một triệu đồng nhưng gia đình chị vẫn có thể sống được bằng nghề dệt thổ cẩm.

Nhờ khéo tay nên sản phẩm của chị làm ra đẹp hơn, tinh tế hơn, bà con Cơ Tu ở các làng khác đến mua ngày một nhiều. Chị cũng có thể tạo hoa văn bằng cườm trắng với những dòng lưu niệm thêu trực tiếp lên sản phẩm một cách rất tinh tế, đường chỉ căng đều, tạo cho sản phẩm dệt thổ cẩm thêm rực rỡ và mẫu mã phong phú. Tiếng lành đồn xa, không chỉ bà con trong thôn mà nhiều khách du lịch đã tìm đến với chị.

Chị Zơrâm Bằng luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các chị em khác trong thôn về phương pháp, cách làm thế nào để dệt nên một chiếc váy đẹp, một chiếc khố, tấm choàng, chiếc khăn quàng cổ tinh tế, đầy màu sắc… Hiện chị phụ trách Chi hội phụ nữ thôn Công Dồn, nên trong các cuộc họp ở thôn chị luôn khuyến khích các cháu gái Cơ Tu học dệt, với mong muốn truyền dạy cho lớp trẻ hiểu và yêu quý nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Mỗi khi trong thôn có tổ chức thi dệt, chị đều tham gia và luôn đạt giải thưởng cao, cứ mỗi lần thi chị lại học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm trong nghề dệt và truyền niềm đam mê nghề cho các chị em khác. Vì thế, ở Công Dồn bây giờ, nghề dệt thổ cẩm truyền thống vẫn còn được lưu truyền, ban ngày lên nương, còn ban đêm rảnh rỗi, các chị lại tụ tập ở gươl làng dệt thổ cẩm để dùng trong các dịp lễ hội của buôn làng.

Bao nhiêu năm vẫn cần mẫn gắn bó với nghề và xem đó như một niềm đam mê cháy bỏng, chị Zơrâm Bằng tâm sự: “Học được nghề dệt, gìn giữ và phát triển được nghề truyền thống của dân tộc mình là vui lắm rồi, ưng cái bụng lắm rồi… Dù thu nhập không nhiều nhưng đó cũng là niềm vui vì giữ và phát huy được cái nghề của tổ tiên mình”.
Theo baoquangnam.vn

Có thể bạn quan tâm