Xứng đáng là nơi trao gửi niềm tin của người dân - Bài 1

Xứng đáng là nơi trao gửi niềm tin của người dân - Bài 1

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, một đô thị lớn, đầu tàu kinh tế của cả nước cùng với sự đa dạng về dân cư, dân tộc, tôn giáo đan xen. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng trong tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân. Các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động hướng mạnh về cơ sở đã huy động, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả mang tính thiết thực được nhân rộng, lan tỏa. Song song đó, công tác giám sát, phản biện xã hội đã trở thành hoạt động đột phá của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, là phương thức hiệu quả phát huy quyền làm chủ của nhân dân góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền các cấp thành phố trong sạch, vững mạnh.

 Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 -18/11/2020), TTXVN xin giới thiệu chùm 4 bài viết về những cán bộ, gia đình có nhiều cống hiến cho công tác mặt trận cũng như những mô hình, cách làm hiệu quả và những đột phá công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tại Thành phố Hồ Chí Minh; phát ngày 17-18/11.

Bài 1: Những cán bộ mặt trận nhiệt huyết

 Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 1.993 Ban Công tác Mặt trận khu phố, ấp, trong đó có hai Ban Công tác Mặt trận được thành lập ở khu chung cư mới. Ngoài việc triển khai các nhiệm vụ, chủ trương của Mặt trận đến với người dân, Ban Công tác Mặt trận khu phố, ấp tập trung vào công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân, nhất là những đối tượng người nghèo, gặp khó khăn trên địa bàn. Đóng góp vào thực hiện tốt vai trò này, không thể không nhắc đến những cán bộ mặt trận “cần mẫn, tận tuỵ” hàng ngày, luôn là cầu nối quan trọng giữa chính quyền với người dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Xứng đáng là nơi trao gửi niềm tin của người dân - Bài 1  ảnh 1Bà Lê Thị Tuyết Vân, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố 2, phường Cầu Kho, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Xuân Khu - TTXVN

 
Gõ cửa từng nhà, đến từng người

 Sau 17 năm làm công tác Mặt trận tại cơ sở, bà Lê Thị Tuyết Vân, sinh năm 1965, Trưởng Ban Công tác Mặt trận khu phố 2, phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh nắm rõ tình hình từng khu vực, từng gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 14 tổ dân phố của khu phố 2. Người dân khu phố 2 đã quen với hình ảnh người nữ cán bộ Mặt trận xông xáo, nhiệt tình “gõ cửa từng nhà, đến với từng người” để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Nhà nước, vận động tham gia các phong trào do Mặt trận khởi xướng.

Là một người đã sinh sống lâu năm, quen thuộc địa bàn lại có một thời gian làm công tác Tổ dân phố, bà Vân luôn có sự thông hiểu, sâu sát, đồng cảm với bà con trong khu phố. Bà  dành nhiều thời gian thăm hỏi, chia sẻ tìm hiểu từng hoàn cảnh và đứng ra đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội duyệt chi cho bà con vay tiền để làm vốn kinh doanh, giải quyết những khó khăn về tài chính. Đồng thời, bà đứng ra chịu trách nhiệm làm cầu nối, động viên giám sát quá trình trả nợ Ngân hàng của người vay.

Bà Vân chia sẻ: “Với những bà con nghèo, khó khăn về đồng vốn khi được vay đúng thời điểm là một sự hỗ trợ vô cùng lớn đối với họ; giúp họ thoát khỏi cảnh “giật gấu vá vai”, sa vào sự túng quẫn do phải vay tín dụng “đen”. Chính vì vậy, họ rất biết ơn, cố gắng làm ăn để dành dụm trả nợ Ngân hàng đúng hạn”.

Bằng uy tín, sự nhiệt tâm của mình, bà Vân đã gây dựng được một hệ thống các nhà hảo tâm, phần lớn là những người đã và đang sống tại khu phố sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người trong diện chính sách tại địa phương. Hàng năm, nguồn quyên góp từ các nhà hảo tâm đã giúp hàng chục người trong khu phố mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; cung cấp học bổng hỗ trợ cho các học sinh nghèo hiếu học; hỗ trợ gạo hàng tháng cho hộ nghèo, tiền thuốc cho người bị bệnh nan y có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Chia sẻ về công việc của mình, bà Vân tươi cười: Là người mặt trận phải luôn làm việc vì cái tâm, dành nhiều thời gian với vô vàn những việc liên quan đến người dân. Bản chất của công tác mặt trận là phải đến tận nơi, tìm hiểu rõ ngọn ngành để tìm được sự đồng cảm, nhất trí của người dân”.

