Xuân mới trên đất giồng Vĩnh Châu

Sắc xuân bình dị trên dải đất giồng cát ven biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: An Hiếu
Sắc xuân bình dị trên dải đất giồng cát ven biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: An Hiếu

Giữa cái se lạnh bất thường của đất tri phương Nam trong những ngày cuối năm Canh Tý, đồng bào các dân tộc trên dải đất giồng cát ven biển Vĩnh Châu đang tập trung chăm sóc mùa hành tím đặc sản chính vụ, dự kiến thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sắp tới với kỳ vọng được mùa, trúng giá, sau vụ tôm năm 2020 khá thành công...

Nằm ở phía Nam của tỉnh Sóc Trăng, có thế mạnh chủ yếu là nông nghiệp và thủy sản, Vĩnh Châu là thị xã duyên hải có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, chiếm gần 71% dân số. Trong đó, dân tộc Khmer chiếm gần 53%, dân tộc Hoa chiếm gần 18% dân số toàn thị xã.

Xuân mới trên đất giồng Vĩnh Châu ảnh 1
Xuân mới trên đất giồng Vĩnh Châu ảnh 2Toàn cảnh thị xã Vĩnh Châu - thị xã ven biển của tỉnh Sóc Trăng với gần 71% cư dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Khmer chiếm gần 53%. Ảnh: An Hiếu

Theo ông Dương Minh Trí, Trưởng phòng Dân tộc thị xã Vĩnh Châu, đồng bào DTTS nơi đây sống đan xen với người Kinh ở hầu hết 10 xã, phường trên địa bàn, tập trung đông nhất ở các địa phương ven biển như xã Lạc Hòa, Vĩnh Tân, Lai Hòa, Vĩnh Hải, phường Vĩnh Phước và phường 2.

Xuân mới trên đất giồng Vĩnh Châu ảnh 3Chùa Sêrây Cro Săng, tọa lạc tại phường 2, địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống của thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: An Hiếu

Theo tập quán cư trú và sản xuất từ bao đời nay, bà con người Hoa đa phần hoạt động kinh doanh, thương mại dịch vụ, sản xuất tiểu thủ công nghiệp...; trong khi, đồng bào Khmer chủ yếu gắn với sản xuất nông nghiệp, làm ruộng, nuôi tôm, trồng hành tím, tỏi, ớt, củ cải trắng...

Từ thắng lợi kép: Được mùa sú, trúng mùa hành…

Phát huy thế mạnh của vùng đất giồng cát ven biển, đồng bào các dân tộc trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đang tích cực chăm sóc mùa hành tím thương phẩm chính vụ đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Mỗi năm, bà con nông dân nơi đây thường trồng 3 đợt hành gồm vụ hành sớm, vụ hành chính vụ và vụ hành giống với tổng diện tích khoảng 6.600 ha. Trong đó, diện tích hành tím chính vụ khoảng 5.000 ha với sản lượng trên 90.000 tấn; còn lại là diện tích trồng hành sớm và hành giống.

Xuân mới trên đất giồng Vĩnh Châu ảnh 4Năm 2020, đồng bào các dân tộc xuống giống trên 4.400ha hành tím thương phẩm, loại cây trồng đặc sản chủ lực của vùng đất giồng cát ven biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Trong ảnh: Bà con nông dân Khmer ở Vĩnh Châu thu hoạch hành tím phục vụ Tết Nguyên đán với niềm vui trúng mùa, được giá. Ảnh: An Hiếu

Những tín hiệu lạc quan về năng suất và thị trường tiêu thụ của vụ hành chính vụ năm 2020 khiến nông dân Vĩnh Châu tiếp tục kỳ vọng về một vụ màu bội thu của vụ hành chính vụ sắp tới.

Theo chia sẻ của các hộ dân, nếu thời tiết thuận lợi, mỗi công (1.000 m2) hành tím thương phẩm có thể đạt năng suất trên hai tấn rưỡi, cao hơn năng suất của vụ hành tím sớm gần một tấn.

Xuân mới trên đất giồng Vĩnh Châu ảnh 5Phân loại hành tím sau thu hoạch tại gia đình anh Đặng Tấn Khoa, dân tộc Hoa ở phường 2, Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: An Hiếu

Tuy nhiên, điều mà nông dân trồng hành tím chính vụ băn khoăn nhất vẫn là giá bán và khâu tiêu thụ lúc thu hoạch. Ông Thạch Siêl ở khóm Vĩnh Bình, phường 2 cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên người trồng hành chính vụ cũng hy vọng về vụ hành thành công như năm trước. Theo ông Thạch Siêl giá hành giống trung bình từ 60-80 nghìn mỗi ký, chi phí đầu tư cho mỗi công hành gồm cả làm đất, thuê người trồng lẫn hành giống hết gần 20 triệu đồng.

