Xuân mới trên đồng Chó Ngáp

Đường giao thông liên xã được bê tông hoá rộng rãi, đáp ứng nhu cầu đi lại và thông thương hàng hoá của người dân đồng Chó Ngáp thuộc hai xã Ninh Thạnh Lợi và Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu)
Đường giao thông liên xã được bê tông hoá rộng rãi, đáp ứng nhu cầu đi lại và thông thương hàng hoá của người dân đồng Chó Ngáp thuộc hai xã Ninh Thạnh Lợi và Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu)

Trở lại vùng đất Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) giữa tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm 2020, huyền thoại về vùng đất lửa anh hùng năm xưa, những cuộc đổi đời ngoạn mục nhờ con tôm, cây lúa hôm nay luôn là những câu chuyện thời sự thú vị, thể hiện tinh thần đoàn kết, ý chí và quyết tâm hiện thực hóa khát vọng đổi đời của bao thế hệ nông dân Kinh - Khmer - Hoa trên chính những cánh đồng hoang vu năm nào ở đồng Chó Ngáp.

Xuân mới trên đồng Chó Ngáp ảnh 1Đường giao thông liên xã được bê tông hoá rộng rãi, đáp ứng nhu cầu đi lại và thông thương hàng hoá của người dân đồng Chó Ngáp thuộc hai xã Ninh Thạnh Lợi và Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu)

Đồng Chó Ngáp là tên gọi dân gian, chỉ vùng đất hoang năm xưa với diện tích hơn 10.000 ha thuộc hai xã Ninh Thạnh Lợi và Ninh Thạnh Lợi A (huyện Hồng Dân, (Bạc Liêu) hôm nay. 

Xuân mới trên đồng Chó Ngáp ảnh 2Dự án xây dựng Khu di tích lịch sử quốc gia Chủ Chọt ở ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A (Hồng Dân, Bạc Liêu) đã hoàn thành các hạng mục nhà lưu niệm, nhà mồ, tường rào… dự kiến đưa vào sử dụng vào đầu xuân mới 2021, là niềm tự hào của người dân Bạc Liêu về truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm của những người nông dân Kinh, Khmer, Hoa ở đồng Chó Ngáp với sự kiện nổi dậy chống ách thực dân chấn động Nam Kỳ và Đông Dương của nông dân Ninh Thạnh Lợi vào tháng 5/1927. Trong ảnh: Khu di tích Chủ Chọt nhìn từ trên cao, nằm giữa những cánh rừng dừa nước và vuông tôm, ruộng lúa đặc thù của đồng Chó Ngáp hôm nay.

Theo các lão nông tri điền nơi đây, đồng Chó Ngáp trước đây là những cánh đồng hoang rộng hàng cây số, nhiễm phèn nặng, mọc nhiều năn, lác, từ bên này cánh đồng không nhìn rõ bên kia, lớn đến nỗi chó chạy phải lè lưỡi (ngáp). Từ vùng đất hoang hóa, độc canh cây lúa và các loại cây cho hiệu quả kinh tế thấp như tràm, trúc, khóm (dứa)…,  việc chuyển sang mô hình trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản từ xu thế chuyển đổi sản xuất vào những năm 2000 đã làm thay đổi toàn diện đời sống cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và diện mạo nông thông nơi đây.

Xuân mới trên đồng Chó Ngáp ảnh 3Ông Danh Quơl trên vuông tôm “dưỡng già” rộng hơn 1ha của hai vợ chồng ở ấp Chòm Cao, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Ảnh: Nhu Giang

Ông Phan Thanh Sung, Bí thư Đảng ủy xã Ninh Thạnh Lợi A, cho biết: Trong tổng số hơn 6.000 ha đất sản xuất trên địa bàn xã, có tới 4.600 ha canh tác theo mô hình tôm-lúa bền vững đa cây đa con, hơn 1.450 ha nuôi tôm kết hợp các loại thủy sản khác theo mô hình thức quảng canh cải tiến. Với khoảng 2.300 hộ dân gồm 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa sống đan xen từ bao đời nay, sau gần hai thập niên chuyển đổi sản xuất, cùng với giống lúa Một bụi đỏ “trời cho”,  người dân ở đồng Chó Ngáp đã định hình mô hình sản xuất tôm - lúa theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp bà con nông dân vươn lên làm giàu.

Xuân mới trên đồng Chó Ngáp ảnh 4Cán bộ nông nghiệp và bà con nông dân ở ấp Chòm Cao, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) tìm hiểu về giống lúa ST-24 mới gieo cấy thử nghiệm trên đồng Chó Ngáp từ năm 2020, cho thu hoạch vụ đầu tiên vào đầu năm mới 2021

Đối với người dân ở vùng đất Ninh Thạnh Lợi hôm nay, việc có đất sản xuất dưới 1ha được xem là ít. Gần 60 tuổi, là người dân tộc Khmer, ông Danh Quơl từng có hơn 10ha đất sản xuất. Sau khi dựng vợ gả chồng, chia đất sản xuất làm của hồi môn cho các con, vợ chồng ông chỉ giữ lại hơn 1ha đất nuôi tôm để dưỡng già, trong căn nhà khang trang ở ấp Chòm Cao, nơi có 70% hộ đồng bào Khmer sinh sống thuộc xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu).

