Yên Bái ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử, nâng cao hiệu quả điều trị lao và bệnh phổi

Bác sĩ của Bệnh viên Lao và Bệnh phổi tỉnh Yên Bái thực hiện quy trình xét nghiệm Gene Xpert MTB/RIF. Ảnh: Việt Dũng – TTXVN
Bác sĩ của Bệnh viên Lao và Bệnh phổi tỉnh Yên Bái thực hiện quy trình xét nghiệm Gene Xpert MTB/RIF. Ảnh: Việt Dũng – TTXVN

Bác sĩ Vũ Anh Trường, Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Yên Bái cho biết: Với mục tiêu nâng cao chất lượng khám và điều trị, Bệnh viện tranh thủ sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án và ngành y tế để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị. Điển hình như Bệnh viện triển khai kỹ thuật mới về xét nghiệm Gene Xpert MTB/RIF, giúp chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh nhân nhiễm lao và lao kháng thuốc, nâng cao hiệu quả điều trị lao và bệnh phổi cho bệnh nhân.

Yên Bái ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử, nâng cao hiệu quả điều trị lao và bệnh phổi ảnh 1Bác sĩ của Bệnh viên Lao và Bệnh phổi tỉnh Yên Bái thực hiện quy trình xét nghiệm Gene Xpert MTB/RIF. Ảnh: Việt Dũng – TTXVN

Từ năm 2017, Bệnh viện đã thực hiện kỹ thuật mới về xét nghiệm Gene-Xpert MTB/RIF. Đây là một kỹ thuật xét nghiệm mới ứng dụng sinh học phân tử, mang tính đột phá, cho phép xác định vi khuẩn lao ở mức độ ít với độ nhạy và độ đặc hiệu cao, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân lao.

Theo thống kê của Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Yên Bái, từ khi đưa kỹ thuật xét nghiệm này vào hoạt động, số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị tăng lên rõ rệt. Riêng năm 2020, ước có hơn 3.200 lượt người đến khám bệnh; công suất sử dụng giường bệnh là 95%, bằng 103% kế hoạch đề ra.

Yên Bái ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử, nâng cao hiệu quả điều trị lao và bệnh phổi ảnh 2Kỹ thuật mới về xét nghiệm Gene Xpert MTB/RIF đã giúp chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh nhân nhiễm lao và lao kháng thuốc. Ảnh: Việt Dũng – TTXVN

Bác sỹ Đặng Thị Hòa, Trưởng khoa Lao, Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh Yên Bái cho biết: Quy trình thao tác của kỹ thuật mới về xét nghiệm Gene Xpert MTB/RIF có ưu điểm là đơn giản, cho kết quả nhanh và kết quả kép, đồng thời cho biết mẫu bệnh phẩm có vi khuẩn lao hay không, có nhiều hay ít vi khuẩn và vi khuẩn có kháng thuốc Rifamycin hay không. Kỹ thuật xét nghiệm này cho kết quả trực tiếp với bệnh phẩm đờm soi AFB dương tính có độ nhậy lên tới 98%, 72% ở những bệnh phẩm đờm soi AFB âm tính và độ đặc hiệu là 99,2%.

"Thời gian thực hiện xét nghiệm chỉ khoảng 100 phút, góp phần chẩn đoán bệnh sớm, điều trị kịp thời cho bệnh nhân kể cả lao kháng thuốc; giảm nguồn chi phí bảo hiểm y tế từ địa phương về Trung ương và chi phí cá nhân, nhân lực phục vụ từ địa phương; đồng thời hạn chế lây nhiễm lao ra cộng đồng", bác sỹ Đặng Thị Hòa nhấn mạnh.

Yên Bái ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử, nâng cao hiệu quả điều trị lao và bệnh phổi ảnh 3Khoa các bệnh về phổi của Bệnh viên Lao và Bệnh phổi tỉnh Yên Bái. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN

Ông Hoàng Văn Chung ở xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, chia sẻ: "Khi biết mình mắc bệnh lao, tôi rất hoang mang, ngại tiếp xúc với mọi người, giấu bệnh nên bệnh ngày càng diễn biến theo chiều hướng xấu. Nhờ được cán bộ y tế tư vấn, động viên, tôi xuống Bệnh viện xét nghiệm và điều trị theo đúng phác đồ nên chỉ sau hai tuần điều trị, tôi được xuất viện và được hướng dẫn dùng thuốc theo phác đồ, dưới sự theo dõi, hướng dẫn tận tình của cán bộ trạm y tế xã. Sau hơn 8 tháng điều trị, đến nay bệnh của tôi đã khỏi hẳn. Tôi rất cảm động và biết ơn sự tận tình chu đáo của cán bộ y tế Bệnh viện và của Trạm y tế xã Lâm Giang.

Đức Tưởng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm