Xuân về vùng biên Chư Prông

Xã Ia Mơ trù phú hôm nay. Ảnh: Dư Toán
Xã Ia Mơ trù phú hôm nay. Ảnh: Dư Toán

Xuân về mang theo niềm tin, khát vọng mới cho mọi người, mọi nhà, mọi miền tổ quốc. Mùa xuân năm nay với đồng bào các dân tộc ở huyện Chư Prông (Gia Lai) sẽ thêm nhiều niềm vui mới. Vui về sự phát triển trong đời sống kinh tế, sự đổi thay của các buôn làng và vui vì một phên dậu Tổ quốc bình yên, no ấm…

Xuân về vùng biên Chư Prông ảnh 1Xã Ia Mơ trù phú hôm nay. Ảnh: Dư Toán

Chúng tôi về miền biên giới xã Ia Mơ của huyện Chư Prông, địa phương có gần 32 km đường biên giới với Campuchia, hơn 80% là đồng bào dân tộc, chủ yếu là dân tộc Jrai. Mấy năm trở lại đây, xã Ia Mơ gần như lột xác, nhiều công trình hạ tầng, nhiều tuyến đường mới mở, những ngôi nhà khang trang, hệ thống hồ thủy lợi dẫn nước, tiếng trẻ em nô đùa, cười nói tại các điểm trường đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của một xã vùng biên.

Xuân về vùng biên Chư Prông ảnh 2Đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc ở vùng biên Chư Prông đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ảnh: Hồng Điệp

Đến làng Klăh, xã Ia Mơ, chúng tôi tận mắt thấy những cánh đồng lúa trĩu hạt đang vào mùa gặt. Niềm vui của đồng bào hiện rõ trên từng khuôn mặt, tiếng nói cười râm ran khắp các cánh đồng. Anh Rơ Ma Tuyên chia sẻ: "Gia đình tôi mừng lắm vì năm nay được thu hoạch lúa nước 2 vụ, năng suất gấp 3 lần so với trồng lúa cạn truyền thống một vụ. Nhờ cán bộ nông nghiệp huyện, xã hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật trồng lúa nước, đồng bào đã thu hoạch lúa với năng suất 9,5 tấn tươi/ha.

Xuân về vùng biên Chư Prông ảnh 3Ngày càng có nhiều ngôi nhà khang trang nơi vùng biên Chư Prông. Ảnh: Hồng Điệp
Xuân về vùng biên Chư Prông ảnh 4Cánh đồng trồng lúa của đồng bào dân tộc ở xã Ia Mơ. Ảnh: Dư Toán

Để vừa đảm bảo an ninh vùng biên, vừa tạo việc làm cho đồng bào, Nông trường cao su An Biên (Công ty cao su Chư Prông) đã nhận gần 200 công nhân cạo mủ, chăm sóc cây cà phê với thu nhập từ 7 - 10 triệu/ tháng. Với sự quan tâm, hỗ trợ từ nông trường, đồng bào coi cây cao su là chỗ dựa để ổn định kinh tế, đời sống gia đình. Anh Rơ Lan Bên, làng Khôi, xã Ia Mơ cho biết: Năm 2018, 2 vợ chồng anh được nhận vào làm công nhân cho nông trường. Thu nhập bình quân từ 15 - 20 triệu đồng/tháng, gia đình anh đã mua thêm đất trồng sắn, xây được căn nhà cấp 4 khang trang với đầy đủ ti-vi, tủ lạnh, xe máy...

Xuân về vùng biên Chư Prông ảnh 5Công tác giáo dục - đào tạo cho con em đồng bào dân tộc ở Ia Mơ được quan tâm, đầu tư và có những bước tiến bộ vững chắc. Ảnh: Hồng Điệp

Chia sẻ với chúng tôi, già làng Ksor Blăm ở làng Krông, xã Ia Mơ cho biết thêm, trước đây, cơ sở hạ tầng rất kém nhưng đến nay, 100% hộ đồng bào trong làng đã có điện, hệ thống đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, an ninh chính trị được giữ vững. Thanh niên không còn vướng vào tệ nạn xã hội, vùng biên giới Ia Mơ thực sự bình yên. Thay mặt bà con, già xin cảm ơn Đảng, Nhà nước đã đầu tư phát triển, chăm lo đời sống đồng bào.

Xuân về vùng biên Chư Prông ảnh 6Với sự quan tâm, hỗ trợ từ Nông trường cao su An Biên, đồng bào dân tộc ở vùng biên Chư Prông coi cây cao su là chỗ dựa để ổn định kinh tế, đời sống gia đình. Ảnh: Hồng Điệp

Tết đang đến, xuân đang về, người người chúc nhau sức khỏe, bình an. Năm 2022 với nhiều khó khăn nhưng đồng bào ở vùng biên giới Chư Prông đã vượt qua thách thức, cùng chào đón năm mới 2023 với nhiều kỳ vọng về một cuộc sống bình yên nơi phên dậu Tổ quốc.

Hồng Điệp

(DTMN)

Có thể bạn quan tâm