Cùng ngụ trên địa bàn Phường 2, Thị xã Vình Châu, bà Thạch Thị Kiều Oanh, chia sẻ: Năm nay gia đình trồng được 5 công hành chính vụ. Theo ghi nhận từ các hộ trồng hành sớm hơn thì năm nay sâu bệnh không nhiều, thời tiết thuận lợi, người trồng ai nấy cũng thấy mừng.

Năm ngoái, hành sớm được giá trên 30 nghìn đồng, hành mùa có thấp hơn nhưng vẫn trên 20 nghìn đồng mỗi ký. Năm nay, mức giá vẫn ổn định, năng suất vẫn được như năm rồi thì người trồng hành trên địa bàn có thể thu lãi được mỗi công từ 15-20 triệu đồng.

Xuân mới trên đất giồng Vĩnh Châu ảnh 6Đến nay, thị xã Vĩnh Châu có 4/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới gồm Hòa Đông, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Tân và Vĩnh Hải. Trong ảnh: Đường giao thông liên xã được nhựa hoá rộng rãi đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá của người dân ở xã nông thôn mới Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: An Hiếu

Bà Triệu Thị Ngọc Diễm, Phó Chủ tịch thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cho biết: Vụ hành năm nay, địa phương phấn đấu đạt về sản lượng, giá bán. Nhờ thời tiết thuận lợi nên nông dân trên địa bàn thị xã đẩy nhanh tiến độ xuống giống, chăm sóc và đang chuẩn bị thu hoạch.

Trong năm 2020, đồng bào các dân tộc ở Vĩnh Châu cũng đã xuống giống, gieo trồng trên 11.000 ha màu các loại. Trong đó, riêng diện tích trồng hành tím đặc sản đạt trên 4.400ha, chiếm 40% tổng diện tích trồng màu trên địa bàn, cho năng suất bình quân gần 19 tấn/ha, sản lượng lên đến gần 83.340 tấn.

Xuân mới trên đất giồng Vĩnh Châu ảnh 7Sắc xuân bình dị trên dải đất giồng cát ven biển Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Ảnh: An Hiếu

Cùng với niềm vui trúng mùa, giá hành tím thương phẩm khá ổn định và cao hơn so với cùng kỳ năm trước, các nông hộ trồng hành tím đặc sản nơi đây hết sức phấn khởi khi sản phẩm hành tím Vĩnh Châu chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý; đồng thời, ngành chức năng địa phương cũng đã tiến hành trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Vĩnh Châu” dùng cho sản phẩm hành tím của tỉnh Sóc Trăng cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hành tím trên địa bàn…

Bên cạnh đó, trong năm 2020 vừa qua, đồng bào các dân tộc trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu đã thả nuôi hơn 30.500ha diện tích nuôi thủy sản, đạt tổng sản lượng trên 112.000 tấn. Tuy nhiên, thành công nhất trong vụ tôm vừa qua của địa phương là diện tích thiệt hại giảm mạnh, chỉ chiếm khoảng 9% diện tích thả nuôi so với tỷ lệ thiệt hại gần 11% của năm 2019, chủ yếu nhờ thời tiết thuận lợi, cơ quan chức năng chủ động xây dựng khung lịch thời vụ hợp lý; đồng thời, tăng cường công tác khuyến cáo người dân tuân thủ lịch thời vụ, giới thiệu các mô hình nuôi tôm hiệu quả, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật kịp thời cho bà con nông dân.

… Đến thành quả giảm nghèo và kỳ vọng vào những dự án tỷ đô

Những tín hiệu tín cực trong phát triển kinh tế, cùng với chính sách đầu tư phát triển trong những năm qua đã có tác động lớn, từng bước phát huy hiệu quả, làm thay đổi diện mạo nông thôn thị xã duyên hải Vĩnh Châu, giúp cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc trên địa bàn. Riêng trong năm 2020 vừa qua, toàn thị xã có trên 1.600 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xuống còn hơn 5%. Cùng với người Kinh và người Hoa, nhiều hộ đồng bào Khmer đã vượt khó, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Xuân mới trên đất giồng Vĩnh Châu ảnh 8Anh Sóc Điều chăm sóc lứa hành tím thương phẩm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của gia đình. Ảnh: Bưng Biền

Điển hình như hộ gia đình anh Sóc Điều (40 tuổi), ở ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải, Thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) tuy có gần 1ha đất nuôi tôm và trồng hành tím nhưng từng thuộc diện hộ nghèo.

Năm 2016, được Ngân hàng hỗ trợ 40 triệu đồng vốn vay ưu đãi, gia đình anh đầu tư mua hai con bò sinh sản. Nhờ cần cù, chịu khó lao động sản xuất với mô hình đa canh, đa con và biết tích lũy, đến năm 2019, gia đình anh chính thức thoát nghèo, xây dựng được ngôi nhà kiên cố trị giá 60 triệu đồng.

Xuân mới trên đất giồng Vĩnh Châu ảnh 9Với diện tích sản xuất khoảng 2ha trồng hành tím và nuôi tôm thẻ chân trắng, hộ gia đình ông Kim Sary, dân tộc Khmer ở ấp Âu Thọ A, xã Vĩnh Hải (Vĩnh Châu, Sóc Trăng) có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng/năm. Trong ảnh: ông Kim Sary chăm sóc rẫy hành tím của gia đình. Ảnh: An Hiếu

Với đàn bò 5 con, ao tôm rộng 7.000 m2 và 1.000 m2 hành tím cho thu hoạch trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, anh Sóc Điều phấn khởi cho biết: “Một con bò giờ giá hơn 10 triệu đồng rồi, ao tôm mình lấy ngắn nuôi dài, có đồng ra đồng vô, đi chợ mỗi ngày. Giờ trông vô vụ hành Tết, năm nay thời tiết thuận lợi, một công không dưới 3 tấn. Nếu giá hành ổn định, tính luôn bò và tôm nuôi, nhà mình cầm chắc hơn 100 triệu đồng.”

Xuân mới trên đất giồng Vĩnh Châu ảnh 10Cán bộ xã Vĩnh Hải đến thăm hỏi, tìm hiểu thông tin về mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Kim Sary, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Âu Thọ A, xã Vĩnh Hải (Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Ảnh: An Hiếu

Ông Sơn Ngọc Thạch, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, cho biết, trong thời gian tới, thị xã Vĩnh Châu sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất theo các tiêu VietGAP, sản xuất hữu cơ… Qua đó, giúp bà con nông dân địa phương tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần thay đổi tập quán trong sản xuất, hướng đến việc nâng cao chất lượng nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng một diện tích canh tác, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.

Xuân mới trên đất giồng Vĩnh Châu ảnh 11
Xuân mới trên đất giồng Vĩnh Châu ảnh 12Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của một doanh nghiệp ở xã Lạc Hòa (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Ảnh: An Hiếu

Cụ thể, trong giai đoạn 2020-2025, Thị xã Vĩnh Châu hướng tới mục tiêu giá trị sản phẩm thu hoạch trên một hecta đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 265 triệu đồng. Qua đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 1,5-2%; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4%, 70% hộ dân có nước sạch sử dụng, 99% người dân tham gia bảo hiểm y tế…

Ngoài ra, theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt, tỉnh Sóc Trăng có 3 vùng quy hoạch phát triển điện gió với tổng diện tích lên đến hơn 37.000ha, phân bổ tại các khu vực bãi bồi ven biển, khu vực đất liền ven biển và khu vực đất liền, phần lớn nằm trên địa bàn thị xã ven biển Vĩnh Châu, địa phương chiếm gần 60% tổng chiều dài bờ biển của tỉnh Sóc Trăng.

Xuân mới trên đất giồng Vĩnh Châu ảnh 13
Xuân mới trên đất giồng Vĩnh Châu ảnh 14Giờ học môn tiếng Khmer của cô và trò trường THCS Phường 2 (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Ảnh: An Hiếu

Với lợi thế bờ biển dài và rộng, sức gió nhiều và mạnh hơn các tỉnh duyên hải trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, theo số liệu tính toán của các nhà đầu tư, tỉnh Sóc Trăng nói chung, thị xã Vĩnh Châu nói riêng có thể phát triển nhiều cánh đồng điện gió với tổng công suất lên đến 1,55 GW, nếu huy động được lượng vốn đầu tư khoảng 3 đến 4 tỷ USD.

Xuân mới trên đất giồng Vĩnh Châu ảnh 15Một góc bãi biển Hồ Bể (xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu), nơi đang triển khai nhiều dự án phát triển du lịch và điện gió theo quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: An Hiếu

Năm Canh Tý sắp khép lại bằng thành công kép từ vụ nuôi trồng thủy sản và trồng màu với lứa hành tím chính vụ đang vào mùa thu hoạch phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới, cùng với hàng loạt dự án điện gió đã khởi công dọc chiều dài 43 km bờ biển, đồng bào các dân tộc trên dải đất giồng cát ven biển Vĩnh Châu đang hướng tới nhiều đổi thay với những kỳ vọng mới giữa mùa xuân mới Tân Sửu 2021./.

Nhu Giang - Chanh Đa - Trung Hiếu

(Báo ảnh DT&MN/TTXVN)

Có thể bạn quan tâm