Không chỉ vậy, bằng tâm huyết, hết lòng vì cộng đồng, bà Vân cũng là cầu nối, nơi trao gửi nguyện vọng của người dân với chính quyền. Thực hiện vai trò giám sát, phản biện của tổ chức Mặt trận cơ sở, tại các cuộc họp, trao đổi với các ngành chức năng của phường, thẳng thắn phản ánh những ý kiến của người dân về tình hình vệ sinh, môi trường, an ninh trật tự, trật tự xây dựng… tại địa bàn và theo dõi quá trình giải quyết vụ việc để trả lời với người dân. Nhờ vậy, những năm qua, người dân khu phố 2 đã dành rất nhiều sự tin yêu, đồng cảm với bà Vân, tự giác chung tay cùng thực hiện các chương trình, phong trào thi đua yêu nước do tổ chức Mặt trận phát động.

Gắn bó với lòng nhiệt huyết

 Bén duyên với công tác Mặt trận khá muộn, bắt đầu từ năm 2014, nhưng bà Lý Mai Anh, (sinh năm 1961, dân tộc Hoa), Phó Ban Công tác Mặt trận khu phố 1, phường 15, Quận 5 nhận được sự tín nhiệm rất cao của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương. Với sự  nhiệt tình, gần gũi của mình, bà Mai Anh không chỉ khiến người dân khu phố 1 mà cả cộng đồng người Hoa trong khu vực chợ phụ tùng xe gắn máy Tân Thành, nhất là người nghèo, neo đơn, học sinh có hoàn cảnh khó khăn quý mến, tin tưởng.

Xứng đáng là nơi trao gửi niềm tin của người dân - Bài 1  ảnh 2Chị Lý Mai Anh (đứng), Phó Ban công tác mặt trận khu phố 1, phường 15, Quận 5 phát biểu tại buổi họp mặt của Chi hội Phụ nữ khu phố 1 nhân ngày Gia đình Việt Nam. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Với vai trò của mình, bà Lý Mai Anh luôn luôn tích cực, xông xáo có mặt trong nhiều hoạt động của địa phương, từ công tác tuyên truyền về an ninh trật tự, phòng, chống ma túy, cháy nổ trong cộng đồng người Hoa, hay vận động các hộ tiểu thương, mạnh thường quân, cộng đồng xã hội chung tay chăm lo trẻ em nghèo, người neo đơn, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt là chuyển hóa địa bàn có nhiều con hẻm, khu vực chợ Tân Thành nhếch nhác, lộn xộn, mất an ninh trật tự thành khu phố khang trang, sạch đẹp, vệ sinh, an toàn, an ninh trật tự, khu chợ văn minh, nghĩa tình.

Nhớ lại thời điểm được tín nhiệm giao tham gia công tác Mặt trận, bà Mai Anh chia sẻ: “Đó là thời điểm hạnh phúc song cũng gắn liền với trách nhiệm lớn, nhất là với phụ nữ dân tộc Hoa như mình. Giảm bớt việc mua bán, chăm sóc gia đình, mẹ già để dành thời gian cho những cuộc họp, tổ chức các hoạt động hay triển khai các phong trào tại địa phương; đưa các chủ trương, chính sách đến với người dân, cộng đồng người Hoa…”.

Vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, bằng nỗ lực, nhiệt tình, bà Mai Anh dần quen với công việc mới. Hàng năm, bà cùng các thành viên tiến hành khảo sát, họp đánh giá lại tình hình các nhu cầu chăm lo các hộ dân trên địa bàn, lên kế hoạch tổ chức chăm lo cho từng trường hợp cụ thể; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường, vận động các thành viên Ban Công tác Mặt trận khu phố thực hiện tốt công tác vận động chăm lo các hộ dân thuộc diện khó khăn, già yếu, neo đơn. Cùng với cấp ủy Chi bộ xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới”, “mô hình 5+1”; xây dựng địa bàn không có đối tượng tái hòa nhập cộng đồng, khu phố, chợ không xảy ra trộm cắp vặt.

Điều bà Mai Anh làm được là tạo dựng được niềm tin, xây dựng hình tượng người cán bộ Mặt trận có uy tín trong cộng đồng. Đó là việc gắn kết giữa các thành viên Ban Công tác với nhân dân trong khu phố cùng đoàn kết quyết tâm xây dựng hẻm xanh - sạch - đẹp; tạo môi trường, cảnh quan thông thoáng, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ...

Để có thể gắn bó với công tác Mặt trận, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, theo bà Mai Anh đó là có sự tin tưởng, quan tâm, động viên của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương, đặc biệt là sự thấu hiểu, chia sẻ của chồng con. “Tuy có đôi lúc dỗi hờn, song ông xã mình cũng dành nhiều thời gian để đưa đón, phụ giúp tổ chức các hoạt động phong trào, chăm lo cho người già, người neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, ngày hội đại đoàn kết của khu phố... Đó chính là niềm hạnh phúc lớn nhất, ngoài mong đợi của tôi”, bà Mai Anh chia sẻ.

