Xuân sớm ở xã vùng cao biên giới A Xan

Xuân sớm ở xã vùng cao biên giới A Xan
Đường vào các thôn của xã A Xan đã được bê tông hóa. Ảnh: bienphong.com.vn
Đường vào các thôn của xã A Xan đã được bê tông hóa.
Ảnh: bienphong.com.vn

Ông Hồ Văn Nhia, Chủ tịch UBND xã A Xan, huyện Tây Giang, nơi có đường biên giới tiếp giáp với bản Tà Vàng, huyện Kạ Lùm, tỉnh Sê Kông, phấn chấn nói: “Cuộc sống của đồng bào Cơ Tu nơi miền biên cương bây giờ tuy vẫn còn không ít khó khăn, nhưng đã thay đổi nhiều rồi. Từ chuyện học hành của con em đến công tác chăm sóc sức khỏe, phát triển sản xuất, xây dựng công trình nước sạch, đường giao thông cho hộ đồng bào vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để trồng rừng nguyên liệu, trồng cây dược liệu, phát triển chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo bền vững đều có bước khởi sắc”.
         
Năm 2018, tổng sản lượng lương thực có hạt của xã A Xan đạt 625 tấn, cơ bản đáp ứng nguồn lương thực tại chỗ, thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 15 triệu đồng/người/năm. Bà con còn được đầu tư về vốn và kỹ thuật để nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tây Giang đã giải ngân gần 60 tỷ đồng giúp hộ đồng bào đầu tư phát triển sản xuất. Đặc biệt, việc giao đất khoán rừng cho hộ đồng bào quản lý không những tạo thêm công ăn việc làm cho bà con, mà công tác quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng luôn được chú trọng. Do đó, tình trạng cháy rừng, chặt phá rừng làm nương rẫy và khai thác vận chuyển trái phép lâm sản không xảy ra.
         
Nổi bật trong công tác xây dựng cơ sở hạ tầng cho xã biên giới A Xan thời gian qua là việc đầu tư xây dựng đường giao thông, nhất là tuyến đường lên cửa khẩu Tây Giang - Kạ Lùm. Ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang chia sẻ: Từ nguồn vốn đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng và ngân sách của địa phương, năm 2015 huyện Tây Giang được Nhà nước đầu tư hơn 185 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường trung tâm xã A Xan nối xã Ch’Ơm đến cửa khẩu Tây Giang. Sau hơn ba năm thi công, đến nay giai đoạn 1 của tuyến đường đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng. Không chỉ giải quyết tình trạng ách tắc giao thông, nhất là trong mùa mưa, tuyến đường huyết mạch này khi hoàn thiện sẽ kết nối các xã vùng cao, vùng biên giới của huyện Tây Giang. Mặt khác, tuyến đường còn tạo điều kiện cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc hai bên biên giới.
        
Theo Chủ tịch UBND xã A Xan Hồ Văn Nhia, giao thông phát triển, cuộc sống của người dân vùng cao biên giới huyện Tây Giang có nhiều thay đổi, kinh tế bắt đầu khởi sắc. Thay cho những ngôi làng mọc chênh vênh trên sườn núi, nhà cửa tạm, nay những ngôi làng tái định cư được bố trí gần đường giao thông, tạo điều kiện cho bà con đi lại, giao thương, con em học hành thuận lợi. Tuyến đường huyết mạch này không những góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào, mà còn phát triển hạ tầng khu cửa khẩu phụ Tây Giang, tăng cường giao lưu văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực biên giới giữa huyện Tây Giang với huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu văn hóa đã góp phần thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp kiểm tra, bảo vệ và phát quang đường biên, cột mốc 688, 689 và 690 theo kế hoạch của Đồn Biên phòng A Xan, được bà con tích cực hưởng ứng. Điều này đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn đường biên giới hữu nghị, thắt chặt mối quan hệ giữa nhân dân các dân tộc hai nước Việt – Lào. 
       
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, A Xan tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phù hợp với điều kiện và tiềm năng của địa phương, phát triển các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao như mắc ca, thảo quả, táo mèo trở thành hàng hóa. Bên cạnh đó, A Xan tiếp tục thực hiện tốt công tác khai hoang, cải tạo đồng ruộng bằng cơ giới để tăng diện tích sản xuất lúa nước; làm tốt công tác chỉnh trang, sắp xếp, bố trí tái định cư gắn với bố trí đất sản xuất lâu dài, hỗ trợ kỹ thuật và cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, để ngày càng có nhiều hộ đồng bào được sử dụng vốn vay phục vụ phát triển sản xuất.
       
Cùng với công tác giảm nghèo bền vững cho đồng bào, năm 2019, A Xan tăng cường tuần tra bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ an toàn đường biên cột mốc, giải quyết tốt vấn đề di cư ngoài kế hoạch và kết hôn không giá thú ở khu vực biên giới, góp phần giữ gìn đường biên giới hữu nghị, thắt chặt tình đoàn kết anh em giữa cộng đồng các dân tộc sống hai bên biên giới.

Một mùa xuân mới đang về mang đến sự no ấm cho đồng bào nơi phên dậu quốc gia.
Đoàn Hữu Trung

Có thể bạn quan tâm