Xuân mới trên đồng Chó Ngáp ảnh 5Với 385 hộ dân, ấp Chòm Cao là địa bàn có đông đồng bào Khmer cư trú nhất ở xã Ninh Thạnh Lợi A (Hồng Dân, Bạc Liêu), chiếm 70% dân số; số hộ nghèo và cận nghèo đếm trên đầu ngón tay. Trong ảnh: Gia đình anh Danh Nil, dân tộc Khmer ở ấp Chòm Cao có hơn 2ha đất nuôi trồng thủy sản theo hình thức quảng canh cải tiến

Cũng ở ấp Chòm Cao, là cư dân cố cựu ở đồng Chó Ngáp, ông Lê Văn Tính tự nhận mình có đất sản xuất “hơi rộng” với trên 10 ha đất trồng lúa kết hợp nuôi tôm, cua, cá…, cho thu nhập mỗi năm không dưới 500 triệu đồng. “Hồi đó, nhà tui làm đủ thứ, trồng khóm, đan đát thủ công, làm ruộng… nhưng bữa đực bữa cái, cực khổ lắm. Khoảng năm 2000 trở lại đây, từ lúc chuyển qua nuôi tôm, trồng lúa, thu nhập ổn định hơn, đời sống đổi thay rất nhiều. Hồi mới chuyển đổi, cũng gian nan lắm. Đồng Chó Ngáp mà, đất phải sửa, cải tạo mới sản xuất được. Giờ, mình sản xuất ổn định theo mô hình đa cây đa con, thả nối con giống liên tục, có sú, có thẻ, có cua… Cứ cách ba tháng, mình thu hoạch một lần, trúng thì hơn trăm triệu, thất cũng vài chục triệu.”, ông Tính chia sẻ.

Theo ông Lý Văn Sól, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Thạnh Lợi A, sau khi thu hoạch dứt điểm hai vụ tôm chính của năm 2020, các nông hộ trên địa bàn xã đã xuống giống, chăm sóc gần 4.580 ha lúa trên đất nuôi tôm, dự kiến thu hoạch dứt điểm trong tháng 01/2021 với kỳ vọng được mùa, trúng giá từ những trà lúa Một bụi đỏ canh tác bao đời nay và giống lúa ST-24 mới gieo sạ vụ đầu tiên, từng bước đa dạng hóa mô hình sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất trên cùng diện tích canh tác, hướng tới xã nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn 2021-2025.  

Xuân mới trên đồng Chó Ngáp ảnh 6Cùng với tôm sú và tôm thẻ, cua là loại vật nuôi có giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cao cho bà con nông dân ở các xã Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Trong ảnh: Điểm tập kết, phân loại cua để bán ra thị trường ở ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu)

Với mô hình canh tác một vụ lúa và hai vụ tôm chính cho năng suất bình quân 120-150kg/ha/vụ, chưa kể thu hoạch xen canh bình quân 70-80kg/ha/đợt và nguồn thu từ cây lúa, bà con nông dân không còn loay hoay với chuyện thoát nghèo mà chỉ chú tâm vào việc gieo sạ lúa, thả giống, chăm sóc và thu hoạch tôm, cua, cá…, duy trì nguồn thu nhập ổn định, làm giàu trên đồng đất quê hương.

Tính đến cuối năm 2020, toàn xã Ninh Thạnh Lợi A chỉ còn hơn 0,3% hộ nghèo được đưa vào diện bảo trợ xã hội, thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/người/năm, gần 94% hộ dân có nhà ở kiên cố và bán kiên cố…

Trong đó, ấp Nhà Lầu 1 và Nhà Lầu 2 với các hộ dân nằm ven trục kênh xáng Phó Sinh - Cạnh Đền và tuyến đường bê tông dài 15 km rộng 3,5m vừa mới hoàn thành toàn những căn nhà kiên cố, khang trang như tên gọi của ấp, bao bọc bởi sông nước và những ao tôm, ruộng lúa ngút ngàn.

Xuân mới trên đồng Chó Ngáp ảnh 7Nhà Lầu là địa danh có từ trước 1975, được chi thành hai ấp Nhà Lầu 1 và Nhà Lầu 2 từ năm 1967. Trong hai thập niên trở lại đây, nhờ mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp trồng lúa, 2/3 hộ dân ở ấp Nhà Lầu 1 và Nhà Lầu 2 (xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) đã xây dựng nhà ở kiên cố và bán kiên cố, nằm dọc kênh xáng Phó Sinh - Cạnh Đền. Trong ảnh: Một góc ấp Nhà Lầu 1 nhìn từ trên cao.

Phát huy thành quả của địa phương vùng sâu, vùng xa vừa đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao với các trục đường ô tô mới hoàn thành, kết nối khu vực trung tâm với thị trấn huyện lỵ Ngan Dừa (huyện Hồng Dân), thị trấn Phước Long (huyện Phước Long) của tỉnh Bạc Liêu, huyện Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang và quốc lộ 1A, cùng với công trình di tích lịch sử cấp quốc gia Chủ Chọt đang thi công những hạng mục cuối cùng tại ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi A, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), người dân trên đồng Chó Ngáp đang hồ hởi đón năm mới 2021 với những kỳ vọng mới, hướng tới một cuộc sống ổn định, đủ đầy, no ấm./.      

Bài và ảnh: Nhu Giang, An Hiếu

(Báo ảnh DT&MN)

Có thể bạn quan tâm