Ý thức bảo vệ môi trường của đồng bào M’nông

Ý thức bảo vệ môi trường của đồng bào M’nông

Ý thức bảo vệ môi trường của đồng bào M’nông
Theo ý kiến của một số già làng, người am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc thì ý thức bảo vệ môi trường của người M’nông được thể hiện rõ nhất trong một số nghi lễ truyền thống như Lễ cúng phát rẫy, Lễ cúng thần rừng...
 
Đồng bào M’nông làm rẫy theo hình thức luân canh để bảo vệ rừng. (Ảnh phục dựng lại Lễ cúng phát rẫy ở bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh,Tuy Đức, Đắk Nông)
Đồng bào M’nông làm rẫy theo hình thức luân canh để bảo vệ rừng. (Ảnh phục dựng lại Lễ cúng phát rẫy ở bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh,Tuy Đức, Đắk Nông)
Ngày xưa, việc khai phá rừng lập làng hay làm nương rẫy đều do già làng, người có uy tín đảm nhiệm. Rừng được khai phá không được là rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh, rừng gỗ quý và nếu xâm phạm sẽ bị thần linh quở phạt gây lũ lụt hoặc hạn hán...

Khi đốt rẫy, đồng bào luôn có ý thức bảo vệ khu rừng xung quanh bằng cách dọn sạch những cành củi khô, cỏ úa, tạo nên khoảng trống giữa rẫy của mình với các khu vực khác, tránh không để lửa đốt rẫy lan rộng, gây nên cháy rừng, bởi cháy rừng sẽ bị thần linh trừng phạt, cộng đồng xét xử.

Bởi vậy, trong luật tục của mình, đồng bào M’nông còn lưu truyền một số quy định về tội làm cháy rừng như: Chòi bị cháy chỉ một người buồn/Nhà bị cháy cả buôn phải buồn/Rừng bị cháy mọi người đều buồn.../Rừng bị cháy mà không dập tắt/Người đó sẽ không có rừng/Người đó sẽ không có đất/Làm nhà đừng dùng cây nữa/Làm chòi đừng dùng cây nữa...

Tương tự, việc bảo vệ nguồn nước cũng được người M’nông đặc biệt chú trọng. Đồng bào cho rằng, mỗi bến nước đều có một vị thần nước cai quản, nếu bị uế tạp, mất vệ sinh sẽ làm thần linh nổi giận và gây ra dịch bệnh để trừng phạt dân làng. Hơn nữa, sông, suối là nơi cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho cộng đồng nên đồng bào thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh, gìn giữ cho bến nước luôn sạch sẽ, trong lành. Ngày nay, mỗi dịp đầu năm mới và khi có điều kiện, đồng bào lại quyên góp tiền mua lễ vật để tổ chức Lễ cúng bến nước với mong muốn cầu thần nước cho dân làng đủ nước sinh hoạt, tưới cho cây cối, hoa màu…

Mặt khác, nước là môi trường lý tưởng để cho các loài thủy sản như ốc, tôm, cá... sinh sống, cung cấp thức ăn cho bon làng nên việc đánh bắt cũng được đồng bào thực hiện một cách rất riêng, rất độc đáo. Với ý thức bảo vệ môi trường và không tận diệt nguồn lợi thủy sản, đồng bào chỉ đánh bắt cá bằng các ngư cụ truyền thống như nơm, dẹp, rớ, vó…Ý thức bảo vệ nguồn lợi của sông, suối được lưu truyền bởi những câu nói như: Bắt con ếch phải chừa con mẹ/Bắt con cá phải chừa con mẹ/Chặt cây tre phải chừa cây con/Đốt tổ ong phải chừa ong chúa…

Do cuộc sống gắn bó với núi rừng, sông, suối, nên người M’nông đã biết sáng tạo cách đánh bắt cá bằng thuốc từ vỏ cây. Theo đó, đồng bào vào rừng kiếm vỏ, rễ cây có chất độc về giã nhuyễn, trộn thêm một số chất khác để làm thuốc bắt cá. Khi thả loại thuốc đánh cá này xuống khu vực muốn đánh bắt sẽ làm cho đàn cá bị say và nổi lên mặt nước. Khi đó, đồng bào chỉ cần lấy vợt vớt cá và mang về sử dụng.

Tuy nhiên, việc thuốc cá bằng vỏ cây, ngoài cá lớn thì cũng làm cho các loài cá nhỏ say và nổi lên mặt nước, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Vì vậy, luật tục M’nông nghiêm cấm việc đánh bắt cá bằng thuốc, ai vi phạm sẽ bị bon làng xử phạt theo quy định.

Song song, việc bảo vệ các loài động vật quý hiếm như voi, tê giác… cũng được đồng bào thực hiện nghiêm túc. Với đồng bào M’nông, voi không chỉ là một tài sản lớn mà còn là người bạn thân thiết trong gia đình. Vì vậy, đồng bào săn voi để thuần dưỡng, phục vụ cho nhu cầu sức kéo của gia đình, nhưng luôn chú ý chăm sóc chu đáo, cẩn thận để voi khỏi bị ốm, chết. Nếu có một rủi ro nào đó xảy ra với voi thì thần sẽ trừng phạt cả bon làng.

Đối với những người nuôi voi cũng như những người thuần dưỡng voi phải thực hiện những kiêng kỵ theo tục lệ quy định như: Không ăn thịt voi, không dùng những đồ làm bằng da voi, không ăn muối tro, không vào nhà có người mới sinh hoặc người chết chưa được một năm… Nếu không tuân thủ những quy định trên thì voi sẽ ốm đau, phá phách, điên loạn và nếu không cúng, chữa kịp thời thì nó sẽ chết hoặc phản lại chủ.

Mỗi khi voi nhà bị ốm thì chủ voi phải làm lễ cúng cho voi khỏi bệnh. Voi chở nặng, kiệt sức, chủ voi phải làm lễ xin lỗi voi vì đã bắt voi làm quá sức. Chủ voi còn phải làm lễ cưới cho voi. Khi voi chết, phải làm tang lễ, làm nhà mả như đối với người.

Có thể thấy, cũng từ ý thức bảo vệ môi trường nên ngày nay, đồng bào M’nông ở các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì, thực hiện một số nghi lễ liên quan đến việc bảo vệ môi trường như Lễ cúng bến nước, Lễ cúng thần rừng, Lễ cúng thần khi thuốc cá… Qua đó, thế hệ trước truyền lại các luật tục và răn dạy thế hệ trẻ gìn giữ môi trường trong sạch, lành mạnh hơn.   
Theo baodaknong.org.vn

Có thể bạn quan tâm