Xử lý môi trường làng nghề

Xử lý môi trường làng nghề
* Có nghề là có ô nhiễm
Xã Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội) có gần 3.143 hộ, thì có trên 2.800 hộ dân sản xuất tinh bột, làm miến và bánh kẹo; tổng doanh thu mỗi năm trên 300 tỷ đồng. Nhưng cũng vì thế, nhiều năm nay người dân xã Dương Liễu phải sống chung với ô nhiễm môi trường. Làng nghề càng phát triển, tình trạng ô nhiễm càng trầm trọng.
Xử lý môi trường làng nghề ảnh 1
Nước thải ô nhiễm môi trường làng nghề Dương Liễu.
Để sản xuất ra hàng trăm tấn tinh bột, miến; mỗi ngày Dương Liễu thải ra môi trường hàng nghìn m3 nước thải chưa qua xử lý, khiến cho cả xã ngập trong mùi xú uế, hôi thối. Đi vòng quanh xã sẽ không khó bắt gặp những dòng nước thải đen kịt chảy ra ở hệ thống cống rãnh thoát nước. Đặc biệt con kênh T2 chảy qua địa phận xã cũng ô nhiễm trầm trọng. Bà Nguyễn Thị Lai, một hộ dân trong xã cho biết: “Ô nhiễm từ nước thải giờ ngấm xuống đất, ảnh hưởng đến nguồn nước giếng khoan, khiến cho nước giếng có mùi thum thủm, dân không dám ăn, mà chỉ dùng để sản xuất, tắm giặt”.
Theo ghi nhận tại một số cơ sở sản xuất bánh kẹo, miến dong, quá trình sản xuất gần như là thủ công, mạnh hộ nào hộ đó làm. Theo tính toán, cứ 10 tấn củ dong riềng ở 1 hộ sản xuất sẽ thải ra môi trường 7 tấn bã, nước thải. Tất cả đổ xuống cống rãnh, kênh mương quanh xã, chỉ sau 3 - 4 ngày, các hóa chất, nước thải sinh hoạt, chất hữu cơ phân hủy, bốc lên mùi hôi thối khắp cả vùng.
Còn làng Triều Khúc (Tân Triều, Thanh Trì) có gần 130 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ tái chế phế liệu. Quy trình là phân loại, chặt nhỏ, rửa phế liệu. Nước rửa phế liệu đổ thẳng ra cống, chảy xuống sông Tô Lịch. Còn hoạt động tái chế nhựa khiến mùi hôi nồng nặc, gây ô nhiễm không khí. Theo lãnh đạo huyện Thanh Trì, nước thải làng nghề Triều Khúc hoàn toàn chưa được xử lý, còn rác thải ước tính khoảng 17-18 tấn/ngày đêm. “Một phần rác được thu gom đưa ra bãi tập kết, nhưng một phần chưa được thu gom do số lượng quá lớn, nên hình thành bãi rác tự phát ở ven làng, gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân”, anh Nguyễn Tuấn Hải, người dân làng Triều Khúc, cho biết.
* Vẫn thiếu kinh phí
Ô nhiễm môi trường làng nghề là một thực trạng đã tồn tại rất lâu nay khiến nhiều người dân bức xúc, chính quyền xã cũng đau đầu. Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng này lại gặp nhiều khó khăn.
Theo lãnh đạo xã Tân Triều, xã đã định hướng đưa các hộ sản xuất tái chế nhựa vào cụm làng nghề tập trung để thuận lợi cho việc thu gom, xử lý rác thải, nước thải. Tuy nhiên, do nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ không đủ tiền mua đất ở cụm sản xuất, nên việc di chuyển rất khó khăn. Còn theo đại diện UBND xã Dương Liễu, từ năm 2003, xã đã xây dựng quy chế vệ sinh môi trường, thành lập tổ vệ sinh môi trường. Đặc biệt, để giải quyết căn cơ vấn đề ô nhiễm, xã đã tiến hành quy hoạch điểm công nghiệp làng nghề, nhưng 12 năm đã qua, dự án vẫn nằm trên giấy.
Từ năm 2012, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành khảo sát tại 17 làng nghề có ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và lựa chọn 6 làng nghề đặc biệt ô nhiễm để triển khai thí điểm công nghệ xử lý phù hợp như xử lý nước thải cho làng nghề chế biến tinh bột sắn tại xã Tân Hòa (Quốc Oai); xử lý bụi làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ tại xã Vân Hà, huyện Đông Anh; xử lý ô nhiễm nước thải làng nghề bằng chế phẩm tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai... Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề Hà Nội.
Theo ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, nguồn lực đầu tư cho môi trường làng nghề đang gặp khó khăn. Nguồn ngân sách của thành phố không đủ; trong khi đó, việc triển khai xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý môi trường còn gặp khó khăn. “Thành phố đã giới thiệu cho nhiều nhà đầu tư để đầu tư vào các dự án cải tạo môi trường làng nghề, nhưng họ đều không mặn mà, do vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi khó khăn. Thành phố đang chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội xây dựng đề án giải quyết vấn đề môi trường bức xúc trên địa bàn và xây dựng những mô hình làm điểm, trước khi nhân ra diện rộng”, ông Vũ Hồng Khanh cho biết.
“Giải pháp căn cơ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề là quy hoạch cụm, khu làng nghề, trong đó di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực dân cư và phải xây dựng hạ tầng kỹ thuật xử lý chất thải. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường tại 50 làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”, lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết.

Có thể bạn quan tâm