Xuất khẩu nông lâm sản chế biến của Yên Bái năm 2022 tăng 270% so với năm 2021

Phát triển sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Yên Bái. Ảnh : Đức Tưởng - TTXVN
Phát triển sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Yên Bái. Ảnh : Đức Tưởng - TTXVN

Năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Yên Bái có nhiều khởi sắc, lượng hàng hóa nông lâm sản chế biến xuất khẩu tăng đột biến, thị trường mở rộng.

Xuất khẩu nông lâm sản chế biến của Yên Bái năm 2022 tăng 270% so với năm 2021 ảnh 1Phát triển sản phẩm OCOP góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh Yên Bái. Ảnh : Đức Tưởng - TTXVN

Tuy nhiên, cũng gặp một số khó khăn, bất lợi như: lạm phát, tỷ giá và lãi suất tăng, hậu quả của đại dịch COVID-19, giá nguyên vật liệu tăng cao... làm sụt giảm năng lực sản xuất hàng xuất khẩu một số doanh nghiệp.

Đặc biệt, xung đột quân sự trên thế giới diễn ra khiến chuỗi cung ứng trên thị trường bị đứt gãy, nhiều đơn hàng xuất khẩu bị cắt giảm.

Thống kê của Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho thấy, giá trị xuất khẩu của Yên Bái đạt 297,3 triệu USD, tăng 31% so với năm 2021 (tương đương 71 triệu USD). Chỉ số sản xuất của 10/17 ngành công nghiệp cấp 2 tăng cao so với cùng kỳ, phần lớn là hàng hóa xuất khẩu.

Tiêu biểu nhóm nông lâm sản chế biến đạt 109,69 triệu USD, tăng 270% so cùng kỳ; nhóm công nghiệp chế biến khoáng sản đạt 86,15 triệu USD; nhóm sản phẩm may mặc đạt 66,76 triệu USD; nhóm sản phẩm hạt nhựa, chất dẻo đạt 34,92 triệu USD.

Một số sản phẩm xuất khẩu chính có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ, đó là tinh bột sắn tăng 45,6%; quần áo các loại tăng 81,1%; gỗ dán tăng 30,3%; sản phẩm từ đá tăng 46%; gỗ thanh tăng 42%; chế biến gỗ và vàng mã tăng 15,2%; sản xuất hạt nhựa tăng 17,8%... Một số hàng hóa có giá trị xuất khẩu giảm, không ổn định, như chất dẻo, tinh dầu quế, gạo đặc sản, tinh quặng sắt...

Ông Vũ Vinh Quang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết, đạt được kết quả trên, phải kể đến khả năng thích nghi, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp. Cùng đó, ngành công thương Yên Bái thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp về thủ tục hải quan, thông tin thị trường xuất khẩu, chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu... Nhất là thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa theo chiến lược của tỉnh đã phê duyệt.

Năm 2022, ngành công thương tỉnh Yên Bái tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu quảng bá, giới thiệu sản phẩm và giao dịch trên các sàn thương mại điện tử. Đến nay, Yên Bái có trên 300 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đưa gần 1.200 sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, như Voso, Postmart, Lazada, Tiki, shopee, Sendo...; trong đó, riêng sàn thương mại Postmart.vn đã có gần 200 doanh nghiệp đăng ký với hơn 400 sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng.

Hiện Yên Bái có trên 80 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp đến khoảng 50 thị trường truyền thống, như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Mỹ... và hơn 30 thị trường khác; trong đó, thị trường mới có tiềm năng xuất khẩu lớn là các quốc gia Trung Đông, nhiều đơn hàng xuất khẩu đã được giao dịch cho các doanh nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản. Những tháng cuối năm, thị trường Trung Quốc đang dần mở cửa, có nhiều đơn hàng được giao dịch trở lại, góp phần làm tăng giá trị xuất khẩu của cả tỉnh.

Năm 2023, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp xuất khẩu, cùng chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh Yên Bái đã lường trước nhiều khó khăn, diễn biến bất lợi của thị trường và giá cả. Đây được xem là những thách thức không nhỏ đối với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, một số giải pháp trước mắt được tỉnh Yên Bái đề ra.

Ông Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, để đạt được mục tiêu xuất khẩu trong năm 2023, trước hết các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới; chú trọng ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động truyền thông, xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu; phát triển thêm các thị trường có tiềm năng, như thị trường Ấn Độ, châu Âu và Trung Đông.

Bên cạnh đó, ngành công thương tiếp tục hỗ trợ hoạt động xuất khẩu thông qua việc khai thác hiệu quả các chương trình hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế. Theo dõi sát diễn biến thị trường, đánh giá các tác động đến sản xuất, xuất khẩu để chủ động dự báo và kịp thời thông tin chính sách, quy định mới giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh không bị động, có phản ứng kịp thời; phát triển hạ tầng logistics phù hợp với quy hoạch ngành, đáp ứng nhu cầu trung chuyển hàng hóa phục vụ xuất nhập khẩu.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm