Ý thức, trách nhiệm công dân - “Lá chắn thép” trong phòng, chống dịch COVID-19

Cư dân ngồi giãn cách đợi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trong sáng 11/8. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Cư dân ngồi giãn cách đợi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trong sáng 11/8. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 với sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi cả hệ thống chính trị đang “căng mình" chống dịch, các cấp, các ngành vào cuộc quyết liệt, khẩn trương thì đâu đó vẫn còn những cá nhân có tâm lý lơ là, chủ quan, vi phạm quy định của cơ quan chức năng, thậm chí chống đối lực lượng làm nhiệm vụ. Hơn lúc nào hết, tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi người dân phải đặt lên hàng đầu, được coi là “lá chắn thép” trong phòng, chống dịch, góp phần phòng ngừa và đẩy lùi dịch bệnh.

Ý thức, trách nhiệm công dân - “Lá chắn thép” trong phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1 Cư dân ngồi giãn cách đợi lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trong sáng 11/8. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Có thể nói, trải qua 3 đợt dịch, câu chuyện ý thức, trách nhiệm công dân được nhắc đến nhiều nhưng vẫn còn không ít trường hợp vi phạm, những hành vi thiếu ý thức trong đợt dịch thứ 4 này.

Vài ngày trước, mạng xã hội lan truyền đoạn video ghi lại hình ảnh một nam thiếu niên chở bạn gái ra ngoài đường không có lý do chính đáng đã bị cán bộ chốt kiểm soát yêu cầu dừng xe kiểm tra giấy tờ. Tuy nhiên, nam thiếu niên lại tỏ thái độ bất hợp tác, liên tục chửi bới xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ. Sự việc trên xảy ra tại phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Được biết, thiếu niên này sinh năm 2003. Công an phường Thanh Xuân Nam đã ra quyết định xử phạt hành chính người này về hành vi ra đường không có lý do chính đáng và xúc phạm, lăng mạ danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ, không đội mũ bảo hiểm; xe không gắn biển kiểm soát...

Bất chấp chỉ thị về giãn cách xã hội, để né lực lượng kiểm tra, một số người dân thành phố Hà Nội đã luồn lách vào những nơi không có chốt kiểm soát, chạy bộ, đạp xe từ lúc 3-4 giờ sáng, vì tin rằng lúc này khó bị phát hiện và xử phạt. Trong khi đó, tại một số địa phương, có hiện tượng lén lút tụ tập, "bay lắc" trong các quán karaoke dù đã có chủ trương tạm dừng các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu để phòng dịch.

Đáng lên án hơn là vì lợi ích trước mắt, một số đối tượng đã tiếp tay cho các đối tượng vượt biên trái phép hoặc vượt chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phố. Phương thức được nhiều đối tượng lợi dụng là thuê hoặc đi nhờ các phương tiện được ưu tiên (luồng xanh) để ra, vào các địa phương.

Ngày 1/8, hai tài xế P.T.B và N.V.S (thường trú tại phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa, Đắk Nông) đã lợi dụng xe được cấp QR code đi vào luồng xanh từ Thành phố Hồ Chí Minh về Đắk Nông để chở trái phép 10 thanh niên “vượt trạm” kiểm soát và bị lực lượng chức năng phát hiện. Ngày 31/7, lực lượng kiểm soát dịch bệnh khu vực chân cầu Nghìn (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) cũng phát hiện nhiều xe container chở theo người về từ vùng tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Ngay sau đó, lực lượng phản ứng nhanh Hải Phòng đã giao cho Bệnh viện Hữu Nghị Việt Tiệp lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và đưa các trường hợp này đi cách ly tập trung.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên chỉ rõ, việc lái xe lợi dụng được cấp mã QR đi vào luồng xanh chở người sai quy định, đi sai lộ trình… thể hiện việc thiếu ý thức, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Điều này tiềm ẩn rủi ro nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh. "Lái xe đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người nên nếu không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch khi tham gia luồng xanh thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao", ông Liên nhấn mạnh.

Đây chỉ là một vài trường hợp vi phạm xảy ra trong thời gian gần đây, xuất phát từ ý thức và hành động của cá nhân nhưng tác động không nhỏ đến cả xã hội. Trong bối cảnh virus còn nhiều khả năng "biến hóa", chưa có thuốc đặc trị và nguồn vaccine khan hiếm thì sự chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch xuất phát từ sự thiếu ý thức của một vài cá nhân cũng có thể dẫn đến cái giá rất đắt, phải trả bằng sinh mạng và sức khỏe con người, chưa kể đến những thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội.

Câu chuyện về tiếp viên D.V.H. (BN1342) của Vietnam Airlines vi phạm quy định cách ly, tiếp xúc với đồng nghiệp, bạn bè, người thân trong quá trình cách ly tập trung và tại nơi cư trú, khiến lây nhiễm bệnh cho người khác, hay vụ việc ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà Hà Nội vi phạm quy định phòng, chống dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng... vẫn còn nguyên tính thời sự. Do đó, hơn lúc nào hết, tinh thần trách nhiệm, ý thức, sự tự giác của mỗi người dân là rất quan trọng, được xem là yếu tố quyết định đến sự “thành bại” của cuộc chiến “chống dịch như chống giặc”.

Người dân cần tin tưởng vào các quyết sách của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp; thực hiện nghiêm quy định về khai báo sức khỏe; cung cấp thông tin liên quan trung thực, chính xác; tự giác thực hiện những biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đặc biệt là nguyên tắc 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế).

Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những giải pháp để nâng cao ý thức của cộng đồng trong phòng, chống dịch hiện nay là tăng cường tuyên truyền để tạo sự thẩm thấu theo quá trình và áp dụng hình thức xử phạt nghiêm, nặng để răn đe. Theo đó, cần đưa những câu chuyện làm gương trong các hoạt động này để tăng độ thẩm thấu về ý thức tích cực, học theo của cộng đồng. Đồng thời, cũng đưa ra những vụ việc bị xử phạt khi người dân không chấp hành quy định để tăng tính răn đe. Khi được cung cấp nhiều thông tin chính xác, rõ ràng thì người dân sẽ có sự cân nhắc, phân tích thiệt hơn. Một khi thấy "thiệt" nhiều hơn thì người dân sẽ nâng cao ý thức chấp hành.

Không ai có thể riêng mình sống yên ổn nếu như cộng đồng còn chưa an toàn. Chỉ khi mỗi người dân có ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch; có tinh thần trách nhiệm chung sức, đồng lòng cùng Nhà nước chống dịch, mới tạo nên sự đoàn kết thống nhất, tạo "lá chắn" vững chắc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, sớm đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.

Phan Phương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm