Xóa nhòa khoảng cách địa lý, giúp người bệnh vùng sâu, vùng xa tiếp cận y tế chất lượng cao

Buổi tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện K với nhiều điểm cầu. Ảnh: PV/Vietnam+
Buổi tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện K với nhiều điểm cầu. Ảnh: PV/Vietnam+

Đánh giá về công tác Đào tạo, Chỉ đạo tuyến và Đề án Khám, chữa bệnh từ xa năm 2022 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện cho biết, bên cạnh công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, chỉ đạo tuyến và thực hiện Đề án 1816 về cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Đề án Khám, chữa bệnh từ xa như một điểm sáng trong các hoạt động y tế thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát.

Xóa nhòa khoảng cách địa lý, giúp người bệnh vùng sâu, vùng xa tiếp cận y tế chất lượng cao ảnh 1 Buổi tư vấn y tế, khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện K với nhiều điểm cầu. Ảnh: PV/Vietnam+

Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vẫn duy trì được các lớp học trực tuyến, đảm bảo giãn cách xã hội trong phòng, chống dịch, giảm chi phí và thời gian đi lại cho người bệnh; đảm bảo sự cân bằng lượng bệnh nhân ở bệnh viện tuyến trên – tuyến dưới.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Bình Giang chia sẻ, nếu như trước đây các thầy thuốc và người bệnh ở các vùng sâu, vùng xa, các bệnh viện huyện chỉ nghe đến tên của các giáo sư, các thầy thuốc của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thì bây giờ thì người bệnh ở Sốp Cộp, Sơn La, những người bệnh Mù Cang Chải, Yên Bái, hay ở Đồng Văn, Hà Giang hoặc Hướng Hóa, Quảng Trị… thông qua khám chữa bệnh từ xa có thể được khám, chữa bệnh, trao đổi trực tiếp, nghe tư vấn về tình hình bệnh tật của mình bởi với những thầy thuốc, chuyên gia đầu ngành trong cả nước.

Khám chữa bệnh từ xa đã xóa nhòa khoảng cách địa lý giúp những người bệnh ở vùng sâu, vùng xa cũng được thụ hưởng những tiến bộ của y học hiện đại mà không phải di chuyển những quãng đường dài, vừa tốn kém về tiền của và ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Trong năm 2022, cùng với công tác khám chữa bệnh từ xa, Bệnh viện chú trọng công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Bệnh viện đã tổ chức 102 khoá đào tạo cho 2.519 học viên; duy trì từ 2500 – 3000 lượt sinh viên, học viên của các cơ sở giáo dục đến thực hành, nghiên cứu tại bệnh viện; chuyển giao 6 gói dịch vụ về ghép thận, ghép tim, PET – CT,… cho Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An… với hơn 140 lượt học viên.

Về hoạt động Chỉ đạo tuyến, thực hiện Đề án 1816, Đề án Khám chữa bệnh từ xa, Bệnh viện đẩy mạnh các chuyến công tác khảo sát nhu cầu đơn vị, tổ chức 18 chuyến công tác và hơn 200 lượt chuyên gia được cử về các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện để khảo sát, đánh giá hiệu quả của dự án và nhu cầu của các đơn vị. Bệnh viện tổ chức 3 khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho 33 học viên của các bệnh viện địa phương; hơn 90 buổi tư vấn, hội chẩn trực tuyến, trong đó có 54 buổi thường quy cho đối tượng bác sĩ, điều dưỡng và 10 buổi hội nghị, hội thảo…

Đánh giá về công tác chỉ đạo tuyến, khám chữa bệnh từ xa, luận phiên cán bộ y tế về tuyến dưới, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhấn mạnh, đây những nhiệm vụ quan trọng của ngành Y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đưa dịch vụ kỹ thuật y tế đến gần nhân dân, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đảm bảo sự công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế giữa các vùng miển và đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến Trung ương.

PV

TTXVN

Có thể bạn quan tâm