Xóa những “điểm nóng” về kết hôn cận huyết ở Đắk Nông

Xóa những “điểm nóng” về kết hôn cận huyết ở Đắk Nông
Chị H’Giang (bên phải) cộng tác viên dân số thôn 2, xã Quảng Khê (Đắk Glong) đến từng nhà tuyên truyền về quy định cấm kết hôn cận huyết
Chị H’Giang (bên phải) cộng tác viên dân số thôn 2, xã Quảng Khê (Đắk Glong) đến từng nhà tuyên truyền về quy định cấm kết hôn cận huyết
Tại huyện Tuy Đức, trước khi triển khai mô hình, tình trạng kết hôn cận huyết là một trong những thách thức lớn đối với công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ). Qua thống kê, năm 2011, tỷ lệ kết hôn cận huyết của xã Quảng Trực là 33,6%, xã Đắk Ngo là 35,5% và xã Đắk R’tíh là 42,3%.

Theo ông Hồ Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện thì tỷ lệ kết hôn cận huyết cao chính là “lực cản” lớn trong việc triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng dân số tại địa phương. Thực hiện mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết”, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động đồng bộ từ truyền thông nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, cho đến cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ cho thanh niên, vị thành niên cũng như thiết lập hệ thống ghi chép, theo dõi một cách chặt chẽ.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng chú trọng đến việc hỗ trợ hoạt động tư pháp trong việc quản lý, cung cấp thông tin, tư vấn cho các đối tượng chuẩn bị kết hôn, làm giấy kết hôn và giấy khai sinh... Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động là hoạt động trọng tâm được ưu tiên hàng đầu.

Ngoài thông qua các hình ảnh trực quan, nói chuyện chuyên đề, tài liệu truyền thông, nội dung tuyên truyền còn được lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, thể thao của từng thôn, bon cũng như các buổi sinh hoạt của các đoàn thể... Những quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, bài trừ nạn tảo hôn và cấm kết hôn cận huyết thống còn được đưa vào hương ước, quy ước của từng thôn, bon và là một trong những tiêu chuẩn xét chọn gia đình văn hóa.

Ông Cẩm khẳng định: Thực tế, việc triển khai mô hình đã giải quyết được một trong những khó khăn lớn tồn tại nhiều năm qua tại địa phương. Hiện tại, 3 xã triển khai mô hình đã “xóa sổ” được tình trạng kết hôn cận huyết.
Tương tự, tại huyện Đắk Glong, vào thời điểm năm 2011, tỷ lệ kết hôn cận huyết chiếm 12,3%; trong đó, xã Đắk P’lao là “điểm nóng” của huyện, chiếm tới 43,5%. Trước thực tế đó, từ khi được chọn là địa phương thực hiện thí điểm mô hình, ngành DS-KHHGĐ huyện đã tích cực phối hợp với các ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ nhiều hoạt động cụ thể.

Theo bà Đặng Thị Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện thì mô hình được triển khai tại 3 xã trọng điểm là Đắk P’lao, Đắk Ha và Quảng Khê. Tại mỗi xã, trung tâm phối hợp cùng các ngành, đoàn thể thành lập 4 nhóm cộng đồng: Nhóm các bậc phụ huynh, nhóm thanh niên, vị thành niên,  nhóm người có uy tín trong cộng đồng và nhóm người trong độ tuổi sinh sản. Mỗi tháng, các nhóm tiến hành họp thành viên một lần để tuyên truyền, phổ biến các chính sách về DS-KHHGĐ, tác hại của việc kết hôn cận huyết…

Đặc biệt, việc tuyên truyền, vận động còn hướng đến đối tượng là các già làng để thông qua đó đưa quy định cấm kết hôn cận huyết vào hương ước của thôn, bon... Chị H’Giang, cộng tác viên dân số thôn 2, xã Quảng Khê cho biết: Thông qua việc tuyên truyền, vận động, bà con đã thay đổi suy nghĩ về hôn nhân cận huyết. Không những vậy, nhiều gia đình còn cởi mở, thẳng thắn giáo dục con cái về các vấn đề tình yêu, hôn nhân....

Theo đánh giá của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, việc triển khai mô hình đang là hướng đi đúng trong công tác DS-KHHGĐ tại địa phương. Đây cũng là cơ sở, nền tảng để ngành Dân số tiếp tục xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh, góp phần thực hiện tốt mục tiêu đẩy lùi hoàn toàn tình trạng kết hôn cận huyết, thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ.
Báo Đắk Nông

Có thể bạn quan tâm