Xử lý nghiêm việc sử dụng chế phẩm diệt côn trùng y tế trong sản xuất nông nghiệp

Trong thời gian qua, một số địa phương đã phát hiện một số chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn được cấp phép để sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế nhưng lại bị sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, một số chế phẩm diệt khuẩn khi được lấy mẫu ngẫu nhiên trên thị trường để kiểm tra thành phần, hàm lượng không đạt tiêu chuẩn như đã đăng ký...

Để phòng ngừa các yếu tố nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm việc sử dụng chế phẩm diệt côn trùng y tế trong sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, Hà Nội tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh sử dụng các loại chế phẩm diệt côn trùng y tế trên địa bàn thành phố; đặc biệt rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm thay đổi tên thương mại của chế phẩm, ghi nhãn sai so với nội dung nhãn đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành và nhãn đã được phê duyệt gây nhầm lẫn với thuốc bảo vệ thực vật, thay đổi hướng dẫn sử dụng để bán cho người sử dụng dùng trong nông nghiệp, hàm lượng hoạt chất không đúng với giấy chứng nhận đăng ký lưu hành được cấp... nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng không đúng quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tăng cường kiểm tra việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm buôn bán thuốc cấm sử dụng, thuốc không có tên trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả; tập huấn nâng cao hiểu biết cho người buôn bán và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tránh nhầm lẫn với các loại chế phẩm khác và sử dụng sai mục đích; không sử dụng thuốc diệt côn trùng y tế để phòng trừ các sinh vật gây hại thực vật trên đồng ruộng; chỉ sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm an toàn, hiệu quả trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra chặt chẽ các cơ sở sản xuất, buôn bán chế phẩm diệt côn trùng y tế, thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định…

Nam Giang

Tin liên quan

Học sinh tận dụng phế thải tạo chế phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường

Đề tài của Nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hùng Vương (Gia Lai) đã vượt qua 753 đề tài khác để đạt giải Nhì của Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2020, với chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học và phân bón hữu cơ Combo (Far-Sup) từ vỏ hạt điều và lá cây dã quỳ. Đây là sản phẩm được tạo ra từ ý tưởng xây dựng quy trình khép kín, tận dụng phế thải nông nghiệp từ sản xuất điều nhằm bảo vệ môi trường.


Sử dụng chế phẩm nấm xanh giảm hơn 80% chi phí trừ rầy nâu

Nấm xanh (Metarhizium sp.) là chế phẩm trừ sâu sinh học được Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho nông dân sản xuất và sử dụng diệt trừ rầy nâu và các loài sâu bệnh hại lúa như: bọ xít, sâu cuốn lá... đạt hiệu quả cao. Tỉnh Đồng Tháp đang triển khai mô hình trên 5 huyện Lấp Vò, Tân Hồng, Tháp Mười, Châu Thành và Thanh Bình. Loại nấm này có hiệu quả tiêu diệt cao đối với các loài rầy, bọ xít, sâu cuốn lá hại lúa, qua đó giảm 80% chi phí sử dụng thuốc trừ rầy nâu.



Đề xuất