Đồng hành, sẻ chia với người dân

 Sinh ra ở tỉnh Thái Bình, nhưng bà Nguyễn Thị Nga (1961) bén duyên với mảnh đất này từ năm 1978, lập nghiệp ở phường 15, Quận 5. Vốn dĩ là thợ đúc, sau đó học trung cấp kế toán và làm tại Tổng Công ty Ba Son cho đến khi sức khỏe không còn ổn định. Bà xin nghỉ về nhà mở cửa hàng mua bán phụ tùng xe ô tô, rồi bén duyên với công tác Mặt trận từ năm 2000.

“Mình luôn trải lòng với mọi người, nghĩ tới người nghèo; nhìn từ bà con sinh sống để đồng hành và hành động, sẻ chia”. Đó cũng là lý do bà Nga luôn tin tưởng công tác Mặt trận đóng vai trò thật sự quan trọng đối với chính quyền và nhân dân, nhất là trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Với bà Nga, công tác Mặt trận phải xuất phát từ người dân, là san sẻ những khó khăn, vất vả, là niềm vui thấy được nhiều người cùng hạnh phúc. Cán bộ làm công tác Mặt trận cần biết cách quan sát, lắng nghe tiếng nói của người dân để đưa các hoạt động, phong trào gắn với lợi ích sát sườn của người dân, là vận động toàn dân cùng tham gia xây dựng phố phường sạch đẹp, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Trong quá trình công tác, bà Nga đã thành lập mô hình hỗ trợ vốn không lãi cho hộ cận nghèo đã phát vay cho 20 hộ với tổng số tiền trên 500 triệu đồng; giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà tình thương. Bà tham gia bảo trợ thường xuyên cho trường hợp khó khăn, neo đơn; hàng năm tặng 10 suất học bổng, dụng cụ học tập cho trẻ em nghèo hiếu học; thăm hỏi tặng quà các gia đình khó khăn, người tàn tật nhân dịp lễ, Tết. Bà cùng với Ban Công tác Mặt trận khu phố đã vận động mạnh thường quân ủng hộ hàng ngàn kg gạo, đóng góp Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”; thi công làm mới nhiều con hẻm, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho hộ có hoàn cảnh khó khăn…

Để làm được điều đó, bà Huỳnh Thị Thanh Mỹ Xuyên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường 15 cho rằng, bà Nga đã bám sát địa bàn, hiểu từng người, từng hộ, từng hoàn cảnh, điều kiện sống, thu nhập nhằm giúp cho công tác chăm lo hiệu quả và thiết thực hơn. Bà và Ban Công tác Mặt trận khu phố luôn quan tâm động viên, tạo nhiều điều kiện, động lực, khơi dậy ý chí thoát nghèo, góp phần tạo nên thành công chung trong công tác giảm nghèo tại địa phương.

Gắn với công tác Mặt trận nhiều năm, bà Nga chia sẻ: Niềm vui chính là giúp được người trong lúc hoạn nạn, động viên giúp người gặp khó khăn và hơn hết là hạnh phúc được chồng con đồng tình ủng hộ. Không những thế, gia đình bà luôn đi đầu trong các hoạt động phong trào, chung tay xây dựng cuộc sống cộng đồng, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị…

Theo bà Nga, bí quyết thành công trong công tác Mặt trận không chỉ tạo dựng niềm tin với cộng đồng dân cư mà còn xây dựng được lực lượng nòng cốt trong hội, đoàn, tổ dân phố, cụ thể hóa các tiêu chuẩn để mọi người cùng thực hiện.

Đây là lực lượng chân rết, là cánh tay nối dài của Ban Công tác Mặt trận trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước; thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở; giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức nhà nước; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư”, bà Nga bộc bạch.

Có thể nói, dù ở cương vị công tác nào, muốn làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, người cán bộ Mặt trận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Họ không chỉ đóng khung trong 8 giờ làm việc hành chính, mà phải dành thời gian ngoài giờ, thứ Bảy, Chủ nhật để đi xuống từng khu dân cư, từng điểm sinh hoạt cộng đồng, để cùng trăn trở với những băn khoăn, lo lắng của nhân dân, cùng chia sẻ với những hoàn cảnh, chuyện đời của nhân dân./.

Bài 2: Những “gia đình” Mặt trận

 Xuân Khu - Thanh Vũ - Hoàng Tuấn

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm