Yên Bái: Nhiều đổi thay sau 70 năm giải phóng Nghĩa Lộ

Cánh đồng Mường Lò - Nghĩa Lộ nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXVN phát
Cánh đồng Mường Lò - Nghĩa Lộ nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXVN phát

Nghĩa Lộ (Yên Bái) là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng với bề dày truyền thống lịch sử yêu nước và cách mạng. Truyền thống đó được đánh dấu bằng chiến thắng Nghĩa Lộ 18/10/1952 - mốc son trong lịch sử cách mạng Việt Nam, mở màn cho chiến dịch Tây Bắc toàn thắng. Chiến thắng Nghĩa Lộ đã tạo tiền đề, động lực quan trọng để Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng quê hương, dành được nhiều thành tựu to lớn sau 70 năm giải phóng.

Chiến thắng mở màn chiến dịch Tây Bắc toàn thắng

Mường Lò - Nghĩa Lộ được biết đến là một trong bốn vựa lúa trù phú của miền Tây Bắc. Năm 1948 bị thực dân Pháp chiếm lại và xây dựng trở thành một trong bốn phân khu quân sự mạnh nhất ở vùng Tây Bắc. Đầu năm 1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc. Phân khu Nghĩa Lộ là mục tiêu tấn công chủ yếu, là điểm đột phá mở cửa tiến vào giải phóng Tây Bắc. Với tinh thần quyết tâm “trận đầu phải thắng”, lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân trong vùng đã tích cực vận chuyển lương thực, vũ khí, nuôi dấu cán bộ nằm vùng, phối hợp với quân chủ lực, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ kháng chiến.

Ông Đinh Văn Don, bản Ao Luông, xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ (gia đình trung kiên nuôi giấu cán bộ thời kỳ tạm chiếm) kể lại: Trước đây, nhà ông ở giữa cánh đồng, nghèo lắm nhưng vẫn luôn dành cơm gạo, thuốc men cho bộ đội mình. Khi cán bộ, bộ đội về đây ở, chưa di chuyển được, gia đình ông cũng phải che giấu để đảm bảo an toàn.

Yên Bái: Nhiều đổi thay sau 70 năm giải phóng Nghĩa Lộ ảnh 1Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ đạo phương án tác chiến đánh đồn Nghĩa Lộ năm 1952. Nguồn: yenbai.gov.vn

Chiến dịch Tây Bắc mở màn ngày 14/10/1952, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho Đại đoàn 308 nhanh chóng tiến vào bao vây chặt và tiêu diệt gọn quân địch ở Nghĩa Lộ. Đúng 20 giờ ngày 17/10, quân ta đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm Nghĩa Lộ đồi, tiêu diệt và bắt sống 400 tên địch... Rạng sáng 18/10, Trung đoàn 88 - Đại đoàn 308 nổ súng tiến công cứ điểm Nghĩa Lộ phố. Chỉ sau 2 giờ 20 phút chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ 280 tên địch, thu nhiều vũ khí, chiến lợi phẩm. Nghĩa Lộ hoàn toàn giải phóng. Chiến thắng này đã đập tan mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ sông Đà của địch, mở thông đường vào Tây Bắc, nối liền với căn cứ địa Việt Bắc; làm tiền đề thuận lợi cho các đợt chiến dịch tiếp theo; tạo thế và lực cho chiến dịch Tây Bắc toàn thắng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy.

Yên Bái: Nhiều đổi thay sau 70 năm giải phóng Nghĩa Lộ ảnh 2Tiến sỹ Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Yên Bái trao đổi với phóng viên về chiến thắng Nghĩa Lộ. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Tiến sỹ Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Yên Bái mong rằng, thời gian tới, cần tiếp tục tổ chức khảo sát, nghiên cứu hoàn thiện tư liệu về chiến dịch Tây Bắc; trong đó, tỉnh Yên Bái cần làm kỹ tư liệu của đợt 1 tiến công giải phóng Nghĩa Lộ. Tài liệu lịch sử Đảng bộ tỉnh cần viết kỹ hơn về chiến dịch Tây Bắc, làm rõ, chi tiết hơn những đóng góp của nhân dân Yên Bái phục vụ chiến dịch. Bảo tàng tỉnh cần bổ sung thêm tư liệu về chiến dịch và phần lịch sử kháng chiến trong tài liệu giáo dục địa phương...

70 năm đã trôi qua, chiến trường của trận đánh ác liệt năm xưa đã hoàn toàn thay đổi nhưng khí thế cách mạng hào hùng vẫn là nguồn cổ vũ động viên thế hệ hôm nay tiếp bước cha anh, nỗ lực chung tay xây dựng quê hương Nghĩa Lộ ngày một phát triển. Em Phan Diệp Anh, lớp 12A1, Trường Trung học Phổ thông thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) xúc động chia sẻ: Em tự hào là người con của vùng đất Nghĩa Lộ anh hùng. Em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương phát triển; xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước.

