Yên Bái nâng cao giá trị thương hiệu cam Lục Yên

Yên Bái nâng cao giá trị thương hiệu cam Lục Yên
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trao Giấy chứng nhận “Cam Lục Yên” cho Giám đốc HTX Cam sành Lục Yên. Ảnh: Đức Tưởng – TTXVN
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trao Giấy chứng nhận “Cam Lục Yên” cho Giám đốc HTX Cam sành Lục Yên. Ảnh: Đức Tưởng – TTXVN
Cây cam được đưa vào trồng tại huyện Lục Yên đã vài chục năm nay, tuy nhiên giống cam trước đây nay đã dần bị thoái hóa, cho năng suất thấp và nhiều sâu bệnh. Khoảng hơn 5 năm trở lại đây, huyện Lục Yên đã chuyển đổi giống cam cũ sang trồng các loại cam Vinh, V2, cam đường canh… cho quả mọng, sản lượng cao và chất lượng cũng tốt hơn giống cam cũ. Gia đình ông Đỗ Đình Tú, ở Bãi Nước ngập, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên có hơn 1,5 ha diện tích cam Vinh, cam đường canh, phật thủ, mỗi năm gia đình ông thu về được hơn 400 triệu đồng. Theo ông Tú, lúc đầu trồng các giống cam mới rất vất vả do chưa quen cách chăm sóc, bón phân theo đúng yêu cầu kỹ thuật nên sản lượng không cao. Nhưng bây giờ thì không những sản lượng cao mà việc chăm sóc cũng nhàn hơn vì đã có nhiều kinh nghiệm. Ông Tú chia sẻ, gia đình ông trồng cam được 4 năm nay, nhờ trồng cam mà gia đình có thu nhập ổn định hơn; trước đây, toàn bộ diện tích vườn của gia đình cũng chỉ trồng ngô, sắn, chuối hiệu quả kinh tế thấp. Hiện ông không chỉ tập trung chăm sóc cam, mà ông còn phát triển thêm diện tích để trồng cây phật thủ, mỗi cây mỗi loại sẽ hạn chế rủi ro hơn.
Người trồng cam Lục Yên giới thiệu cam với khách hàng. Ảnh: Đức Tưởng – TTXVN
Người trồng cam Lục Yên giới thiệu cam với khách hàng.
Ảnh: Đức Tưởng – TTXVN
Còn gia đình ông Đỗ Văn Chiến, Bãi Nước ngập có 100 gốc cam đường canh, năm nay giá cam bán tại vườn với giá 20.000 đồng/kg, dự kiến thu về được khoảng gần 200 triệu đồng. Đối với bà con ở Bãi Nước ngập, trước đây khi nói đến vài chục triệu đồng cũng chẳng ai dám nghĩ tới, nhưng nay những hộ trồng cam, mỗi năm thu về ít nhất cũng phải được từ 100 triệu đồng trở lên. Theo ông Chiến, để cây cam được năng suất, hiệu quả cao cần chọn được cây giống có nguồn gốc, cây khỏe; khi trồng khoảng cách giữa các cây đảm bảo ánh sáng thì quả mới ngọt, đặc biệt cần lưu ý về phân bón, chủ yếu là bón phân hữu cơ, các loại phân chuồng để cam ra hoa và đậu quả tốt, cách bón phân phải theo từng giai đoạn một, chứ không thể bón phân tràn lan có như vậy cam mới đạt năng suất, quả mọng. Ông Hoàng Sơn Trường, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thế cho biết, đối với cây ăn quả có múi, đặc biệt là cây cam, là một trong hai sản phẩm chủ lực, đặc trưng có thế mạnh, mang lại hiệu quả cao cho người dân địa phương. Thời gian qua, thị trấn cũng đã khuyến khích nhân dân chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng các giống cam mới với năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, thay thế những diện tích cam giống cũ đã thoái hoá, năng suất thấp. Thị trấn cũng tập trung tuyên truyền cho bà con đăng ký trồng cam theo hướng an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP nhằm tạo đầu ra ổn định, giá thành cao; đến nay thị trấn cũng đã xây dựng được hơn 8 ha cây ăn quả có múi đăng ký theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện nay, thị trấn Yên Thế có 44 ha diện tích cây ăn quả có mú; trong đó tập trung chủ yếu ở Bãi Nước ngập 35 ha. Đặc biệt, vào đầu năm 1990 Bãi Nước ngập là nơi khai thác đá quý của Công ty B.H Thái Lan chuyên về khai thác mỏ. Sau khi công ty này dừng khai thác, bà con nơi đây đã cải tạo đất trồng các loại cây lâm nghiệp, khoảng hơn 10 năm trở lại đây người dân chuyển hướng sang trồng cây cam và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân. Xã Mường Lai cũng là một trong những địa phương có diện tích cam lớn của huyện Lục Yên, đặc biệt là cam Vinh. Ông Triệu Văn Huấn, Phó Bí thư Đảng bộ xã Mường Lai cho biết, thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhân dân xã Mường Lai đã đưa giống cam Vinh vào sản xuất bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, cam Vinh đã trở thành cây trồng thế mạnh, làm giàu cho nhiều hộ gia đình nơi đây. Điển hình là gia đình ông Nông Văn Ba, thôn 5, xã Mường Lai, trung bình mỗi năm ông xuất bán được trên 10 tấn quả, trừ chi phí ông thu về được hơn 100 triệu đồng. Hiện toàn xã có gần 60 ha diện tích cam phát triển tốt và mang lại hiệu quả, trong đó có 47 ha đang cho thu hoạch với tổng sản lượng gần 1.000 tấn quả. Theo người trồng cam nơi đây, cam Vinh cho thu hoạch từ tháng 9 và kéo dài đến tháng 11 âm lịch; trồng cam không khó, nhưng đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt về kỹ thuật. Mỗi sào chỉ trồng được khoảng 20-22 gốc cam, sau 3 năm cam sẽ cho thu hoạch đợt quả đầu tiên. Nếu chăm bón tốt, cây cam có thể cho thu quả liên tục từ 15 - 20 năm mới phải trồng lại. Ông Tăng Kết Dư, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên cho biết, cây ăn quả có múi là một trong những cây trồng mũi nhọn của huyện với diện tích hơn 870 ha; trong đó, diện tích cam 720 ha, còn lại là bưởi và quýt, tập trung nhiều ở các xã Mường lai, Tân Lĩnh, Khánh Hòa, Yên Thắng, thị trấn Yên Thế… Hiện toàn huyện có trên 600 ha diện tích cây ăn quả có múi đang cho thu hoạch, với giá trị thu về trên 55 tỷ đồng. Năm 2017, huyện Lục Yên được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Cam Lục Yên”, đây là điều kiện để cam Lục Yên vươn xa ra thị trường. Nhằm phát huy giá trị cây cam và xây dựng thương hiệu cam Lục Yên vững chắc trên thị trường, thời gian tới ngành nông nghiệp huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ trồng cây ăn quả có múi theo Đề án tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh; duy trì diện tích cam hiện có, không mở rộng thêm diện tích mà chỉ tập trung vào chăm sóc, nâng cao chất lượng cam, khuyến khích người dân tham gia phát triển cam theo hướng VietGAP để có đầu ra ổn định. Huyện cũng tăng cường đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn gắn với thị trường; cùng với đó, khai thác hiệu quả nhãn hiệu tập thể cam Lục Yên để nâng cao giá trị sản phẩm.
Việt Dũng – Đinh Thùy

Có thể bạn quan tâm