Đổi thay trên mảnh đất chiến trường xưa

Sau ngày giải phóng, Nghĩa Lộ đã nhiều lần thay đổi địa giới hành chính. Hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ có 14 đơn vị hành chính xã, phường; diện tích hơn 107 km2; dân số hơn 70.000 người với 21 dân tộc cùng chung sống. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ đã chung sức xây dựng thị xã văn hóa - du lịch, đô thị loại 3 “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Thị xã đã tập trung các nguồn lực để phát triển quy hoạch không gian đô thị; xây dựng nâng cấp các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với các tiêu chí đô thị thông minh, tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số. Địa phương đã mở rộng hệ thống giao thông liên kết vùng, xây dựng các khu đô thị thương mại hiện đại. Các thiết chế văn hóa được đầu tư đạt chuẩn quốc gia. Các trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế, bệnh viện được xây dựng khang trang đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân. Đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

Yên Bái: Nhiều đổi thay sau 70 năm giải phóng Nghĩa Lộ ảnh 3Cánh đồng Mường Lò - Nghĩa Lộ nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXVN phát

Ông Nguyễn Trọng Thông, Tổ 1, phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ phấn khởi cho biết: Sinh sống tại thị xã Nghĩa Lộ từ năm 1993, đến nay, ông nhận thấy Nghĩa Lộ có sự thay đổi rất lớn. Trước đây chỉ có 4 phường, bây giờ đã tăng thêm 10 xã, phường. Đồng thời, du lịch ngày càng phát triển mạnh, thu hút được nhiều du khách và các nhà đầu tư.

Nghĩa Lộ luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh, đúng hướng. Thương mại - dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; các ngành công nghiệp sạch phát huy được thế mạnh của địa phương. Đến nay, thị xã Nghĩa Lộ có gần 150 doanh nghiệp, 31 hợp tác xã, trên 2.500 hộ kinh doanh. Trên cánh đồng Mường Lò hôm nay, xen lẫn vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao là những mô hình trồng hoa, trồng cỏ ngọt, trồng rau an toàn đem lại giá trị cao. Những đồi chè xanh, những vườn cây ăn quả gắn với thực hiện chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) đã đưa những sản phẩm chủ lực của thị xã ra thị trường trong nước và quốc tế.

Chị Lường Thị Thiết, Chủ nhiệm Hợp tác xã An Sơn (xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ) chia sẻ: Là một doanh nghiệp xây dựng được sản phẩm OCOP, chị rất tự hào vì đã tạo được công ăn việc làm cho bà con, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Là nơi hội tụ, kết nối những giá trị văn hóa đặc sắc, từ năm 2013, thị xã Nghĩa Lộ đã thực hiện đề án thị xã văn hóa - du lịch; chú trọng nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng tổ dân phố, thôn, bản hạnh phúc, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc. Đến nay, 14/14 xã, phường của thị xã đều đã đạt xã nông thôn mới, phường văn minh đô thị.

Yên Bái: Nhiều đổi thay sau 70 năm giải phóng Nghĩa Lộ ảnh 4Đoàn đại biểu Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, thị xã Nghĩa Lộ đến dâng hương tại Di tích lịch sử Căng - Đồn, thị xã Nghĩa Lộ. Ảnh: TTXVN phát

Vừa qua, đồng bào nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái nói riêng và Tây Bắc nói chung đã vinh dự, tự hào đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể. Người dân nơi đây càng ý thức hơn việc bảo tồn, truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời khai thác các giá trị văn hóa để làm du lịch. Thị xã cũng quan tâm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; thường niên tổ chức lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò; khuyến khích các hộ làm du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Bình quân mỗi năm, thị xã đón hơn 60.000 lượt khách du lịch.

Anh Lê Trung Kiên, du khách ở thành phố Hà Nội cho biết: Đến với Nghĩa Lộ, gia đình anh rất vui và ý nghĩa; bởi vì nơi đây có di tích lịch sử Căng và Đồn Nghĩa Lộ cùng nhiều cảnh đẹp khác. Anh cùng các bạn trẻ cần có trách nhiệm hơn trong việc giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống và lịch sử hào hùng của mảnh đất Nghĩa Lộ tới những người bạn, người thân tại Hà Nội.

70 năm sau ngày giải phóng, Nghĩa Lộ đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc thị xã Nghĩa Lộ đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động Hạng nhất, hạng Nhì, hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác…

Ông Hà Văn Nam, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Nghĩa Lộ cho biết: Được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ lần thứ XIV, định hướng phát triển thị xã Nghĩa Lộ phấn đấu đến năm 2025 thị xã trở thành thị xã văn hóa - du lịch và cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại III. Để đạt được mục tiêu đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo bằng các chương trình, đề án kế hoạch cụ thể trên từng lĩnh vực; đồng thời, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn thị xã, chung sức đồng lòng để thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra.

Phát huy những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ tiếp tục đoàn kết, chung tay dựng xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng thành công thị xã văn hóa - du lịch, “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”./.

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm